Nhật ký Trường Đinh
Tâm sự của giáo viên chủ nhiệm Trần Hoa Lư trích trong cuốn “Kỷ niệm 10 năm thành lập trường”: “Tôi đã từng bị học sinh để pháo tép trong ngăn bàn giáo viên khi vừa bước vào ghế ngồi, chạy đứt cả quai dép; từng bị học sinh “ê” khi dạy thay một giáo viên khác. Học sinh trong lớp sơn bóng đèn xanh, bỏ học tập thể, mang chuột con đến lớp bỏ vào ngăn bàn...”.
Nhật ký của cô Vũ Thị Én về những học sinh cá biệt:
Trần T.A. (11H) đã từng nhiều lần gây gổ đánh nhau phải đi bệnh viện khâu tám mũi trên lông mày trái, đã từng để rắn trong sổ đầu bài để gây nỗi kinh hoàng cho cô giáo dạy công dân, đã bao lần hứa hẹn sửa chữa, nói dối để không bị kỷ luật. Bắt gia đình mua xe máy đi học, nhưng chỉ sau một tuần cắm xe lấy 35 triệu đi chơi.
Phạm H.Q. hay châm chọc, khích bác, thù hận và luôn nghĩ xấu cho người khác. Kẻ cả với bạn bè, buộc mọi người phải phục tùng mình, hay ném đá giấu tay, thường xuyên vi phạm để chọc tức mọi người, hay tạo ra tình huống để cãi lại giáo viên nhằm cãi thắng để huênh hoang với bạn bè, nếu cãi thua thì lý sự cùn.
Phạm H.N. rất hay nói dối và có tật ghen tị. Giả vờ làm mất một chỉ vàng để đổ tội cho bạn cùng lớp nhằm thỏa mãn thói ghen tức”...
Nhật ký thầy Lê Hồng Vũ, giáo viên dạy văn:
“Nhiều người lần đầu tiên tiếp xúc với học sinh Đinh Tiên Hoàng đã có nhận xét là học sinh không hư, không hỗn, có thể dạy được. Nhưng khi bắt tay vào dạy thì chỉ một vài tuần sau đã thấy hình như nhận định ban đầu của mình về học sinh Đinh Tiên Hoàng là không đúng, không phải thế. Song thế nào mới đúng, thế nào mới phải thì không thể nào lý giải nổi.
Với chúng tôi, học sinh Đinh Tiên Hoàng là học sinh được xếp thứ ba sau “quỉ” và “ma”. Chỉ có một điều duy nhất chúng lưu tâm là chúng chỉ thích học khi anh thích dạy. Cố nhiên thích dạy ở đây không có nghĩa là đến đây xin dạy để được vào dạy, mà phải thực tâm đổ sức cho giờ dạy, được học sinh thừa nhận là thầy “thích dạy”...”.
Và nhật ký thầy Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường Đinh Tiên Hoàng:
“... Ra đời 16 năm, được thai nghén và thành lập với tâm huyết giải quyết đầu yếu kém của học sinh THPT trong các trường nội thành Hà Nội. Đây là một chương trình thử nghiệm giáo dục với tư tưởng người làm thầy phải thông cảm, chia sẻ và có trách nhiệm với những trò có hiện trạng đạo đức chưa tốt. Điều quan trọng nhất là phải hiểu được bản tính tuổi trưởng thành rất dễ nóng vội và thường giải quyết bằng xung đột.
Hiền dữ đâu phải là tính sẵn,
Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Có lẽ không một ngôi trường nào lại có một cuốn nhật ký đặc biệt như thế này. Cuốn nhật ký mà sau khi đọc xong, ai cũng phải giật mình vì một thế hệ học trò “quái” đến thế. Nhưng hơn thế, ở đó còn ăm ắp nỗi niềm trăn trở của các thầy, các cô về những thế hệ học sinh với những trò quậy phá... Làm sao để giáo dục các em nên người...
“Đừng gọi các em là học sinh cá biệt”
Trước khi đến ngôi trường này, chúng tôi đã rất tò mò không biết mô hình hoạt động của trường sẽ phải đặc biệt thế nào để có thể trị được những học sinh cá biệt như thế. Nhưng ngay khi tôi đưa ra câu hỏi này, thầy Tùng Lâm đã nhắc khẽ “đừng gọi các em là học sinh cá biệt”, các em là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, vì không phải ngẫu nhiên mà các em lại có những hành động ứng xử như vậy.
