Sinh viên hệ đào tạo từ xa của Trường ĐH Bình Dương trong một tiết học. Ảnh: Trường ĐH Bình Dương
Ông Phan Huy Củng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo từ xa của Trường ĐH Cần Thơ, cho biết hiện trung tâm được phép đào tạo từ xa 7 ngành và 3 chuyên ngành, chương trình đào tạo giống như hệ chính quy với tổng số 112 tín chỉ/chương trình. Tuy nhiên, trung tâm mới chỉ có 153 giáo trình được biên soạn dưới dạng tài liệu hướng dẫn học tập và phát hành 41 giáo trình cho sinh viên đào tạo từ xa. Ông Củng khẳng định tài liệu học tập và giáo trình như vậy thì chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu học tập.
Là một trong những ĐH đầu tiên thực hiện đào tạo từ xa và đến nay đã đào tạo được hơn 85.000 sinh viên tốt nghiệp với 16 chuyên ngành, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Trung tâm Đào tạo từ xa của ĐH Huế, hiện trung tâm này mới có khoảng 400 giáo trình biên soạn riêng cho hệ đào tạo từ xa. Với số lượng như vậy không thể đáp ứng đủ nhu cầu đào tạo. Do vậy, những môn nào nếu chưa có giáo trình riêng thì trường dùng giáo trình của hệ chính quy.
Ông Hồ Hữu Trí, Giám đốc Trung tâm Đào tạo từ xa của Trường ĐH Mở TPHCM, cũng cho biết hiện sinh viên đào tạo từ xa của trường chủ yếu học qua đề cương bài giảng do giảng viên cung cấp.
Kho học liệu được các trường cập nhật trên mạng dành cho sinh viên đào tạo từ xa là một trong những nguồn tài liệu rất quan trọng để sinh viên tiếp cận. Thế nhưng hiện số lượng giáo trình, tài liệu tham khảo được các trường cập nhật cũng rất hạn chế. Hiện trang web của Phân hiệu Đào tạo không chính quy của Trường ĐH Bình Dương cũng chỉ mới cập nhật được 71 bài giảng tóm tắt, 7 đề cương ôn tập tốt nghiệp và 2 tài liệu hướng dẫn thực tập cho sinh viên. Tương tự, số tài liệu hiện có tại thư viện trực tuyến ở Trung tâm Đào tạo từ xa của ĐH Huế cũng mới chỉ ở con số 60, trong đó chủ yếu là giáo trình, còn tài liệu tham khảo chỉ có 5 tài liệu; số bài giảng điện tử theo hình thức video clip có khoảng gần 200 và cũng chỉ giới hạn ở một số bộ môn…
Chính quy nhưng thiếu kinh nghiệm
Đại diện của nhiều trường cho biết giáo trình cho hệ đào tạo từ xa cần phải được biên soạn riêng bởi ở hình thức đào tạo này, sinh viên phải tự học là chính, thời lượng lên lớp rất ít nên giáo trình cũng phải biên soạn cho phù hợp chứ không thể dùng chung giáo trình của hệ chính quy. Tuy nhiên, tại các trường, việc biên soạn giáo trình, xây dựng học liệu cũng chỉ có thể thực hiện theo kiểu đào tạo đến đâu làm giáo trình đến đó.
Chính vì học liệu thiếu thốn nên hình thức học này chưa phát huy hết hiệu quả. Việc tài liệu không đáp ứng nhu cầu của người học đã dẫn đến tình trạng sinh viên lười biếng, thiếu chủ động trong học tập. Bên cạnh đó, ưu thế của hình thức đào tạo này là phần lớn thời gian đào tạo có sự gián cách giữa người dạy và người học về mặt không gian và thời gian không được phát huy.
Vì những lý do trên mà có một nghịch lý đang nảy sinh là tại nhiều trường, việc đào tạo từ xa lại theo hình thức học… tập trung. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, nhiều sinh viên ở những vùng sâu, vùng xa không dễ tiếp cận được tài liệu trên mạng hay trên truyền hình do thiếu thiết bị, vì vậy trường vẫn phải thực hiện việc đào tạo theo hình thức “mặt giáp mặt”. Tại Trường ĐH Cần Thơ, ông Phan Huy Củng cho biết sinh viên đào tạo từ xa vẫn tập trung học vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần.
Có nhu cầu cao Theo ông Hồ Hữu Trí, việc đánh giá chất lượng học tập của sinh viên hệ đào tạo từ xa đang phụ thuộc duy nhất vào việc thi cử. Sinh viên phải thi rất nhiều. Do vậy, cần có phương pháp đánh giá sinh viên thì mới có thể cải tiến được hình thức đào tạo này.
Ông Phan Huy Củng cho rằng đào tạo từ xa, nếu được phát huy tính tích cực, nghiêm túc sẽ là loại hình đào tạo có nhu cầu học rất lớn. Do đó, cần có quy chế ràng buộc, quản lý sinh viên, tránh thi nhờ, thi hộ để nâng cao hiệu quả của loại hình đào tạo này, đáp ứng nhu cầu xã hội. |
Bình luận (0)