Tuy không đưa ra con số cụ thể nhưng Bộ GD-ĐT cho biết tình hình học sinh bỏ học ở một số tỉnh vẫn còn cao, nhất là cấp THCS và THPT. Thực ra, với những người làm công tác quản lý giáo dục, câu hỏi cụ thể ở khu vực nào tình hình học sinh bỏ học còn cao là rất dễ trả lời. Bởi đấy chính là ĐBSCL, nơi lâu nay vẫn được xem là vùng “trũng” về giáo dục.
Tỉ lệ chưa đi học còn cao
Theo số liệu điều tra dân số năm 2009, nước ta còn 4 triệu người chưa bao giờ đi học, chiếm 5% tổng số dân. Số người 15 tuổi trở lên chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật chiếm tỉ lệ 86,7%. Trong đó, cao nhất là ở ĐBSCL (93,4%) và thấp nhất là ở đồng bằng sông Hồng (80,6%).
ĐBSCL gồm 13 tỉnh, TP từ Long An đến Cà Mau với dân số 17.213.400 người. Tại hội nghị các tỉnh, TP ĐBSCL bàn về nguồn nhân lực tổ chức ngày 4-12-2010 ở TP Cần Thơ, UBND TP Cần Thơ đã báo cáo năm 2010, trong lực lượng lao động của TP trung tâm ĐBSCL này có 4,9% số người chưa bao giờ đi học; 22,5% chưa tốt nghiệp tiểu học. Tổng cộng, tỉ lệ chưa bao giờ đi học và chưa tốt nghiệp tiểu học là 27,4%.
Giờ thực hành của sinh viên Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ. Ảnh: NGỌC TRINH
An Giang có dân số cao nhất vùng ĐBSCL (2.149.200 người) và cũng là tỉnh trọng điểm sản xuất lúa. Theo báo cáo của tỉnh này, năm 2009, trong số người 15 tuổi trở lên có tới 10,3% chưa bao giờ đi học; 31,7% chưa tốt nghiệp tiểu học. Còn tại tỉnh Trà Vinh, trong số lao động đang làm việc có đến 15% chưa bao giờ đến trường hoặc chưa tốt nghiệp tiểu học.
Nếu tổng cộng toàn vùng ĐBSCL thì có đến 6,9% số người từ 15 tuổi trở lên chưa đi học (chiếm gần 1 triệu người) và 26,7% chưa tốt nghiệp tiểu học (gần 3,5 triệu người). Cộng số chưa đi học và số chưa tốt nghiệp tiểu học là 33,6% (4,5 triệu người) - con số khiến chúng ta phải trăn trở.
Trình độ nghề nghiệp thấp
Tập trung xóa mù chữ
ĐBSCL tuy có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên nhưng rõ ràng vẫn đang là vùng “trũng” về giáo dục. Để ĐBSCL vươn lên thì không thể không đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực mà trước hết là tập trung mạnh vào việc xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập THCS nhằm tạo nguồn cho đào tạo nghề. Vì thế, nhiệm vụ hàng đầu và thường xuyên của giáo dục đối với các tỉnh, TP ĐBSCL là phải huy động hết trẻ em đến trường và chống bỏ học chứ không phải chạy theo những thành tích cao trong đào tạo. |
Do tỉ lệ người chưa đi học và chưa tốt nghiệp tiểu học tại ĐBSCL còn cao nên dẫn đến hậu quả là trình độ nghề nghiệp cũng thấp hoặc không có nghề. Tỉnh An Giang có đến 94,2% số người từ 15 tuổi trở lên chưa được đào tạo nghề.
Tỉ lệ này ở tỉnh Trà Vinh là 74,5%. Tỉ lệ chưa được đào tạo nghề của toàn vùng ĐBSCL lên đến 93,4%. Số lao động được đào tạo chủ yếu là ngắn ngày (32,8%). Trong đó, trình độ CĐ trở lên chỉ 2,6% và thực tế số người được đào tạo trình độ ĐH, CĐ lại phần lớn là hệ tại chức.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, ĐBSCL hiện có 11 trường ĐH, 1 phân hiệu ĐH và 27 trường CĐ. Năm 2010, toàn vùng có 166.111 sinh viên. Điểm đáng lưu ý là sinh viên hệ tại chức chiếm tỉ lệ rất cao so với hệ chính quy. Cụ thể, ở Trường ĐH Trà Vinh, tỉ lệ này là 177,9%.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, vào thời điểm năm 2009, cứ 1 vạn dân ĐBSCL thì có 71,5 sinh viên ĐH, CĐ. Đây là tỉ lệ thấp nhất khi so với các vùng trong cả nước (đồng bằng sông Hồng là 370 sinh viên/vạn dân, trung du và miền núi phía Bắc: 108 sinh viên/vạn dân, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 169 sinh viên/vạn dân, Đông Nam Bộ là 344 sinh viên/vạn dân).
Từ cơ sở học vấn của người lao động còn thấp nên rất dễ lý giải vì sao năng suất lao động và thu nhập đầu người của ĐBSCL vẫn thấp hơn so với các khu vực khác.
Bình luận (0)