Chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" ngày 26-11, với chủ đề "Công tác chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại và những lưu ý về tình hình dịch bệnh", diễn ra vào lúc 20 giờ trên sóng trực tiếp.
Tại chương trình, khách mời là bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP và ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, sẽ trả lời những băn khoăn, thắc mắc của người dân về các vấn đề liên quan.
Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM và Sở Giáo dục - Đào tạo TP HCM tham gia trả lời về việc chuẩn bị cho học sinh trở lại trường và dịch Covid-19. Ảnh chụp màn hình
Trước đó, vào ngày 19-11, Sở GD-ĐT TP HCM đã đề xuất với UBND TP về kế hoạch cho học sinh đi học trở lại thích ứng với điều kiện bình thường mới.
Dự kiến từ ngày 10-12 học sinh trở lại trường học trực tiếp, trong đó khối 9 và khối 12 đi học trước và mở dần các khối lớp khác.
- Khán giả hỏi: Các ca nhiễm có dấu hiệu tăng trong những ngày gần đây, phải chăng công tác kiểm soát dịch của TP đang lỏng lẻo?
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết khi nới lỏng giãn cách và thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, TP cũng khôi phục một số hoạt động kinh tế, song song đó phải phòng chống dịch. Khi các hoạt động giao lưu tiếp xúc tăng sẽ kéo theo số ca F0 tăng. Mặc dù vậy, số ca F0 mới tăng đã nằm trong dự báo và được TP kiểm soát.
Bên cạnh đó, TP vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, trong đó rất quan trọng là bao phủ vắc-xin ngừa Covid-19, nhất là cho đối tượng trẻ em từ 12-17 tuổi, tuy nhiên việc tiêm chủng vắc-xin không thể bảo đảm 100% không lây nhiễm.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh phải đạt tiêu chí an toàn trong bộ tiêu chí an toàn thì mới được hoạt động. Bộ tiêu chí này chính là công cụ để TP kiểm soát, giám sát các đơn vị này có hoạt động đúng hay không. Tuy vậy, phòng chống dịch không chỉ là việc của riêng cơ quan nhà nước mà còn cần sự tuân thủ của người dân và cộng đồng người dân không nên lơ là chủ quan mà phải tuân theo các biện pháp phòng chống dịch của địa phương.
- Khán giả hỏi: Tiêm chủng cho học sinh, yêu cầu thực sự an toàn mới trở lại trường và thí điểm dạy học ở Cần Giờ một tháng vừa qua có đánh giá như thế nào?
Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT, cho biết trong tháng 10 vừa qua, với quyết định bình thường mới và căn cứ tình hình dịch ở một số địa bàn, UBND TP đã cho phép xã Thạnh An, huyện Cần Giờ thí điểm cho học sinh trở lại trường. Học sinh lớp 1, 2, 9 và 12 của xã này qua thời gian thực hiện học tập trực tiếp đã cho kết quả khả quan. Có học sinh tiếp xúc F1, F0 nhưng trường đã xử lý tốt…, sau thời gian cách ly thì quay lại học trực tiếp. Hiện nay, 2 trường tại xã này chuyển trạng thái rất tốt, bảo đảm an toàn phòng chống Covid-19. Ngành giáo dục sẽ báo cáo UBND TP đề xuất học tập trực tiếp cho các địa phương khác.
Ngành Y tế và Giáo dục cũng đã ngồi với nhau tính toán phương pháp, bộ tiêu chí bảo đảm an toàn và đã được UBND TP phê duyệt.
Trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc-xin cũng sẽ có phương án làm sao an toàn tuyệt đối cho các em.
Hiện nay, Sở Y tế đã hoàn thành cẩm nang hướng dẫn phòng chống dịch, vừa chuyển sang Sở GD-ĐT để thống nhất và sẽ phát hành sớm nhất.
- Khán giả hỏi: Học sinh đi học lại mà phát hiện ca nhiễm thì Sở GD-ĐT và Sở Y tế phối hợp xử lý như thế nào?
Ông Dương Trí Dũng: Khi trường học mở cửa trở lại thì việc đầu tiên phải làm là xây dựng quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại trường học. Quy trình này được thẩm định bởi các cơ quan ban ngành có chức năng liên quan. Nhà trường phải tính toán trước tất cả các kịch bản có thể xảy ra nếu phải chuyển trạng thái hoạt động. Không có chuyện liên tục đóng cửa rồi lại mở cửa, sau đó lại đóng. Chỉ mở cửa trường học khi thật sự an toàn.
Theo ông Dũng, mỗi trường học ở các địa phương sẽ có những đặc thù riêng, do đó tùy vào tình hình thực tế mà mỗi trường phải xây dựng phương án riêng, phù hợp trên các tiêu chí hướng dẫn của Sở Y tế TP cũng như Bộ Y tế trước khi có quyết định đưa học sinh trở lại trường.
- Khán giả hỏi: Nếu khu trọ của tôi có F0 thì các con tôi có được đến trường hay không? Tôi có một con học lớp 10, cháu thuộc trường hợp chống chỉ định tiêm vắc-xin phòng Covid-19 thì có được đi học trực tiếp hay không?
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng: Theo quy định, những người dân nào không sống trong khu vực bị phong tỏa thì vẫn được giao lưu, sinh hoạt, đi lại bên ngoài bình thường. Tuy nhiên, nếu biết khu vực mình sống đang có nhiều F0 với các hộ gia đình phải treo biển cách ly y tế tại nhà thì người dân phải cẩn thận và hạn chế việc đi lại giao lưu trong khu vực đó.
Còn với trường hợp trẻ có chống chỉ định tiêm hay không, phụ huynh cần đưa con đến trực tiếp các điểm tiêm để được bác sĩ thăm khám chẩn đoán. Chỉ có bác sĩ mới quyết định được trẻ có thuộc nhóm đối tượng chống chỉ định tiêm hay không. Trường hợp trẻ hoãn tiêm vì mắc các bệnh cấp tính sẽ được điều trị bệnh nền, sau đó tái khám để chẩn đoán việc tiêm chủng.
Bình luận (0)