Phát giấy thi cho TS dự thi tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11 - TPHCM). Ảnh: T.Thạnh
Đề thi phù hợp với đa số học sinh, nhiều học sinh sẽ đạt điểm trên trung bình, nhưng cũng rất khó đạt điểm 10. Đề năm nay hay và dễ hơn năm trước. Đa số các câu hỏi sử dụng Atlat và đòi hỏi phải biết phân tích, tổng hợp cũng như chọn lựa nội dung thích hợp với câu hỏi của đề bài.
Đặc biệt, câu II.2 (phần chung) “Ở nước ta hiện nay, việc đánh bắt hải sản xa bờ có ý nghĩa như thế nào đối với phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng?” là câu hỏi mang tính thời sự và đòi hỏi thí sinh phải tư duy nhiều.
Câu III.2, đề chỉ yêu cầu học sinh nhận xét nhưng vẫn có thể giải thích thêm cho bài làm đầy đủ và rõ ràng hơn. Câu hỏi dành cho chương trình nâng cao có phần khó hơn câu hỏi dành cho chương trình chuẩn. Câu IV.b.2 là một câu tương đối khó đối với học sinh. Câu này đòi hỏi học sinh phải biết vận dụng kiến thức đã học mới có thể trả lời đầy đủ các ý của câu này.
Cô Bồ Thị Phương Thu, tổ trưởng tổ địa Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng), cho biết cả hai đề môn địa của khối GDTX và THPT năm nay đều rất hay và hoàn toàn không dài. Tuy nhiên, với khối GDTX, đề thi tập trung nhiều vào kiến thức của đầu năm học nên nếu TS không học thuộc bài sẽ khó có kết quả cao.
Cô Thu cho rằng cả hai đề đều rất rõ ràng, mạch lạc và không mang tính đánh đố trừ câu hỏi về nhiệt điện ở khối THPT.
Đặc biệt, ở khối THPT năm nay trong đề có câu hỏi về ý nghĩa của việc đánh bắt xa bờ với an ninh quốc phòng, theo cô Thu, đây là đề tài mang tính thời sự, nóng hổi và đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức xã hội tổng hợp.
Ngoài ra, đề thi này còn đòi hỏi TS phải biết đọc Atlat. Cô Thu cho rằng với đề thi này dễ đạt điểm trung bình, khá nhưng lại rất khó đạt điểm tối đa.
Trong khi đó, kết thúc môn thi địa lý, nhiều TS không hài lòng với kết quả thi và cho rằng đề thi quá dài.
TS Hoàng Vy, Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), cho rằng đề địa năm nay quá dài, không đủ thời gian để làm bài. Ngoài ra, đề còn mang tính tổng hợp kiến thức nên nếu không nắm vững thì khó đạt điểm cao.
TS Đà Nẵng trao đổi bài thi sau môn địa tại HĐT Trường THPT Phan Châu Trinh. Ảnh: B. Vân
Tại TPHCM, nhiều TS cho biết đề thi môn địa lý năm nay khó. Dù có làm được bài nhưng không chắc sẽ được điểm cao.
Theo một TS dự thi tại hội đồng thi Trường THPT Hiệp Bình (quận Thủ Đức), đề thi mới nhìn qua không khó nhưng từng câu hỏi lại đòi hỏi sử dụng kiến thức tổng hợp của nhiều chủ đề, tuy có trong đề cương ôn tập nhưng đề cương lại chia vấn đề thành từng câu hỏi nhỏ. Nếu không có khả năng khái quát hoặc học tủ thì sẽ không làm được bài.
Tại hội đồng thi Trường THPT Trưng Vương, nhiều thí sinh thừa nhận đề địa lý năm nay khó có điểm cao, chỉ mong không bị điểm liệt và hi vọng ở các môn thi khác.
TS Trương Huyền My, Trường THPT Trưng Vương, cho biết: Câu hỏi khó nhất là câu hỏi II phần chung, có câu về đánh bắt hải sản xa bờ. Tuy chỉ chiếm 2 điểm nhưng đây thuộc dạng câu hỏi tổng hợp, yêu cầu phải có kiến thức rộng, tổng quát. Ngoài sách vở, nếu bạn nào siêng năng đọc thêm nhiều tài liệu, theo dõi thời sự mới có thể làm được câu hỏi này.
Một số thí sinh khác cũng chia sẻ: “Chủ yếu là viết theo sự hiểu biết, hi vọng là sẽ có ý trúng với đáp án”.
Tại hội đồng thi Trường THPT Marie Curie, nhiều thí sinh cũng chung tâm tư đề không khó nhưng chắc là không được điểm cao, chỉ được tầm 5 - 6 điểm. Những dạng bài thế này bạn nào có kiến thức xã hội rộng thì sẽ dễ lấy điểm.
Đắk Lắk: Đình chỉ 2 TS mang "phao" Trong môn thi sáng nay, Đắk Lắk có 2 TS bị đình chỉ thi do mang tài liệu vào phòng thi.
2 TS nói trên là N.B.K, dự thi tại Hội đồng thi Trường THPT Phan Đăng Lưu (huyện Krông Búk) và T.T.T.H dự thi tại Hội đồng thi Trường THPT Hồng Đức (TP Buôn Ma Thuột). Ông Trương Thức, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Đắk Lắk, cho biết: Ngay sau khi phát hiện thí 2 TS này mang tài liệu vào phòng thi, giám thị đã lập biên bản đình chỉ thi. Hội đồng thi cũng đã quyết định hủy kết của các môn thi trước của 2 TS này. |
Bình luận (0)