Để dạy dỗ các em, giáo viên trong trường có một thời khóa biểu đặc biệt. Ngoài những giờ giảng ở lớp, giáo viên còn đến tận nhà học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh, tìm ra nguyên nhân gây mất cân bằng trong lối sống dẫn đến những việc làm mất ý thức tự chủ của bản thân như gây rối, cờ bạc... Giáo viên chủ nhiệm luôn có mặt từ sáng đến chiều dù không có tiết để giải quyết mọi vụ việc... để thông cảm, chia sẻ và cố gắng giành giật các em khỏi những thói hư, tật xấu ngoài xã hội.
X. luôn cãi bướng, nộp học phí rất chậm. Tìm đến nhà, thầy Lư đã không khỏi đau xót, ngôi nhà không đáng gọi là một túp lều, nó chật hẹp đến nỗi kê được đúng một chiếc giường đơn cho hai mẹ con, khi vào nhà phải cúi. Còn người bố đã ra đi cùng lá đơn ly dị. Tự dưng thầy cảm thây hối hận vì những câu nói nghiêm khắc, những lúc mắng mỏ, tự dưng trong thầy trào dâng một cảm giác muốn chở che, muốn nâng đỡ...
Trường hợp của em Trần T.A. lẽ ra phải đuổi học từ lâu, song cô Én nhận thấy em khá thông minh, “hơn nữa nếu bị đuổi học, ra ngoài xã hội em sẽ là một con người rất xấu, ắt là cuộc đời em sẽ hỏng”.
Trong lớp học |
Sau khi bàn bạc với thầy hiệu trưởng, giải pháp được đưa ra: đầu giờ mẹ đưa đến trường; trong giờ tất cả thầy cô bộ môn quan tâm, thấy lúc nào T.A. hiểu bài là ra câu hỏi nhằm khích lệ việc học tập của em; cuối giờ cô Én ở lại tâm sự với T.A. và tìm cho T.A. một bạn nữ ngoan, có ý thức tốt để phối hợp với T.A. sau đó đổi lại ngồi cùng một bạn tiếp thu chậm để cả hai giúp đỡ nhau. Sau ba tháng T.A tiến bộ đáng kể, hòa nhập được với lớp và bỏ được các thói hư.
Với em Nguyễn T.H.V., cô Én chỉ nhẹ nhàng hỏi một câu: sao nhiều việc khó như “quản lý” được các bạn hư mà việc thực hiện nội qui hằng ngày dễ dàng hơn nhiều lại không thực hiện được? Việc để em hiểu và tự cảm thấy mình có vai trò trong lớp, trong các hoạt động tập thể đã giúp em tự tin hơn, đóng góp những ý kiến giá trị trong việc xây dựng lớp. Cuối năm học, V. tốt nghiệp THPT và trúng tuyển ĐH Ngoại ngữ.
Niềm vui là vô bờ khi thành công trong phương pháp giáo dục đặc biệt, song cũng nhiều khi đau nhói vì bất lực. T., học sinh lớp 12B do cô Lưu Minh Phương chủ nhiệm có biểu hiện nghiện ngập. Quyết tâm đưa em trở lại là một người học trò ngoan, cô nhận với gia đình đưa đón em đi học. Có lúc tưởng thành công, cô hồ hởi khoe “T. tiến bộ lắm, có vẻ bỏ được đấy”, rồi nửa tháng sau lại buồn bã “T. đi đâu mà đêm không về”. Bẵng sau hai tháng lại thấy cô cười “T. nó thương tôi lắm, nó bảo cô không phải đưa đón em nữa đâu, em không làm cô buồn nữa đâu”. Nhưng rồi cô vẫn phải rấm rứt “nó bị bọn xấu trong xóm rủ rê bỏ nhà đi từ năm hôm nay rồi”.
Khi tôi ngồi xem qua những bài kiểm tra của các em, cũng là lúc cô Minh đang bàn với thầy hiệu trưởng việc xử lý học sinh tên H.. Xuất thân từ Trường Việt Đức, từ học kỳ hai lớp 10 đến lớp 12 học tại Trường Dinh Tiên Hoàng, “trao tay” qua hai lần giáo viên để rèn giũa, mà “thành tích” vẫn dày: trộm cắp tài sản gia đình, cưỡng đoạt tài sản công dân, đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, đánh người gây thương tích, sử dụng chất ma túy trái phép.
