Tại buổi tọa đàm về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên (GV) do Trường ĐH Sư phạm TP HCM và Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng việc đào tạo GV đại trà cho TP HCM cần được bổ sung, cập nhật các nội dung chủ trương của thành phố để phù hợp với điều kiện, không lệch pha với quá trình tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên.
Đào tạo giáo viên thích ứng các phương thức dạy học
Ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng Bộ GD-ĐT hiện cho rất nhiều đơn vị đào đạo, bồi dưỡng GV. Ở góc độ là "cái nôi" đào tạo đội ngũ này, Trường ĐH Sư phạm TP HCM nên nghiên cứu đào tạo theo nhiều phương thức, không hẳn gói gọn trong các chương trình của bộ mà có thể bồi dưỡng GV theo các đề án mà địa phương đặt hàng, chẳng hạn như TP HCM có đề án ngoại ngữ, tin học...
Ông Tân cũng cho biết bất kể trong giai đoạn nào, nâng cao chất lượng đội ngũ GV cũng là yêu cầu cấp thiết. "Trong bối cảnh hiện nay, đó là tạo ra đội ngũ GV có kỹ năng dạy học trên internet. Thực tế đặt ra yêu cầu GV không chỉ dạy trên internet mà còn cần có kỹ năng sử dụng internet, tính tự học, sự chuẩn bị trước quá trình lên lớp thông qua nền tảng trên internet. Điều này tạo nên sự chuyên nghiệp của thầy cô giáo, thích ứng với các phương thức dạy học để không bị động, nhất là trong tình hình dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn" - ông Tân nói.
Giáo viên cần được đào tạo, bồi dưỡng thích ứng với nhiều môi trường giảng dạy khác nhau. (Ảnh: TẤN THẠNH)
Từ thực tế là đơn vị đặt hàng và tuyển dụng GV, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết thành phố giao Sở GD-ĐT các đề án như giáo dục thông minh, chuyển đổi số, tin học quốc tế, trí tuệ nhân tạo... Đây là sự tin tưởng của thành phố, đồng thời cũng là áp lực vì nguồn nhân lực còn hạn hẹp. Nguồn nhân lực này lại liên quan đến việc đào tạo, bồi dưỡng do chính Trường ĐH Sư phạm TP HCM đào tạo. Như vậy, muốn giảng dạy, phát triển học sinh các kỹ năng theo những đề án trên thì chính thầy cô giáo phải đáp ứng được các yêu cầu, nhất là năng lực tiếng Anh. "TP HCM rất cần nguồn GV để cùng tham gia nhiều đề án mà ngành giáo dục đang thực hiện" - ông Minh cho biết.
Tính toán lộ trình đào tạo giáo viên dạy ngoại ngữ 2
Tại tọa đàm, TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, đánh giá công tác bồi dưỡng GV thường xuyên nếu được làm thật tốt sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ rất nhanh.
Vấn đề là làm thế nào để bao quát, tiếp cận được với đội ngũ GV trên toàn thành phố. "TP HCM rất rộng, hiện Trường ĐH Sư phạm thành phố đang tiếp cận đào tạo, bồi dưỡng GV theo từng cụm của thành phố. Dù vậy, ngay cả khi thực hiện mô hình này, nếu không có sự đều tay sẽ dẫn đến phân cấp, phân tầng rất lớn về chất lượng GV. Còn về lâu dài, chúng ta phải làm sao để những GV đã được đào tạo, bồi dưỡng đến nơi đến chốn ở trường công lập, trường chất lượng cao của thành phố đứng vững trước sự mời gọi của trường quốc tế, trường ngoài công lập với mức lương và chế độ đãi ngộ hấp dẫn" - TS Huỳnh Văn Sơn nhận định.
Trước đặt hàng của Sở GD-ĐT TP HCM về đào tạo GV dạy ngoại ngữ 2 - đội ngũ mà hiện nay các trường đang rất thiếu - TS Huỳnh Văn Sơn cho biết hiện lộ trình đào tạo một ngành sư phạm ngoại ngữ rất vất vả. "Nhà trường chỉ có thể chọn 1 trong 2 ngoại ngữ, do vậy trường đang tính toán lộ trình phát triển, cân nhắc đào tạo ngành sư phạm tiếng Hàn hoặc tiếng Nhật" - ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng việc đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng GV cần xây dựng cụ thể, bởi mỗi địa phương sẽ có các nhu cầu khác nhau, TP HCM sẽ đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng khác với các tỉnh, thành khác, bao gồm cả bồi dưỡng thường xuyên, nâng chuẩn hay bồi dưỡng đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018.
"Mục tiêu của chương trình 2018 là phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Tuy nhiên, việc đào tạo sư phạm, bồi dưỡng hằng năm lại không đề cập nội dung này. Khi có nghiên cứu sâu về yêu cầu, nguồn nhân lực, nguồn lao động của thành phố thì sẽ có đặt hàng phù hợp" - ông Hiếu cho biết.
Đào tạo bài bản giáo viên dạy các môn tích hợp
Theo ông Lê Duy Tân, để đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, dù ngành GD-ĐT đã có sự chủ động, bồi dưỡng dạy các môn tích hợp. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai, vẫn mong muốn có đội ngũ GV được đào tạo bài bản, đáp ứng được yêu cầu của chương trình để tham gia giảng dạy.
Bình luận (0)