Sáng 4-7, nhiều thí sinh (TS) cho biết đề thi môn toán có 9 câu, mức độ khó tăng dần và đặc biệt là không có câu tự chọn như các năm trước. Điều này đã ít nhiều gây bất ngờ cho TS.
Thí sinh làm bài thi môn toán tại Hội đồng thi ĐH Sài Gòn. Ảnh: T. Thạnh
Bất ngờ thay đổi cấu trúc đề
Tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM), TS Hoàng Phương - Trường THPT Văn Hiến (Đồng Nai), ra khỏi phòng thi trước giờ 40 phút - cho biết đề thi toán khối A, A1 lạ về cấu trúc. Dù kiến thức trong chương trình không đánh đố nhưng không có phần nâng cao như mọi năm. Theo một TS là học sinh Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận 1, TP HCM, em làm được 7/9 câu, đề thi không khó hơn mọi năm, nếu ôn tập kỹ sẽ đạt điểm trung bình. Đa số TS cho biết “bó tay” với câu 8, 9 vì khó.
Tiến sĩ Nguyễn Phú Vinh, Trưởng Khoa Khoa học Cơ bản Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho rằng cấu trúc đề thi năm nay khác hoàn toàn với cấu trúc đề thi các năm do không có phần chung - riêng để TS tự chọn nên đã gây bất ngờ, lúng túng cho TS. Hàm log có trong chương trình lớp 12 nhưng không có trong đề thi, trong khi phần xác suất của lớp 11 lại có trong đề. Có thể nói từ câu 7 đến câu 9 là khó (đặc biệt câu 9 là khó nhất), TS phải có kiến thức tổng hợp mới giải được.
Thầy Lại Tiến Minh (giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội) nhận xét đề thi toán năm nay dễ hơn hẳn so với mọi năm, do đó khó phân loại được TS trung bình khá và TS khá. Trong đó, câu 1-6 khá dễ, không đánh đố, đa phần TS có thể làm được. Còn câu 8, 9 khó hơn, giúp phân loại TS giỏi. Đa số các câu hỏi trong đề thi nằm trong phần kiến thức lớp 12. Bên cạnh đó, có câu 4 thuộc phần xác suất của lớp 11; câu 7, 8, 9 thuộc chương trình lớp 10 nhưng TS hoàn toàn có thể giải bằng phương pháp của lớp 12.
Khó đạt điểm tối đa
Thầy Trần Mạnh Tùng, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng việc thay đổi cấu trúc đề đã ít nhiều gây bất ngờ và khó khăn hơn cho TS vì đề đẩy mạnh tính phân hóa. “Phổ điểm toán khối A năm nay sẽ cao hơn năm trước. Tuy nhiên, phần đông TS sẽ đạt 5, 6 điểm (ít điểm thấp), điểm 8 sẽ ít và điểm 9, 10 sẽ rất hiếm. Thầy Lại Tiến Minh cũng nhận định TS học lực trung bình khá có thể dễ dàng đạt 5-6 điểm, khá đạt 7-8 điểm, điểm tuyệt đối sẽ rất hiếm.
Thầy Nguyễn Ngọc Thu, giáo viên môn toán Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP HCM), cho rằng TS có học lực trung bình khá có thể đạt 7 điểm. Đề có 9 câu thì 6 câu đầu thuộc dạng cơ bản dễ kiếm điểm. Câu 8 và 9 là khó nhất và lạ thì chỉ có học sinh giỏi mới có thể làm được.
“Đề thi năm nay có độ khó tương đương với đề thi năm 2013, dù cấu trúc đề có thay đổi nhưng nội dung đề thi nằm ở phần giao nhau giữa chương trình cơ bản và nâng cao mà TS đã được học nên nhiều TS sẽ làm được bài”, thầy Nguyễn Ngọc Thu kết luận.
Vật lý: Phổ điểm phân chia mạnh
Thầy Võ Lý Văn Long, giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn (TP HCM), cho rằng chất lượng đề thi môn lý không đồng đều: có khoảng 20 câu rất dễ nhưng cũng lại có những câu quá khó. Nhìn chung, thời gian giải đề dài hơn so với đề thi năm ngoái nên TS chắc chắn sẽ đánh đại rất nhiều câu. Phổ điểm dự kiến sẽ phân chia cực mạnh, tập trung nhiều trong khoảng 4 - 5 điểm.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức Hiệp, nguyên là giáo viên môn vật lý của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM), đề thi môn vật lý năm nay có ba điểm mới: đề cập những vấn đề của thực tiễn cuộc sống; đòi hỏi kỹ năng thực hành mới làm được; có câu hỏi liên quan đến kiến thức lớp 10. Số câu lý thuyết nhiều, khoảng 16/50 câu. Phần bài tập có 7-8 câu vận dụng kiến thức cơ bản. Chỉ có khoảng 15% số câu là khó và cực khó. Với đề thi này, TS có học lực trung bình vẫn có thể đạt điểm 5-6.
Bình luận (0)