Đang trong giai đoạn thử thách của công an quận. Trái với dự đoán của tôi, H. không cao to, bụi bặm, bất cần đời. H. nhỏ con (chừng 1,6m), khuôn mặt non búng, nước da trắng mịn, ăn nói lễ độ, “cực kỳ biết nịnh giáo viên”. Lần thứ hai tôi đến trường, cô Minh cho biết chỉ trước đó một ngày H. chửi mẹ là “mày cút đi, đừng ở cái nhà này nữa” trong hoàn cảnh bố H. thất nghiệp, mẹ làm cô bảo mẫu. Nhìn ánh mắt vừa giận vừa xót của cô Minh, tôi hiểu việc bàn cho H. vào trại giam mấy ngày để H. biết tiếc nuối tình thương của cha mẹ, của thầy cô là một sự hi vọng gần như bất lực.
* * *
Thành lập trường với mục tiêu giáo dục những em có “hoàn cảnh đặc biệt” như thế nhưng thầy Lâm đã rất tự tin: Nhà trường sẽ giáo dục các em để trở thành một người toàn diện, dù rằng thầy luôn hiểu giáo dục một học sinh ngoan trở thành con người toàn diện đã khó chứ đừng nói đến những học sinh yếu về văn hóa và kém về đạo đức. Nhưng thầy Lâm rất tự tin vì một học sinh chưa ngoan chưa chắc đã kém thông minh hơn học sinh ngoan. Muốn thành công trong nhận thức trí tuệ thì phải có quan điểm sống đúng mực. Chỉ nặng về kiến thức thì học sinh sẽ thiếu kỹ năng sống và tự thoát ly cuộc sống.
Chính vì thế mà từ năm 1999, trường đã mời chuyên gia người Úc hướng dẫn chương trình giáo dục “giá trị sống”, “kỹ năng sống” và được vận vào nội dung giảng dạy. Hai chương trình này đi theo bốn luận điểm của UNESCO: học để biết; học để làm; học để cùng chung sống và học để tự khẳng định mình.
Tư duy này dựa trên một giáo trình không đòi hỏi học sinh phải học thuộc lòng, tất cả là những câu chuyện, những bài học thú vị, cách đối đáp trong cuộc sống để học sinh tự cảm nhận (kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, kỹ năng chấp nhận...). Và đến nay, trường đang thực hiện các nội qui đặc biệt dựa trên hệ thống các qui định quốc tế để tiến tới nhận chứng chỉ ISO, một chứng chỉ mà hầu như chưa có môi trường giáo dục đào tạo nào quan tâm.
Điều quan trọng nhất trong cách giáo dục là phải linh hoạt trong xử lý tình huống. Thầy Lâm cũng đã nhiều lần ra tay xử lý các tình huống mà trong cuộc đời làm thầy chưa bao giờ tưởng tượng nổi.
Một lần dưới hành lang tầng một, một vụ ẩu đả xảy ra, khi bị giáo viên kiểm điểm, học sinh tham gia vụ ẩu đả đó nói cứng: “Em có đánh bạn chết cũng không sao, miễn là có tiền!”. Thầy Lâm liền nhìn thẳng vào mặt trò đó nói: “Tôi sẽ gọi công an bắt em sau đó mời bố mẹ em đến để bảo lãnh cho em. Em chịu không?”. Rơi vào trường hợp cụ thể, một mất một còn, học sinh đó mới tự nhận ra đã quá lời và cảm thấy rắc rối đang thật sự đến gần bèn nhận lỗi và xin tha.
Một lần khác, thầy đã đến tận nhà học sinh Lê.Đ.C. và khẳng định: “Cậu đang “ăn thịt” mẹ cậu! Cậu có nhìn thấy mẹ cậu yếu đến thế nào rồi không, bố cậu một mình làm lụng kiếm sống nuôi gia đình mà cậu nỡ bắt bố mẹ mua bằng được xe máy để đi học. Cậu có còn là con người?!”. Có lẽ chỉ những người trong cuộc mới hiểu thấu những lời nói đó, và cũng chỉ bằng nghị lực phi thường, sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô mà cậu học trò hư ngày nào đã dùi mài kinh sử thi đỗ khoa kinh tế Trường đại học Quốc gia Hà Nội, sau khi tốt nghiệp còn xin được học bổng du học ở Úc.
Những Lê Đ.C, Nguyễn T.H.V.... vẫn luôn tiếp thêm sức mạnh cho các thầy cô Trường Đinh Tiên Hoàng một niềm tin lớn lao vào việc giáo dục các em học sinh có hoàn cảnh nên người.
Và như thầy Trần Hoa Lư đã nói: “Từ vấn đề then chốt là tình thương, chúng ta sẽ có kỷ cương và trách nhiệm”.
Bình luận (0)