Nguyễn Hưng - sinh viên năm nhất của một trường ĐH có cơ sở tại quận 10, TP HCM - cho biết bản thân Hưng sau khi học xong THPT đã có chứng chỉ IELTS 6.0 nên tự tin học chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, ở nhiều môn học, Hưng và nhiều sinh viên trong lớp không thể nghe được bài giảng tiếng Anh nên thầy và trò lại phải thống nhất giảng dạy và học bằng tiếng Việt. Tình trạng này không chỉ diễn ra khi học trực tuyến mà cả lúc học tập trung tại trường.
Chuẩn đầu vào cao
Tại Việt Nam, nhiều trường ĐH có tổ chức chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Để vào học chương trình này, các trường ĐH đều quy định về trình độ tiếng Anh tối thiểu của sinh viên.
Trường ĐH Bách khoa TP HCM quy định sinh viên trúng tuyển vào học chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 6.0 và các chứng chỉ khác quy đổi tương đương. PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho rằng về cơ bản, sinh viên vào học chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh thì IELTS từ 5.5 là đủ nhưng tùy từng điều kiện và yêu cầu, các trường có thể quy định những mức cao hơn.
GS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM, cho biết đối với chương trình chất lượng cao có 20% thời lượng chương trình dạy bằng tiếng Anh thì trường sắp xếp tổ chức đào tạo từ năm 3. Trước đó, trường phải thiết kế chương trình để sinh viên được học nhiều về tiếng Anh, các em có đủ năng lực theo học.
Sinh viên Trường ĐH Mở TP HCM học chương trình liên kết quốc tế với ĐH Flinders (Úc)
Với chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh như chương trình liên kết quốc tế, sinh viên nhất thiết phải đủ điều kiện về năng lực tiếng Anh. Vì vậy những sinh viên có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 5.5 là đủ điều kiện, nếu chưa có chứng chỉ thì phải qua kỳ kiểm tra.
Đại diện một số trường ĐH khác cho biết tùy từng trường sẽ có những quy định về chuẩn đầu vào tiếng Anh cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Tuy vậy, không loại trừ có những trường đặt ngưỡng đầu vào tiếng Anh thấp khiến sinh viên gặp khó khăn trong quá trình học.
Thầy nói, trò nghe được?
TS Phan Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết việc sinh viên phàn nàn rằng khó nghe hiểu được bài giảng của giảng viên có nhiều nguyên nhân, như khả năng tiếng Anh của sinh viên còn yếu, đặc biệt là khi học chuyên ngành, cũng có thể có yếu tố từ người thầy.
Theo TS Phan Hồng Hải, giảng viên dạy học bằng tiếng Anh đều được trường chọn lọc kỹ nhưng không phải giảng viên nào cũng nói tiếng Anh giọng Anh, Mỹ... mà còn được đào tạo tiếng Anh từ nhiều quốc gia khác như Úc, Ireland, Singapore, Philippines… Khi được đào tạo ở những quốc gia khác nhau thì giảng viên chịu ảnh hưởng về giọng của quốc gia đó nên phát âm có sự khác nhau… điều này gây ngỡ ngàng cho sinh viên bởi các em lâu nay vốn chỉ quen với giọng Anh hay giọng Mỹ.
GS Nguyễn Minh Hà cho rằng sinh viên phải chấp nhận sự đa dạng về giọng tiếng Anh của các giảng viên. Ngoài ra, yếu tố vùng miền của giáo viên cũng ảnh hưởng việc phát âm nên thật sự có nhiều giảng viên dạy bằng tiếng Anh khiến sinh viên khó nghe. "Tuy nhiên, đây là điều bình thường vì trường hợp này là sinh viên học chuyên môn chứ không phải học chuyên ngữ. Sinh viên cũng phải tập thích nghi để sau này đi làm tiếp xúc với môi trường đa quốc gia thì cũng không còn bỡ ngỡ" - GS Hà lý giải.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng cho rằng thầy nói trò không hiểu hay trò nói thầy không hiểu là tình hình chung không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các quốc gia có tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ. Ngay cả khi sinh viên đi du học cũng gặp phải tình trạng này khi giảng viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Sự đa dạng trong môi trường bắt buộc sinh viên phải thích nghi.
Đành phải tự học!
Theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, có những người thầy rất giỏi về chuyên môn nhưng tiếng Anh lại không giỏi. Do vậy, vấn đề nằm ở hệ thống do trường tạo ra, đó là hệ thống tự học. Ở trường, sinh viên học chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh có trợ giảng. Ngoài thời gian chính của môn học còn có thêm 1/3 thời lượng để trợ giảng làm việc với sinh viên nhằm giúp sinh viên hoàn thành tốt chương trình đào tạo.
Bình luận (0)