Ngày 22-10, một sinh viên năm thứ ba ngành Đông Nam Á của Trường ĐH Mở TPHCM đến Trung tâm Đào tạo từ xa của trường xin chuyển từ hệ chính quy tập trung sang đào tạo từ xa. Sinh viên này trình bày do đã đi làm, không có thời gian đến lớp nên muốn chuyển sang hệ từ xa để kết thúc khóa học và lấy bằng ĐH.
Nhu cầu cao
Bên cạnh việc ghi danh 2 lần/năm dành cho học sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, trường cũng cho phép sinh viên đã theo học chương trình ĐH nhưng không đủ điều kiện học tiếp có thể chuyển điểm sang học hệ từ xa. Việc chuyển đổi hình thức học này khá phổ biến đối với nhiều sinh viên không có thời gian đến lớp vì bằng tốt nghiệp ĐH loại hình từ xa có giá trị pháp lý như các hình thức đào tạo khác. Người tốt nghiệp loại hình này vẫn có thể dự thi sau ĐH.
Với cách thức tuyển sinh “mở” như vậy, học phí phải chăng và cách bố trí đào tạo linh hoạt, phù hợp nhu cầu người học, đến nay ĐH Mở TPHCM đã thu hút khoảng hơn 32.000 sinh viên so với con số 5.000 sinh viên ở giai đoạn đầu đào tạo từ xa.
Theo PGS-TS Phạm Minh Việt, Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội, đào tạo từ xa là phương thức giáo dục ít tốn kém nhất cho người học. Hiện nay, số người học từ xa của viện tăng lên đến 32.000 người. Ngoài việc liên kết với 45 cơ sở thuộc 25 tỉnh, thành, viện cũng đã trang bị cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại và các học liệu phục vụ cho đào tạo từ xa.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD-ĐT, cho biết tính đến tháng 10-2008, tại 14 đơn vị đào tạo từ xa của cả nước đã thu hút hơn 198.000 sinh viên. Trong đó, nhiều nhất là ĐH Huế (46.000 sinh viên), ĐH Sư phạm Hà Nội (42.000), ĐH Đà Nẵng (10.500)...
Ông Nguyễn Hồng Sơn đánh giá với điều kiện học ngày càng thuận lợi, số người theo học từ xa tăng lên rõ rệt. Trong khi, tính từ lúc bắt đầu đào tạo từ xa, số người tốt nghiệp đến nay chỉ đạt 126.000 người.
Mới đạt tỉ lệ 10%
Tuy nhiên, nếu so với nhiệm vụ “phấn đấu đến năm 2010 có ít nhất 20% sinh viên học tập theo phương thức giáo dục từ xa” theo quyết định ngày 4-7-2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển giáo dục từ xa thì con số 198.000 sinh viên cần phải tăng lên hơn gấp đôi.
Dù có nhiều tín hiệu lạc quan, nhưng việc thu hút sinh viên đến với giáo dục từ xa vẫn còn nhiều hạn chế. Ví dụ sinh viên ngành Đông Nam Á của Trường ĐH Mở TPHCM nói trên cuối cùng vẫn không chuyển được sang hệ đào tạo từ xa vì trường đã ngưng tuyển ngành Đông Nam Á từ tháng 9-2005 với lý do là củng cố lại học liệu. Cùng lý do này, trường cũng ngưng tuyển sinh ngành tin học vì nhiều sinh viên trong giai đoạn này đã bỏ học giữa chừng do học liệu nghèo nàn, không thể tự học được.
Riêng Viện ĐH Mở Hà Nội tiến hành đào tạo từ xa trên nhiều phương tiện và học liệu, như giáo trình in, CD, VCD, CD-ROM, phát thanh, Internet. Hệ thống học trực tuyến E-learning mới được xây dựng đã thực hiện một số chương trình. Tuy nhiên, theo ông Việt, dù công nghệ đào tạo từ xa của viện có nhiều bước phát triển nhưng do điều kiện về hạ tầng thông tin và cơ sở vật chất tại các địa phương còn hạn chế nên đến nay chưa được triển khai và sử dụng rộng rãi ở nhiều địa phương.
Giải pháp dàn hàng ngang
Ông Nguyễn Hồng Sơn khẳng định để phát triển mạnh giáo dục từ xa, ngoài Viện ĐH Mở Hà Nội, ĐH Mở TPHCM, thời gian qua, bộ cũng tăng cường đầu tư cho các trung tâm đào tạo bồi dưỡng giáo viên bằng hình thức học từ xa của ĐH Huế, ĐH Sư phạm Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông...
Theo ông Sơn, để thực hiện mục tiêu đến năm 2010 sẽ có ít nhất 20% sinh viên học tập theo phương thức giáo dục từ xa, song song với việc đẩy mạnh xã hội hóa, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường ĐH, CĐ có đủ các điều kiện triển khai đào tạo từ xa. Hiện bộ đang thẩm định hồ sơ và sẽ cho phép thêm 4 trường đào tạo từ xa là ĐH Hồng Bàng, ĐH Sư phạm Đồng Tháp, ĐH Thái Nguyên và ĐH Kinh tế - Công nghiệp Long An. Ông Sơn cũng cho biết kế hoạch tuyển sinh cũng như chỉ tiêu đào tạo do các trường tự xây dựng.
Giáo dục từ xa hiện đang là hình thức đào tạo giữ vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục của hầu hết các quốc gia. Quy mô của một số trường ĐH có hình thức giáo dục từ xa tiêu biểu của các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Thái Lan... dao động khoảng 200.000 đến 500.000 sinh viên. |
Bình luận (0)