Trường ĐH Cần Thơ đã áp dụng hình thức đào tạo theo tín chỉ qua 2 giai đoạn, giai đoạn chuyển đổi (xây dựng chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ nhưng hình thức tổ chức đào tạo cơ bản vẫn theo niên chế từ năm 1995-2008) và giai đoạn tín chỉ hóa triệt để áp dụng cho tất cả các khóa học, các ngành học, các hệ đào tạo (từ 2008 đến nay), thế nhưng sinh viên vẫn chưa quen với hình thức đào tạo này.
Sinh viên vẫn lúng túng trong việc đăng ký kế hoạch học tập, chậm xoay xở với việc thay đổi thời khóa biểu, phòng học...
Thiếu chủ động
“Đào tạo theo tín chỉ đòi hỏi sinh viên phải có kỹ năng tự học và tự nghiên cứu, thế mà thói quen học vẹt và chỉ học theo giáo trình hoặc bài vở của thầy cô hình thành khi còn học phổ thông đã khiến không ít sinh viên gặp khó khăn hoặc cảm thấy mất phương hướng. Nhiều sinh viên sử dụng thời gian tự học để làm việc riêng như đi làm thêm, học văn bằng 2... ”- TS Trần Thanh Ái, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết.
TS Trần Văn Dũng, Trường ĐH Tây Nguyên, cũng cho biết trường này áp dụng đào tạo tín chỉ từ năm 2009 nhưng gặp trở ngại là sinh viên không quen làm việc độc lập, vẫn giữ tư duy dựa vào đội ngũ cố vấn học tập, đội ngũ cán bộ lớp để nắm bắt thông tin của nhà trường, vì vậy mà nhiều sinh viên phàn nàn là không biết trường tổ chức những môn học nào, kế hoạch học tập ra sao...
Theo kết quả điều tra ở một số trường ĐH thì tính chủ động của sinh viên trong quá trình học tập là rất thấp.
Trong công trình nghiên cứu về thực trạng học tập theo tín chỉ được công bố tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội của PGS-TS Nguyễn Công Khanh, có tới hơn 54% sinh viên được hỏi cho rằng không có hứng thú học tập, 64% cho rằng chưa tìm được phương pháp học phù hợp...
Tự học là yêu cầu rất cao trong đào tạo theo tín chỉ . Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TPHCM tự học ở thư viện
Nguyên nhân của việc sinh viên học tín chỉ chưa hiệu quả còn do nhiều trường vẫn chưa sẵn sàng. Theo TS Trần Văn Dũng, với quy chế đào tạo tín chỉ thì hàng trăm sinh viên có thể học chung trong một giảng đường lớn nhưng đến giờ thực hành hoặc thảo luận thì lớp chỉ còn 20-30 sinh viên/phòng.
Thực tế vừa qua, dù giờ lý thuyết hay thảo luận số lượng sinh viên vẫn không được điều chỉnh. Ngoài ra, số lượng các môn học tự chọn trong chương trình đào tạo quá ít, giảng viên chưa quen thiết kế chương trình ngoài giờ lên lớp cho sinh viên.
Khó đổi mới phương pháp
Không chỉ sinh viên mà giảng viên cũng bối rối với việc đổi mới phương pháp giảng dạy lấy người học là trung tâm - yêu cầu bắt buộc trong đào tạo tín chỉ.
Giảng viên Vũ Đình Bảy, Trường ĐH Huế, nêu những khó khăn đến từ phía nhiều giảng viên như dạy theo quán tính cũ với các phương pháp dạy học truyền thống; chưa tiếp cận với phương pháp dạy học tích cực phù hợp với đặc trưng từng bộ môn; một số lạm dụng và lệ thuộc quá nhiều vào phương tiện dạy học hiện đại nhưng không mang lại hiệu quả thực chất trong giảng dạy.
TS Nguyễn Văn Giang, Trường CĐ Sư phạm Kon Tum, cho rằng việc đổi mới phương pháp giảng dạy hiện còn thiên về hình thức, nặng thuyết trình và truyền đạt một chiều, chưa phát huy tính tự lực, sáng tạo của người học. Nguyên nhân là do một bộ phận giảng viên còn hạn chế về chuyên môn, cơ sở thiết bị dạy học ở hầu hết các trường chưa đáp ứng yêu cầu.
Một số giảng viên đổi mới phương pháp dạy học để phù hợp với hình thức đào tạo tín chỉ nhưng lại chưa quan tâm đầy đủ đến việc phải căn cứ vào đối tượng, nội dung giảng dạy, điều kiện cơ sở vật chất, năng lực người dạy... “Chính điều này đã làm cho việc đổi mới của giảng viên chỉ dừng lại ở hình thức”- giảng viên Vũ Đình Bảy nhận định.
Không nên áp đặt
Theo GS-TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), khi thiết kế hệ thống tín chỉ cho một trường ĐH, cần xem xét điều kiện cụ thể bảo đảm cho hệ thống đó, mà các yếu tố quan trọng hàng đầu là nguồn lực cho dạy và học, trong đó có phương pháp dạy và học của giảng viên và sinh viên.
Khi giảng viên và sinh viên chưa có thói quen dạy và học theo phương pháp sư phạm tích cực thì không nên áp đặt các định mức về đơn vị tín chỉ và thời lượng chương trình quá thiên về tự học.
Khi điều kiện và thói quen dạy và học theo phương pháp sư phạm tích cực được nâng cao đủ tầm thì sẽ chuyển các định mức đó phù hợp với định mức theo quy chế (một sinh viên trung bình phải dành ít nhất 2 giờ chuẩn bị cá nhân cho 1 giờ học trên lớp- PV). |
Bình luận (0)