Trong tham luận của ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) TP HCM trình bày tại Hội nghị Tổng kết năm học 2017-2018 do Bộ GD-ĐT tổ chức bằng hình thức trực tuyến, ngày 2-8, TP tiếp tục kiến nghị đến Bộ GD-ĐT cho phép ngành GD-ĐT TP HCM được tự tổ chức xét tốt nghiệp THPT.
Thi riêng để học thật, thi thật
Theo đề xuất này thì nhà trường và giáo viên (GV) giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh (HS), sở sẽ tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xét hoàn thành chương trình học của các cấp. Các trường ĐH, CĐ tự tổ chức tuyển sinh theo nguyện vọng của các HS sau khi tốt nghiệp THPT.
Dù là đề xuất cũ (từ năm 2016) và sau đó Bộ GD-ĐT không thông qua với lý do đề án chưa hoàn thiện nhưng đề xuất của ngành GD-ĐT TP HCM thêm một lần nữa được các chuyên gia giáo dục và các nhà giáo đồng tình ủng hộ.
Trước đó, từ năm 2016, ngành GD-ĐT TP HCM đã trình 2 phương án trong đề án thi riêng. Cụ thể, một là, thi theo đề thi do Bộ GD-ĐT quy định. Hai là, TP tự ra đề thi. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM lúc này, nếu được thông qua, việc tự xét tốt nghiệp tại TP HCM khó có tiêu cực, bởi lẽ, TP HCM từ rất lâu học thật, thi thật, chất lượng giáo dục được các trường ĐH công nhận. TP cũng đưa những chuẩn quốc tế như chuẩn Pisa vào đánh giá HS để công bằng, khách quan. Ngoài ra bộ cũng có thể trực tiếp giám sát hoặc sử dụng công cụ độc lập để giám sát. Trong hai phương án, TP đã trình Bộ GD-ĐT là phương án TP tự ra đề thi. Cơ cấu các môn thi có thể gồm các môn cơ bản như 2 môn văn, toán hoặc 3 môn văn, toán, ngoại ngữ. Còn một môn để HS tự chọn.
Với phương thức này, ngay từ lớp 10, HS sẽ định hướng được các môn học thật tốt. Các trường tự chủ chương trình và thời lượng giảng dạy. Với một bài học, Bộ GD-ĐT xác định trọng tâm là gì, quy định thời lượng 2 tiết. Tùy từng trường, nếu thấy quan trọng thì có thể tăng thêm 3, 4 tiết hoặc không quan trọng thì có thể cắt.
Thí sinh TP HCM dự kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chưa tính đến việc lấy kết quả xét tuyển ĐH
Đề xuất của ngành GD-ĐT TP HCM được nhiều chuyên gia giáo dục và các nhà giáo đồng tình trong bối cảnh kỳ thi THPT quốc gia vừa qua có quá nhiều tiêu cực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng tỏ ra lo ngại nếu chỉ TP HCM được xét tốt nghiệp riêng thì bằng tốt nghiệp có được công nhận trên cả nước? Và các trường ĐH, CĐ dựa trên căn cứ nào để xét tuyển?
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho rằng TP HCM là trung tâm kinh tế, tập trung các nguồn lực, các trường ĐH vì vậy cần có những cơ chế giáo dục đặc thù mang tầm vóc quốc gia. Nhưng dễ nhận thấy nhất đó là nếu giao việc xét tốt nghiệp về cho địa phương thì đã giảm đi gánh nặng kinh phí. Một kỳ thi khá tốn kém nhưng chỉ để loại 2% thí sinh thì rất lãng phí. Nếu đề xuất được thông qua, các trường ĐH có thể tự tổ chức thi riêng hoặc căn cứ vào kết quả học bạ của HS để xét tuyển.
GV một trường THPT tại quận 3 đề xuất trong quy trình tự xét tốt nghiệp, để tránh tình trạng GV nương tay có học bạ đẹp, cần quy định GV chịu trách nhiệm với sản phẩm đào tạo của mình.
Trả lời câu hỏi về lý do Bộ GD-ĐT bác đề án tuyển sinh riêng từ năm 2016 là vì chưa hoàn thành, vậy qua 2 năm TP đã hoàn thiện đề án thế nào? Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, nhìn nhận thực tế những đề xuất trên vẫn là những đề xuất, kiến nghị cũ, nằm chung, lồng ghép cùng nhiều nội dung khác trong "Đề án tổng thể phát triển giáo dục và đào tạo thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030"; đến nay cũng còn nhiều nội dung chưa xong, cần hoàn thiện.
Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, đặt vấn đề, cơ bản đề án mà TP HCM đã đề xuất trước đó là tổ chức thi riêng, với đề thi riêng và có thể cũng là ngày thi riêng. Tuy nhiên, nếu chỉ có như vậy thì khó khả thi. Và nếu đột phá là không tổ chức thi mà chỉ xét tốt nghiệp như ở lớp 9. Nhưng cả nước phải cùng làm, vì nếu chỉ xét tốt nghiệp, không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thì các trường ĐH lấy căn cứ nào để xét tuyển?
Đề án thi riêng của TP HCM
Ngày 21-9-2016, UBND TP HCM trình Bộ GD-ĐT thẩm định Đề án thi và xét tốt nghiệp THPT riêng, từ năm 2017, được thực hiện làm 2 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu: Công tác thi và xét tốt nghiệp THPT tại TP HCM vẫn theo quy chế thi THPT quốc gia hiện hành của bộ, đồng thời bổ sung một số quy định riêng. Kỳ thi diễn ra vào ngày 2 và 3-6, thí sinh sẽ tham gia 3 môn ngữ văn (120 phút), toán (120 phút) và ngoại ngữ (90 phút). Với hệ GDTX, môn ngoại ngữ sẽ được thi bằng môn thay thế. Sở GD-ĐT TP HCM sẽ ra đề cho kỳ thi này, nội dung nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu ở lớp 12. Đề thi sẽ bao quát kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, sự hiểu biết về thực tiễn của HS. Điểm xét tốt nghiệp THPT gồm điểm 3 bài thi; điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12.
Giai đoạn 2: Thực hiện từ năm 2018 trở về sau. Việc thi và xét tốt nghiệp THPT tại TP HCM tiếp tục theo quy chế thi THPT quốc gia hiện hành và tương tự giai đoạn 1. Ngoài 3 môn như giai đoạn 1, thí sinh sẽ tham gia bài thi tích hợp (120 phút). Điểm xét tốt nghiệp THPT sẽ được tính theo công thức khác, gồm điểm các bài thi; điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và không lấy điểm trung bình cả năm lớp 12. Tổng số môn đối với THPT là 4, với hệ GDTX là 3 (không có môn thi ngoại ngữ). Ngày 3-10-2016, Bộ GD-ĐT chính thức có văn bản bác đề án tuyển sinh riêng của TP HCM với lý do xây dựng chưa xong.
Bình luận (0)