“Dạy học trò bằng tình yêu thương thì các con sẽ biết yêu thương. Tình thương mạnh hơn lời quát mắng. Trẻ nhỏ sẽ không nhớ bạn vì vật chất bạn cho chúng mà vì tình cảm bạn dành cho chúng”, đó là những lời từ tận đáy lòng mà thầy Đào Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS - THPT Nam Sài Gòn, nhắn nhủ với đồng nghiệp của mình trong ngày khai giảng, sáng 5-9.
Học trò đủ tinh tế để nhận ra sự yêu thương
Nhân ngày khai giảng năm học mới, cô Văn Trịnh Quỳnh An, giáo viên Trường THPT Gia Định (TP HCM), cho biết bài học yêu thương lan tỏa từ sự quan tâm và trách nhiệm. Lứa tuổi học sinh có khá nhiều thay đổi tâm sinh lý, các em có xu hướng thích thể hiện, chứng tỏ cá tính của mình và do đó, thường ít chịu chấp nhận, hạ cái tôi xuống và chia sẻ cho người khác. Do đó, chính lối sống của giáo viên trước hết phải là bài học yêu thương. “Điều đó đến từ những điều rất giản đơn như chịu khó dành thời gian lắng nghe những chia sẻ của các em, mềm mại nhận lỗi khi mình sai, sẵn sàng làm chỗ dựa để học trò thấy chúng không cô đơn, chúng không đang “một mình chống lại thế giới”…” - cô An cho hay.
Cũng theo giáo viên này, trong giảng dạy cũng vậy, bên cạnh ý thức nâng cao chuyên môn, giáo viên cần sống hết mình với những bài giảng, cần truyền tải những bài học bằng chính sự yêu thương chứ không chỉ là kỹ năng. Học trò ở lứa tuổi này đã bắt đầu có những nhận định xác đáng về con người và cuộc sống, do đó chúng đủ tinh tế để nhận ra sự yêu thương. “Riêng với bản thân tôi, bên cạnh lối sống yêu thương, trong chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp, tôi phối hợp với phụ huynh và học sinh lớp mình chủ nhiệm để cùng thực hiện những chuyến đi đến những mái ấm, nhà mở không chỉ để tặng quà mà còn để cùng các em làm những hoạt động xã hội nhỏ như dọn dẹp khu vực phòng ở, diễn kịch cho thiếu nhi… để các em có thể áp dụng chính những bài học yêu thương đến cộng đồng” - cô An chia sẻ.
Cô giáo Hoài Thương từ Trường Mầm non Panda (quận Bình Tân, TP HCM) cho biết trong các tiết học chuyên về kỹ năng, cô thường lồng ghép những bài dạy về tình yêu thương gia đình, tôn trọng mọi người xung quanh, qua những tiết dạy như múa hát, nặn đất sét, khám phá thế giới khiến trẻ thích thú. “Thậm chí, qua những tiết học pha nước cam, nước tắc, tôi cũng cố gắng dạy cho trẻ hiểu được giá trị lao động, qua đó cũng thấy được sự quan tâm của người thân đối với bé lâu nay” - cô giáo nói.
Trân trọng cuộc sống
Cô Thương kể có lần, khi đang dạy về tình yêu thương, đoàn kết trong gia đình, có những bé ba mẹ thường xuyên cãi vã, thậm chí ly dị, thắc mắc: “Tại sao cô nói gia đình luôn yêu thương, mà ba mẹ con lại đánh nhau hoài?”. “Lúc đó, tôi chỉ biết giải thích, động viên các cháu rằng ba mẹ chỉ tranh luận để hiểu nhau hơn, rồi tất cả sẽ lại vui vẻ” - cô Thương chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cho hay bên cạnh thời gian lên lớp, học sinh của trường còn tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhằm phát triển năng lực, nhân cách. Nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động tập thể, điển hình là chương trình chào cờ theo các chủ đề “giá trị sống” được học sinh các lớp thiết kế qua các vở kịch ngắn, trò chơi, bài hát, múa... Tất cả các nội dung đều hướng về giá trị sống, học sinh được “nhúng” mình vào các giá trị để trân trọng cuộc sống, để có cảm xúc, biết yêu thương, chủ động và sáng tạo nhiều hơn. Trường cũng rất coi trọng việc tổ chức các hoạt động vì cộng đồng với mục tiêu giáo dục học sinh biết sống yêu thương, tự chủ và trách nhiệm.
Tại hội thảo quốc gia “Đổi mới phương pháp giảng dạy trong các trường sư phạm theo hướng phát triển năng lực người học” tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM cách đây không lâu, PGS-TS Đậu Thị Hòa - giảng viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng - cho biết ở Singapore, học sinh được học về yêu thương trong 4 tuần, trong khi ở Việt Nam chỉ gói gọn trong 30 phút môn đạo đức.
Một kinh nghiệm, sự đổi mới trong giảng dạy khác cũng được bà Nguyễn Hồng Liêu, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP HCM, kể lại: Trong những năm 1980, khi bà còn tham gia giảng dạy, khi gặp học sinh cá biệt ăn, ngủ gật trong lớp, bà không những không cấm đoán mà còn dùng cách nhẹ nhàng để khuyên nhủ các em. “Lúc đó, tôi nói rằng các em có thể ăn, ngủ trong lớp nhưng đừng nhai và ngáy to quá ảnh hưởng đến bạn bè và cả cô” - bà Liêu kể. Chính sự gần gũi của giáo viên đã giúp không khí lớp học thân thiện hẳn và các em cũng tự có ý thức rèn luyện và học tập.
Bình luận (0)