PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP HCM, cho biết để phòng chống dịch bệnh Covid-19, trường cho sinh viên nghỉ học trên lớp. Tuy nhiên, từ nửa sau tháng 2, trường triển khai dạy từ xa cho sinh viên.
Không đơn thuần là bài giảng
Ông Hải giải thích để tổ chức dạy học từ xa, từ năm 2005, trường đã chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật cùng kho học liệu. Mỗi nội dung đều có bài giảng chuẩn dạng video, Powerpoint, hệ thống bài tập, tài liệu mô phỏng… Mỗi lớp học đều có diễn đàn để giáo viên và sinh viên trao đổi, thảo luận và phát triển bài giảng. Trong quá trình giảng dạy online, chỉ khoảng 13% sinh viên đánh giá là không phù hợp, tỉ lệ còn lại đánh giá rất phù hợp.
Trường ĐH Mở TP HCM là trường từ lâu đã triển khai đào tạo từ xa, do vậy không khó khăn gì khi triển khai đại trà. Một đại diện nhà trường cho biết trường có 9 ngành đang triển khai đào tạo từ xa cho sinh viên chính quy. Ngoài ra, trường triển khai dạy trên hệ thống quản lý học tập (LMS), Zoom. "Nhiều trường tổ chức dạy trực tiếp (live) mới chỉ là bài giảng của giảng viên chứ chưa cung cấp tài liệu học tập, tài liệu mô phỏng…" - đại diện trường nhận định.
Theo ThS Trần Hoàng Cẩm Tú, Viện trưởng Viện E-learning - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, mỗi trường sẽ có một hội đồng thẩm định và đánh giá nguồn học liệu, phương pháp giảng dạy trực tuyến, quá trình chuẩn bị ít nhất phải 3 tháng nếu có sự hợp tác đồng đều của giảng viên chuyên môn và đội ngũ kỹ thuật mới tạo được một bộ tài nguyên học liệu bài bản. Học liệu hiện nay ở các trường khá đa dạng và phong phú. "Dù chưa có tiêu chí đánh giá giáo trình chung nhưng bài giảng phải bảo đảm yếu tố sư phạm, kỹ thuật, mỹ thuật…" - ThS Cẩm Tú nói.
Một sinh viên đang học bài qua hình thức học từ xa. Ảnh: YẾN ANH
Góp phần nâng cao chất lượng
Hiệu trưởng một trường ĐH tại TP HCM cho biết nguồn học liệu cung cấp thông tin chuyên ngành và thông tin tham khảo cho giảng viên nghiên cứu, biên soạn tài liệu học tập, chuẩn bị bài giảng. Đối với học viên, thời gian học tập là cơ hội để tiếp xúc nhiều hơn với nguồn học liệu. Cùng với những giờ lên lớp, nguồn học liệu với các hình thức thông tin khác nhau là công cụ, cơ sở thông tin, tri thức để người học tự học, hỗ trợ tiếp thu nội dung chương trình học tập theo các cấp độ từ "biết", "hiểu", "ứng dụng", "phân tích", "tổng hợp" đến "đánh giá" nhằm thực thi nhiệm vụ và giải quyết các tình huống quản lý ở cơ sở giáo dục của mình.
Ngoài nguồn tài liệu tham khảo, tài liệu học tập của mỗi chương trình bồi dưỡng là "cẩm nang" cho việc dạy và học, là yếu tố không thể thiếu. Chất lượng tài liệu học tập gắn liền với chất lượng của mỗi chương trình và chất lượng mỗi chương trình góp phần làm nên thương hiệu của nhà trường. Nguồn học liệu luôn song hành suốt quá trình học tập và góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Tuy nhiên, ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng gần đây, các bài giảng phát trực tiếp trên Facebook chỉ đơn thuần là bài giảng. Trong khi dạy học từ xa không chỉ có mỗi bài giảng mà cần có các hướng dẫn, tài liệu như giáo trình bằng băng hình, băng tiếng phát trên truyền hình, phần mềm giáo dục, sử dụng các phương tiện kết nối mạng internet, phát thanh, truyền hình, truyền thông đa phương tiện, dưới sự tổ chức, trợ giúp của nhà trường, học sinh, sinh viên tự học, tự nghiên cứu… Nguồn học liệu chưa được chuẩn bị đầy đủ thì dạy học từ xa khó mang lại hiệu quả.
Học liệu mở trên thế giới
Ở các nước tiên tiến, khoa học công nghệ phát triển, thuật ngữ học liệu mở (Open Course Ware) xuất hiện vào năm 2002 tại Viện Công nghệ Massachusetts - MIT (Mỹ). MIT đã đưa toàn bộ nội dung giảng dạy của mình lên website và cho người sử dụng internet trên khắp thế giới truy cập hoàn toàn miễn phí. Đến nay, website về học liệu mở của MIT có hơn hàng ngàn môn học bao gồm bài giảng, lịch học, danh mục tài liệu tham khảo, bài tập về nhà, bài thí nghiệm và đề thi để người dùng có thể tham khảo cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu của mình.
Với tiêu chí "Tri thức là của chung nhân loại và tri thức cần phải được chia sẻ", nhiều trường ĐH và viện nghiên cứu trên thế giới đã chung tay lập nên Hiệp hội Học liệu mở (Open Course Ware Consortium) để trao đổi nội dung, công cụ cũng như công nghệ triển khai nguồn học liệu mở sao cho hiệu quả nhất. Như vậy, giảng viên, sinh viên và những người tự học ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam, đều có cơ hội như nhau trong việc tiếp cận nguồn tri thức mới.
Bình luận (0)