Một nội dung quan trọng được rất nhiều người quan tâm trong đề án phát triển trường chuyên mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành là việc triển khai dạy học bằng tiếng Anh. Trước tiên sẽ dạy một số môn học chuyên tự nhiên bằng tiếng Anh như toán, lý, hóa, sinh và tin học..., sau đó sẽ mở rộng dần đến các môn khoa học xã hội. Trước mắt, trong năm học 2010 - 2011 sẽ triển khai dạy và học toán, tin bằng tiếng Anh.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) trong một giờ học. Ảnh: TẤN THẠNH
Không thể làm ngay lập tức
Theo Thứ trưởng Bộ GĐ-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, việc dạy và học ngoại ngữ trong trường học, trong đó có cả các trường chuyên, hiện còn yếu. Học sinh đi thi Olympic quốc tế thường gặp khó khăn về giao tiếp cũng như khó khăn khi làm bài. Vì vậy, nếu không có ngoại ngữ tốt, rất khó để có thể tiếp cận những tri thức mới.
Nhưng để triển khai dạy và học toán, tin bằng tiếng Anh trong năm học 2010 – 2011 thì với trường chuyên tại những TP lớn cũng đã gặp khó khăn chứ chưa nói đến trường chuyên các tỉnh. Hiệu trưởng một trường THPT chuyên ở ĐBSCL cho biết trường hiện có 39 giáo viên, dạy hơn 400 học sinh. Trước những yêu cầu về ngoại ngữ mà đề án đặt ra, vị này khẳng định là giáo viên của trường còn lâu mới có thể đáp ứng được.
Ông Bùi Văn Trung, Phó hiệu trưởng Trường chuyên Hoàng Văn Thụ, tỉnh Hòa Bình, cũng cho biết số học sinh có trình độ ngoại ngữ của trường không nhiều, yêu cầu về ngoại ngữ đối với giáo viên cũng là vấn đề nan giải. Muốn giáo viên đủ trình độ thì phải có sự đầu tư dài hơi chứ không thể ngay lập tức mà làm được.
Lò luyện “thợ” giải toán
Mục tiêu đề án phát triển trường chuyên đặt ra là có ít nhất 50% học sinh được xếp loại học lực giỏi; 70% học sinh giỏi, khá về tin học; 30% học sinh đạt bậc 3 về ngoại ngữ theo tiêu chí do Hiệp hội Các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành; khoảng 30% học sinh các lớp chuyên đã tốt nghiệp THPT được đào tạo tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao...
Tính đến đầu năm 2010, cả nước có khoảng gần 50.000 học sinh trường chuyên. Tuy nhiên, không phải tất cả học sinh trường chuyên đều thực sự giỏi. Nhiều giáo viên cho biết, cách tuyển học sinh chuyên lâu nay mới chỉ là kiểm tra kiến thức kỹ năng cơ bản chứ chưa đánh giá, kiểm tra năng khiếu qua trắc nghiệm chỉ số thông minh, chỉ số sáng tạo.
Theo phân tích của một giáo viên ĐH Quốc gia Hà Nội, các lớp luyện toán hiện nay đang biến học sinh thành “thợ” giải toán. Vì thế, nhiều học sinh trung bình chỉ cần chăm chỉ là có thể đậu vào trường chuyên nhờ đã giải quyết được những dạng toán khó do ôn luyện nhiều. Thực tế từ nhiều năm nay, nhiều phụ huynh cố cho con vào học trường chuyên để có được một môi trường học tập tốt chuẩn bị cho việc thi ĐH hoặc du học nước ngoài hơn là để phát triển năng khiếu.
Đào tạo để giành giải thưởng
Bộ GD-ĐT luôn khẳng định mục tiêu của trường chuyên là phát triển năng khiếu của học sinh ở một số môn học trên cơ sở giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, phân tích của lãnh đạo nhiều trường chuyên cho thấy không ít trường chỉ tập trung vào việc đào tạo làm sao để giành nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, các môn khác bị coi nhẹ. Vì vậy, việc rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động xã hội cũng như chất lượng học các môn ngoại ngữ, tin học ở nhiều trường chuyên đang rất yếu. Việc học sinh học lệch, biến thành “gà nòi” từ nhiều năm trước đã bị nhiều chuyên gia lên tiếng phản đối mạnh mẽ. |
Bình luận (0)