Việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ vốn dựa trên kết quả điểm thi của kỳ thi tuyển sinh theo phương thức 3 chung từ năm 2014 trở về trước và kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015. Khi còn kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ riêng biệt, các trường ĐH, CĐ xét tuyển thí sinh dựa trên kết quả điểm thi của những môn đã được tích hợp sẵn trong khối thi (khối A: toán, lý, hóa; khối B: toán, sinh, hóa; khối C: văn, sử, địa; khối D: toán, văn, ngoại ngữ; từ năm 2012 có thêm khối A1: toán, lý, ngoại ngữ).
Có khoảng 100 tổ hợp xét tuyển
Tuy nhiên, từ kỳ thi THPT quốc gia 2015, việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ đã được tách riêng khỏi khâu tổ chức thi: thí sinh dự kỳ thi trước, vào tháng 7, sau khi biết kết quả mới đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào các trường ĐH, CĐ.
Cũng từ năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép các trường ĐH, CĐ xét tuyển theo các khối thi mới, gọi là tổ hợp môn xét tuyển, thường là 3 môn. Tuy nhiên, điều kiện ràng buộc cho tất cả tổ hợp môn xét tuyển theo Công văn số 5151 (19-9-2014) là ngoài các ngành năng khiếu, tất cả ngành xét tuyển sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi thì trong đó phải có môn toán hoặc (và) ngữ văn, thậm chí được cả toán và văn thì càng tốt.
Thống kê trong năm 2015 cho thấy có khoảng 100 tổ hợp môn xét tuyển. Tuy tổ hợp xét tuyển của các trường trăm hoa đua nở rất đa dạng nhưng trên thực tế, chỉ có khoảng 15 tổ hợp xét tuyển được nhiều trường áp dụng.
Quy chế tuyển sinh 2015 còn quy định các trường phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu để xét tuyển theo các tổ hợp truyền thống khiến cho những tổ hợp môn theo các khối thi truyền thống A, A1, B, C, D vẫn là những tổ hợp môn xét tuyển phổ biến nhất của các trường ĐH, CĐ. Đồng thời, đó cũng là sự lựa chọn nhiều nhất của học sinh khi đăng ký chọn môn thi vào tháng 4 và ĐKXT vào tháng 8.
Khối A1 và D vẫn chiếm tỉ lệ cao
Số liệu thống kê kỳ thi THPT quốc gia 2015 cho thấy tổng số thí sinh dự thi THPT quốc gia để lấy kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ là 726.693. Trong đó, thí sinh dự thi các môn đủ để xét tuyển theo tổ hợp môn truyền thống khối A chiếm 43,3%, đủ các môn để xét theo tổ hợp môn truyền thống khối B là 25,2%, khối C 15,2%, khối A1 48,8% và khối D là 73,8% (tính chung cho các ngoại ngữ).
Rõ ràng, sự thay đổi trong thi và tuyển sinh chưa làm thay đổi căn bản khuynh hướng ĐKXT vì khối A vẫn còn được dành khá nhiều chỉ tiêu và vẫn giữ được một tỉ lệ thí sinh khá lớn. Tuy nhiên, cơ hội chọn lựa ĐKXT theo các khối thi truyền thống khác nếu thí sinh đăng ký thi từ 5 môn trở lên đã tăng lên rất nhiều và cũng tác động đến việc chọn lựa khối thi.
Thí sinh có cơ hội ĐKXT theo khối D truyền thống tăng vọt (vì tất cả môn xét tuyển của khối D đều là những môn bắt buộc). Tỉ lệ thí sinh có cơ hội xét tuyển theo khối thi truyền thống A1 cũng tăng hơn 4 lần so với năm 2014 khi xét tuyển theo kết quả của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 3 chung, vì chỉ cần đăng ký thi thêm môn lý thì các em đã đủ 4 môn thi tối thiểu khi xét tốt nghiệp THPT.
Trong kỳ xét tuyển ĐH, CĐ 2016 sắp tới, đối với những trường sử dụng các tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hạ tỉ lệ mỗi ngành cần dành ít nhất từ 75% chỉ tiêu (trong quy chế năm 2015) còn ít nhất 50% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng các khối thi truyền thống. Dù vậy, dự báo các khối thi truyền thống D và khối A1 vẫn sẽ chiếm tỉ lệ cao khi xét tuyển do quy định các môn thi bắt buộc và số môn tối thiểu để xét tốt nghiệp.
Đây chính là điều cần tiếp tục cải tiến, đổi mới trong khâu đề thi và xét tuyển. Bởi lẽ, nếu tiếp tục xu hướng này, một vài môn thi sẽ bị học sinh “bỏ rơi” để chạy theo các môn thi đáp ứng được cơ hội trúng tuyển cao hơn khi ĐKXT và các trường THPT sẽ chỉ tập trung ôn luyện những môn mà học sinh đăng ký thi. Đã đến lúc phải tính đến việc sử dụng các đề thi mang tính tích hợp, kết hợp với việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa để việc học tập ở bậc THPT không chỉ nhằm đối phó với cách thức tổ chức thi và tuyển sinh.
Bình luận (0)