Năm 2006, Sở GD-ĐT Ninh Thuận xét tuyển trên 170 học sinh tốt nghiệp THPT đưa đi đào tạo giáo viên bậc THPT (hệ chính quy, tập trung) ở 4 bộ môn: lý, địa, tin học và giáo dục thể chất tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Đây là đề án có tính chiến lược của Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hằng năm ở tỉnh này. Theo đó, số sinh viên cử tuyển được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí 4 năm học và sẽ “được bố trí công tác sau khi tốt nghiệp, theo sự phân công của tổ chức” như lời hứa của đơn vị chủ quản khi tuyển sinh.
Giữa tháng 6-2011, trong tổng số sinh viên được đào tạo theo đề án nói trên, có 140 sinh viên tốt nghiệp, được Trường ĐH Sư phạm TPHCM cấp bằng cử nhân. Số tân cử nhân sư phạm này đã nộp hồ sơ tuyển dụng, với mong muốn được phân công giảng dạy ngay trong năm học mới 2011-2012. Tuy nhiên, sau “năm lần, bảy lượt” xét tuyển, hiện Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận chỉ bố trí công việc cho 80 tân cử nhân; số còn lại đành… ngậm ngùi quay gót trở về “nằm nhà chờ thời”. Lý do được sở đưa ra: Các trường không còn chỉ tiêu!
Được giảng dạy là tâm nguyện của các tân cử nhân sư phạm vừa được “đào tạo theo địa chỉ”
Không chỉ bức xúc vì đào tạo rồi… “mang con bỏ chợ”, dư luận ở Ninh Thuận còn bị… sốc hơn khi biết rằng văn bằng chính của 140 tân cử nhân hiện đang bị “nhốt” tại Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận. Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động ngày 19-9, vì sao có chuyện “tréo ngoe” này, một phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận giải thích: “Số sinh viên này được đào tạo bằng 50% kinh phí của tỉnh, nếu giao văn bằng chính, họ đi nơi khác làm việc thì sao (?!)…”.
Xem ra lập luận của lãnh đạo sở chủ quản không thuyết phục chút nào. Bởi lẽ ngay cả việc bố trí việc làm cho các tân cử nhân sư phạm ngành GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận còn chưa thực hiện đúng cam kết, hà cớ gì bắt họ… chịu thất nghiệp?!
Bình luận (0)