xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đạo văn sinh sôi

GIA THÙY

Đạo văn rất khó kiểm soát khi luật về trích dẫn hiện chưa rõ ràng và do thói quen sử dụng tác phẩm của người khác mà không tuân thủ về trích dẫn đang gây bức xúc, cản trở trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học

Hàng loạt vấn đề liên quan đến đạo văn trong các trường ĐH hiện nay được nêu và bàn luận tại tọa đàm “Văn hóa trích dẫn trong hoạt động học tập, nghiên cứu” do ĐHQG TP HCM tổ chức sáng 21-10. Một trong những vấn đề gây bức xúc, lo lắng đó là pháp lý hiện có rất nhiều khoảng trống, tạo điều kiện để đạo văn sinh sôi.

Luật không “phủ sóng”

Dẫn lại một số vụ liên quan đình đám gần đây như 2 hiệu phó của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bị tố cáo đạo văn, ông Hoàng Xuân Quế (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) bị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thu hồi luận án tiến sĩ do sao chép 30% nội dung luận án của TS Mai Thanh Quế (Học viện Ngân hàng) và ông Hoàng Xuân Quế đã khởi kiện Bộ GD-ĐT, các đại biểu nhận định ngày càng có nhiều vụ việc bị lên án quyết liệt vì vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

TS Lê Thị Nam Giang - Phó trưởng Khoa Luật quốc tế Trường ĐH Luật TP HCM, Tổng Thư ký Hội Sở hữu trí tuệ TP HCM - cho rằng Luật Sở hữu trí tuệ và một số văn bản hướng dẫn có đề cập trực tiếp nhưng không đưa ra bất cứ một giải thích hay khái niệm cụ thể nào về trích dẫn. Bên cạnh đó, các trường hợp trích dẫn nào không cần xin phép thì hiện luật cũng không quy định rõ ràng.

 

Nhiều kẽ hở của pháp luật khiến cho việc chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng khó. Trong ảnh: Học viên nghiên cứu trong phòng thí nghiệm Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Nhiều kẽ hở của pháp luật khiến cho việc chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng khó. Trong ảnh: Học viên nghiên cứu trong phòng thí nghiệm Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

 

Trong quy định của Bộ GD-ĐT về hình thức luận án có nêu: “không phải xin phép trích dẫn những kiến thức phổ thông đã biết” nhưng theo TS Nam Giang, quy định này trong một số trường hợp rất khó phân biệt đâu là kiến thức phổ thông, đâu là kiến thức nhiều người đã biết vì bộ cũng không đưa ra bất cứ giải thích nào. Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ có nêu “trường hợp trích dẫn không phải xin phép đó là trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình”. TS Giang cho rằng quy định “trích dẫn hợp lý” rất chung chung, hợp lý là được quyền trích dẫn 5 trang hay 500 trang?

“Luật quy định như thế thì rất khó. Rõ ràng đây là khoảng trống của pháp luật hiện nay. Theo đó, chúng ta vẫn xử lý đạo văn theo từng trường hợp cụ thể, dẫn đến việc không thống nhất trong quá trình xử lý” - TS Giang nhận định.

Giảng viên từ chối hướng dẫn luận văn

Hàng loạt vụ việc đạo văn cụ thể trong trường ĐH được các giảng viên, sinh viên đặt ra tại buổi tọa đàm. ThS Trần Thị Kim Anh, Phó Phòng Quản lý khoa học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, nêu thực trạng hiện nhiều giảng viên từ chối hướng dẫn luận văn cho sinh viên vì lý do sinh viên rất yếu trong xây dựng đề cương và giảng viên phải bổ sung đến 70% nội dung đề cương luận văn nhưng khi công bố, sinh viên không cảm ơn, không ghi nhận. Một cán bộ nghiên cứu của Khoa Y - ĐHQG TP HCM nêu việc có giảng viên hướng dẫn luận văn cho sinh viên nhưng người hướng dẫn lại lấy công trình này đi báo cáo trong một hội thảo chuyên ngành với tư cách là đồng tác giả…

Ông Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ (IPTC), nhận định thầy lấy kết quả của trò đi báo cáo không chỉ xâm phạm quyền tác giả mà còn là vấn đề đạo đức của người nghiên cứu. TS Nam Giang cho rằng giảng viên là người định hướng, chỉnh sửa tác phẩm chứ không phải trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm nên việc làm như trên là khó chấp nhận.

Một giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn băn khoăn về trách nhiệm liên đới của hội đồng chấm luận văn, luận án. “Tại sao hội đồng với hàng loạt giáo sư, tiến sĩ đầu ngành mà khi chấm luận văn, luận án lại không phát hiện được đạo văn? Khi những vụ việc lật lại cho thấy có đạo văn thì chỉ học viên là người chịu trách nhiệm, còn hội đồng lại vô can?” - giảng viên này bức xúc.

Theo TS Nam Giang, hội đồng chấm luận văn, luận án thành lập để đánh giá chất lượng tác phẩm và dựa chủ yếu vào cam kết trung thực trong nghiên cứu của học viên và kinh nghiệm của bản thân người chấm. Mỗi trường nên có quy định về trích dẫn và yêu cầu hội đồng chấm nâng cao trách nhiệm, nếu nghi ngờ đạo văn, các trường phải hỗ trợ, cung cấp cơ sở dữ liệu để xem xét. Tuy nhiên, để phát hiện ra đạo văn là rất khó, do đó cần có phần mềm chống đạo văn dựa trên việc số hóa thư viện và Bộ GD-ĐT cần phải sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về luận văn, luận án nếu muốn chống đạo văn.

Trong khi luật chưa rõ ràng thì nhiều ý kiến cho rằng trong mọi trường hợp, người nghiên cứu phải tự bảo vệ mình bằng cách lưu bằng chứng để có cơ sở khi xảy ra tranh chấp. “Điều quan trọng là phải xây dựng văn hóa, chuẩn mực trích dẫn trong đội ngũ nghiên cứu khoa học, giảng viên, sinh viên để giám sát lẫn nhau và dựa trên chuẩn mực đó mà tự điều chỉnh khi phát hiện trích dẫn quá lố” - ông Thi nói.

 

Các trường phải tự lo

Các đại biểu cho rằng hiện Bộ GD-ĐT hoàn toàn không có quy định nào về chống đạo văn trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Do vậy, các trường phải tự định ra các quy định, hướng dẫn về làm luận văn, luận án, trong đó có quy định về trích dẫn. “Nếu không cho cơ sở pháp lý đầy đủ, sinh viên, học viên sẽ không thể biết cách trích dẫn hợp pháp và các trường không xử lý được khi xảy ra đạo văn. Trong khi luật còn nhiều khoảng trống thì vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đạo văn thuộc về trường. Bộ GD-ĐT cũng cần rà soát các quy định về trích dẫn để điều chỉnh cho phù hợp” - TS Nam Giang kiến nghị.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo