Những năm gần đây, chúng ta đã đào tạo được khá nhiều tiến sĩ. Nhưng chất lượng đào tạo còn là một vấn đề nhức nhối. Chất lượng đào tạo được kết tinh từ nhiều thành tố: Thi tuyển, đầu vào, tổ chức học tập, cấu trúc môn học, thời gian học, trình độ thầy giáo, phòng thí nghiệm, hiện trường nghiên cứu và kinh phí nghiên cứu.
Dễ “qua cửa” môn chuyên ngành
Tuyển sinh tiến sĩ được quy định theo 2 hệ: tốt nghiệp thạc sĩ và chưa có bằng thạc sĩ. Tuy nhiên, hệ chưa có bằng thạc sĩ hầu như không tuyển sinh được. Ngoài ra, trong đối tượng tuyển sinh, nếu đúng chuyên ngành thì khỏi phải bàn nhưng đối tượng là ngành gần còn nhiều điều chưa thống nhất và vận dụng khá tùy tiện. Điều này tạo ra một sự không công bằng giữa các thí sinh.
Đáng chú ý là hầu hết thí sinh chỉ trượt toán và ngoại ngữ, đặc biệt là ngoại ngữ. Còn môn chuyên ngành hầu như không ai rớt, vì sao? Vì thông thường, số lượng thí sinh đăng ký thi khá ít, tâm lý các thầy muốn có học viên để mở lớp đào tạo nên dễ “nương tay”. Một phần cũng do chuyên môn của thí sinh luôn được sử dụng nên họ ít quên.
Thường xuyên trễ hạn
Trong tình hình tuyển sinh như vậy, việc tổ chức đào tạo còn hạn chế. Rất ít cơ sở có điều kiện phòng thí nghiệm và hiện trường, nhà lưới, nhà kính, nhà mô phỏng, phòng ảo... Vì vậy, chất lượng các luận án không cao. Kinh phí của nghiên cứu sinh phần lớn là tự túc hoặc ai khéo chạy, khéo dựa vào dự án của ông thầy thì còn đỡ, còn ai không có thì dễ xảy ra tình trạng nội dung luận án là sự sao chép, chắp vá.
Thêm vào đó, nhiều nghiên cứu sinh, nhất là ở các ngành kinh tế-xã hội, hầu như không thực hiện việc sinh hoạt, học tập thường xuyên ở bộ môn đào tạo. Hầu như bộ môn rất ít biết cụ thể nghiên cứu sinh đang làm gì, tiến hành đề tài ra sao.
Vì không có ai theo học hệ 4 năm nên chuyện giảng dạy ở lớp cho nghiên cứu sinh hầu như không thực hiện được. Có chăng là các nghiên cứu sinh chỉ chuẩn bị và bảo vệ 3 chuyên đề. Còn quá trình nghiên cứu đề tài thường là khoán trắng cho nghiên cứu sinh.
Cơ quan quản lý (khoa, bộ môn) không biết và không cần biết vì họ không được giao nhiệm vụ cụ thể, không có đồng lương trách nhiệm nào cả. Thường thì hệ đào tạo đã có bằng thạc sĩ đăng ký 2 năm tập trung nhưng hầu như đều kéo dài 3, thậm chí đến 5 năm. Trễ hạn, rồi xin gia hạn... là chuyện rất bình thường của nghiên cứu sinh.
Thầy chưa giỏi làm sao có trò giỏi!
Nhiều cơ sở đào tạo cố xin cho được và đã được cấp giấy phép đào tạo một vài chuyên ngành mà mình không phải là thế mạnh chỉ để “giữ chỗ”, kể cả khi trong cơ sở ấy không hề có một thầy giáo nào đúng chuyên ngành có trình độ tiến sĩ trở lên, chứ chưa nói đến “có từ 3 tiến sĩ hoặc 1 giáo sư trở lên”.
Đội ngũ thầy giáo hướng dẫn còn nhiều chuyện để bàn. Tâm lý chung của các thầy là muốn được hướng dẫn nghiên cứu sinh vì vừa được điểm thành tích vừa “oai”. Có thầy ở ngành thủy nông lại hướng dẫn nghiên cứu chuyên ngành thực vật, thầy có chuyên môn thạch học lại hướng dẫn môi trường đất.
Trình độ thầy giáo là điều khó nói và rất dễ đụng chạm. Nhiều thầy không đọc nổi một câu ngoại ngữ mà cũng là thầy của tiến sĩ, tài liệu chuyên môn tiếng Việt cũng rất ít chịu đọc, thế mà vẫn là thầy có vai trò đào tạo ở một cơ sở lớn!
Đã có nhiều cố gắng của thầy và trò nhưng điều kiện vừa nêu đã tác động không nhỏ đến chất lượng các luận án. Nhiều nghiên cứu công phu nhưng giá trị khoa học và giá trị sử dụng thấp. Nạp luận án vào thư viện là hết chuyện. Đây là điều cần lưu ý khi đào tạo tiến sĩ. Phải làm sao để các đề tài này không những có tính khoa học cao mà tính ứng dụng phải lớn, chứ không thể như hiện nay.
Không trình bày nổi luận án Khả năng trình bày báo cáo của nghiên cứu sinh cũng là điều cần phải nói. Mặc dù đã có công bố mẫu viết luận án nhưng hầu như luận án nào cũng sai phạm các quy chuẩn về cách xếp tài liệu tham khảo, cách trình bày báo cáo trước hội đồng.
|
Bình luận (0)