Báo chí vừa rồi có nêu vấn đề: Cách xưng hô của học sinh, sinh viên đối với các thầy, cô là “con” hay “em” hay “tôi”. Đó là một vấn đề rất gần gũi và thiết thực. Vậy, ngược lại, chúng ta gọi các thầy, cô theo cách nào?
Cần cách gọi trân trọng, thân tình
Vào ngày 20-11 năm trước, tôi có theo dõi hai cách nói của các lãnh đạo TPHCM khi đọc diễn văn tại các trường trung học. Có vị đọc: “Kính thưa các thầy giáo, cô giáo”. Tôi cho rằng như vậy là chưa hay vì “thầy giáo”, “cô giáo” chỉ là chức vụ (function), tức là hàm ý nói đến cấp dưới của mình. Ngược lại, có vị đọc: “Kính thưa các thầy, các cô... ”. Lúc đó, các nhà giáo cảm thấy họ được tôn vinh và rất cảm động...
Có phụ huynh nhiều khi vô tình nói: “Tôi có thuê (hay mướn) ông X, bà Y về dạy kèm cho con tôi”. Có lẽ nên nói một cách tế nhị hơn: “Tôi có mời thầy X, cô Y về dạy kèm cho cháu”. Phải làm cho con mình kính trọng các thầy, cô thì việc giáo dục mới có hiệu quả.
Ở nông thôn hay các vùng sâu, đôi lúc người ta gọi thầy giáo là cậu giáo và vợ của thầy giáo là “thím giáo”. Đó là một cách gọi thân mật như người trong gia đình và rất chân tình.
Bây giờ là một vấn đề mà nhiều người cũng quan tâm: Nên gọi các thầy, cô dạy phổ thông là giáo viên hay giáo sư? Một người dạy võ gọi là võ sư. Một người dạy khiêu vũ được gọi là vũ sư. Một người làm kỹ thuật được gọi là kỹ sư. Một người vẽ thiết kế xây dựng được gọi là kiến trúc sư. Người đi dạy kèm được gọi là gia sư. Cuối cùng người đi dạy học được gọi là... giáo viên. Xã hội ngại rằng nếu hiểu chữ “viên” như là một viên chức hành chính thì thật là tai hại đối với ngành giáo dục.
Tôn sư trọng đạo
Người dạy học không thể bị đối xử thuần túy “theo hàng dọc” với lệnh từ trên đưa xuống như trong các cơ quan hành chính hay các xí nghiệp kinh doanh mà ban giám hiệu đôi lúc phải đối xử với họ theo “hàng ngang” và xã hội phải đối xử kính trọng “theo hàng trên” để họ có thể hoàn thành sứ mạng giáo dục với lòng tự trọng.
Thông thường, học sinh mẫu giáo và tiểu học rất kính trọng và tôn vinh các thầy, cô. Xem thầy, cô như là cha mẹ. Ai nói “đụng chạm” đến thầy, cô giáo là các cháu sẽ bảo vệ đến cùng. Vì vậy, ta có thể gọi là giáo viên. Đến THCS và THPT thì nên gọi thầy, cô là giáo sư để học sinh và xã hội tôn vinh thầy, cô hơn và để thầy, cô hãnh diện vì sứ mạng “sư” của mình hơn. Chúng ta thường nói “Tôn sư trọng đạo”, ít ai nói “Tôn viên trọng đạo” cả.
Thông thường, ta có thể gọi là giáo sư trung học cơ sở, giáo sư trung học phổ thông. Dĩ nhiên, nhiều người sẽ phản biện: Vậy làm sao để phân biệt với hàm giáo sư đại học? Thông thường, danh xưng giáo sư đại học đứng trước tên họ. Ví dụ: Giáo sư Nguyễn Văn X, giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Y. Đối với giáo sư trung học, danh xưng giáo sư đặt sau tên họ. Ví dụ: Nguyễn Văn X., giáo sư trung học phổ thông.
Bình luận (0)