Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM), cho hay năm học 2013-2014 sẽ phấn đấu đạt 50% học sinh (HS) lớp 1 được học tiếng Anh theo đề án nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, chủ yếu là thiếu giáo viên (GV). Nếu không khắc phục, rất có thể đến năm 2016, vẫn không đạt được chỉ tiêu 100% HS tiểu học được học 2 chương trình là tiếng Anh tăng cường và tiếng Anh theo đề án.
Thiếu kinh phí, thiếu giáo viên
Tại quận Bình Tân, 1 trong 3 quận chưa thể thực hiện dạy tiếng Anh theo đề án, ông Trần Hữu Vĩnh, Trưởng Phòng GD-ĐT quận, cho hay nguyên nhân chính vẫn là do quận gặp quá nhiều áp lực về dân nhập cư. Chỉ tính riêng số trẻ vào lớp 1, năm trước là hơn 7.000 trẻ thì năm nay tăng lên 10.000, trong khi số trường lớp không đáp ứng nổi. Để bảo đảm nhu cầu đi học cho tất cả trẻ nhập cư, tạm trú, quận buộc phải giảm số trẻ học 2 buổi/ ngày và số trẻ bán trú, dẫn đến tình trạng sĩ số quá đông, vượt quá 35HS/lớp nên không những giảng dạy tiếng Anh theo đề án nói riêng mà cả việc dạy tiếng Anh bậc tiểu học đều gặp khó khăn đủ đường. Dự kiến năm nay phòng sẽ triển khai chương trình nhưng cho đến thời điểm này vẫn còn thiếu 10 GV tiếng Anh tiểu học.
Không có mã ngành, thù lao thấp
Mặt khác, theo hiệu trưởng nhiều trường tiểu học, cái khó khi giảng dạy tiếng Anh theo đề án xuất phát từ gốc, đó là các trường sư phạm hiện vẫn chưa có mã ngành đào tạo GV tiếng Anh tiểu học.
Ngay từ khi triển khai đề án án ngoại ngữ quốc gia, nhiều chuyên gia giáo dục đã tính toán đến việc sẽ thiếu GV nghiêm trọng, ngay cả tại các TP lớn như TPHCM. Theo tính toán của PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nếu mỗi GV tiếng Anh dạy 4 lớp (16 tiết/tuần) thì cả nước cần 39.759 GV, các tỉnh Đông Nam Bộ cần 4.582 GV. Như vậy, từ nay đến năm 2020, mỗi năm cả nước sẽ cần 6.626 GV, riêng Đông Nam Bộ cần 764 GV và TPHCM cần 294 GV. Trong khi đó, Khoa Tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TPHCM mỗi năm chỉ tuyển sinh khoảng 150 chỉ tiêu để đào tạo GV tiếng Anh THPT, đó là chưa kể còn phải đào tạo để cung ứng cho các địa phương khác.
Trong một điều tra bỏ túi của PGS-TS Nguyễn Thị Ly Kha, Trưởng Khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm TPHCM), cho thấy với hơn 50 sinh viên ngành sư phạm tiếng Anh, không có sinh viên nào chọn giảng dạy tiếng Anh bậc tiểu học vì ngại vất vả, thu nhập thấp, cơ hội thăng tiến lại không cao |
Bình luận (0)