Thầy Trần Văn Toàn, Tổ trưởng Tổ Toán Trường THPT Marie Curie (TP HCM), cho biết phải nói rằng đề minh họa môn toán mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố là đề nhẹ nhàng nhất từ trước đến nay.
Toán: Rất nhiều câu dễ
Điều mà học sinh (HS) lo lắng là phần kiến thức học kỳ II của lớp 12 thì cũng là phần kiến thức rất cơ bản. Thầy Toàn phân tích đề minh họa có 5/50 câu thuộc chương trình lớp 11, chủ yếu là toán công thức, có đến 12 câu chỉ cần HS thuộc công thức là làm được. Trong khi đó, công thức không có gì rắc rối, HS có thể áp dụng công thức là tìm được ngay đáp số (phần này đã chiếm 2,4 điểm), chưa kể những câu khác còn dễ nữa. "Về mặt kiến thức, không bỏ kiến thức nào nhưng về từng đơn vị kiến thức thì cho nhẹ bớt lại, phù hợp với nội dung tinh giản chương trình mà bộ vừa công bố" - thầy Toàn nhận định.
Thông thường mọi năm, bộ cho 15 câu đầu là dễ, bây giờ câu dễ kéo dài đến 35. Theo thầy Toàn, nguyên tắc của đề trắc nghiệm là phải nhiều câu, trong đó có những câu dễ, câu khó vừa và rất khó. Đề năm nay đáp ứng được và làm tròn vai trong tình hình HS phải nghỉ học nhiều. Đối với HS là hợp lý nhưng sẽ khó phân hóa, khó cho các trường ĐH khi muốn xét tuyển vì thực tế đề chỉ có khoảng 3, 4 câu là "đánh đố".
Thầy Phạm Đức Duẩn, giáo viên Trường THPT Liên Hà (Hà Nội), nhận xét 35 câu hỏi đầu tiên của đề tham khảo đã bao trọn kiến thức cơ bản của môn toán THPT hiện hành. HS có ý thức trong việc học tập, ôn luyện thì hoàn toàn có khả năng đạt 70% điểm bài thi. Đề thi có sự phân hóa rõ ràng từ câu hỏi số 36. Trong đó, nhóm câu hỏi từ 36 đến 45 đòi hỏi HS vận dụng thêm kiến thức nhưng ở mức độ không cao. Những câu hỏi này, HS học lực khá sẽ giải quyết được. Thầy Duẩn cũng cho rằng 5 câu hỏi cuối cùng của đề là nhóm câu hỏi với mục đích tìm kiếm, phân loại những học sinh có khả năng đạt điểm 9 - 10 nên thuộc dạng khó. Tuy nhiên, nhóm câu hỏi này không khó hơn năm ngoái. HS khá, giỏi có thể tìm được lời giải sáng tạo, ngắn gọn và không cần tính toán nhiều..
Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại TP HCM xem đề môn ngữ văn. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngữ văn: Ổn định cấu trúc
Ở môn ngữ văn, thầy Lê Duy Tân, giáo viên Trường THPT Gia Định (TP HCM), cho hay đề thi vẫn ổn định về mặt cấu trúc. Nội dung văn bản đọc hiểu và cách đặt vấn đề ở phần đọc hiểu, nghị luận xã hội khá thú vị, phù hợp cho những HS chỉ xét tốt nghiệp môn ngữ văn. Tuy nhiên, câu nghị luận văn học khá dễ và tính phân hóa không cao. Hy vọng sẽ có điều chỉnh ở đề thi chính thức để phù hợp với nhiều đối tượng HS hơn.
Trong khi đó, cô Hồ Ái Linh, giáo viên ngữ văn Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (TP HCM), chia sẻ nếu như các năm trước có các vế câu hỏi phụ nhằm mục đích để phân loại HS để xét tuyển đại học thì năm nay, đề thi chỉ gói gọn ở một vấn đề và không mang tính "đánh đố". Đề thi không quá dài và bảo đảm thời gian HS hoàn thành. Về mặt nội dung, phần đọc - hiểu của môn ngữ văn cũng theo cấu trúc của các năm trước bao gồm 4 câu hỏi nằm trong 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Ngữ liệu đọc hiểu nằm ngoài chương trình sách giáo khoa, nội dung trích dẫn có sự sáng tạo, lôi cuốn.
Đặc biệt, đoạn văn có nội dung rất gần gũi với HS khi nhắc đến hình ảnh của người anh hùng và làm cho chúng ta liên tưởng đến những người hùng đặc biệt trong giai đoạn "chống dịch như chống giặc" hiện nay đó là Đảng, nhà nước, đội ngũ y - bác sĩ, lực lượng quân đội, công an nhân dân...
Tiếng Anh: Không có câu "đánh đố"
Ðánh giá về đề thi tiếng Anh, cô Hoàng Xuân, Trung tâm Giáo dục tuyển sinh 24/7, cho rằng đề thi tham khảo môn tiếng Anh 2020 vẫn giữ nguyên số lượng câu hỏi là 50. Nhìn chung, đề này có vẻ nhẹ nhàng hơn so với đề thi chính thức năm 2019. Cô Xuân phân tích thêm, ngoài việc các dạng bài vẫn giữ nguyên so với đề thi chính thức năm 2019 thì có một số chủ điểm ngữ pháp cũng được giữ nguyên, ví dụ câu điều kiện, thì của động từ, câu tường thuật, đảo ngữ, so sánh, động từ khuyết thiếu, đại từ quan hệ, mệnh đề rút gọn, trạng từ liên kết (câu), phân biệt cách sử dụng của liên từ và giới từ có cùng nghĩa. Dạng câu ước và câu bị động đã được loại bỏ; thay vào đó là các chủ điểm ngữ pháp như câu hỏi đuôi, sự hòa hợp chủ - vị, cấu trúc song hành. HS cần ôn kỹ hơn các chủ điểm ngữ pháp này trước khi đi thi.
Theo cô Nguyễn Hương Thảo, giáo viên tiếng Anh Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), đề tham khảo môn tiếng Anh năm 2020 dễ hơn so với đề thi tham khảo và chính thức của 2 năm gần đây. Ðề thi năm nay kiểm tra được nhiều yếu tố cần thiết đối với người học ngoại ngữ như ngữ pháp của cả 3 lớp cấp THPT, trong đó chủ yếu ở lớp 12; kiểm tra được lượng từ vựng đáng kể, cả từ dễ và khó, đoán từ trong văn cảnh; kiểm tra được các kỹ năng đọc, viết, nói. Các câu hỏi có nội dung rõ ràng, không có câu hỏi gây hiểu nhầm hoặc "đánh đố", lượng từ vựng phong phú, đủ để HS hiểu, suy luận và làm bài. Các bài đọc và câu hỏi có tính thời sự và giáo dục cao.
Trường top trên cần thêm bài đánh giá
Theo một số giáo viên, dù đề đã có độ phân hóa để bảo đảm mục tiêu xét tuyển vào ĐH, CĐ, với một số ngành yêu cầu cao về tư duy và kiến thức môn toán (như khối trường y, dược; khoa toán của các trường ÐH sư phạm, khoa học tự nhiên, một số ngành của Trường ĐH Bách khoa…) cần có thêm bài đánh giá thí sinh để chọn được người học phù hợp.
Bình luận (0)