Ông Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng năm 2021, ngoài cách đăng ký xét tuyển bằng phiếu, Bộ GD-ĐT còn dự kiến cho thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến. Nếu thí sinh sử dụng nền tảng trực tuyến từ đầu đến cuối thì phí phải giảm, nếu vừa online vừa dùng phiếu thì mức lệ phí cũng phải khác. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của đại diện nhiều trường ĐH khác.
Biên bản thống nhất nội dung phối hợp trong công tác tuyển sinh của đầu cầu TP HCM đã thống nhất giảm 5.000 đồng/1 nguyện vọng cho thí sinh (tức còn 25.000 đồng/1 nguyện vọng thay vì 30.000 đồng như những năm trước).
Đại diện các trường ĐH tham dự hội nghị cũng đề nghị xem xét số lần điều chỉnh NV, vấn đề ảo và lọc ảo, tính phân hoá trong đề thi, tuyển sinh vượt chỉ tiêu…
PGS-TS Nguyễn Thu Thuỷ thông tin tại hội nghị
PGS-TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết năm 2020, số thí sinh đăng ký dự thi là 900.066. Trong đó, thí sinh dự thi chỉ xét tốt nghiệp 256.795; đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ sư phạm là 643.271.
Theo bà Thuỷ, tổng chỉ tiêu xét tuyển ĐH, CĐ sư phạm là 541.301 (sư phạm: 58.360); tổng số thí sinh điều chỉnh NV là 274.687 (42,51% thí sinh ĐKXT) với 2.587.977 NV được điều chỉnh.
Thí sinh trúng tuyển sau lọc ảo đợt 1 là 390.182, trong đó thí sinh nhập học là 235.873 (bằng 76,76% so với chỉ tiêu; năm 2019 là 73%).
Bà Thuỷ đánh giá phương thức xét tuyển từ kết quả thi THPT vẫn được các trường sự dụng.
Tính chung cả năm 2020, số thí sinh trúng tuyển nhập học là 467.791 (bằng 86,41% tổng chỉ tiêu chính quy). Có 49% thí sinh đăng ký đã trúng tuyển; 51% phân luồng vào bậc khác.
Bà Thuỷ cũng cho biết 5 nhóm ngành có tỉ lệ nhập học thấp trong năm 2020, gồm:
- Khoa học tự nhiên: 41%.
- Nông lâm nghiệp và thuỷ sản: 43,91%.
- Dịch vụ xã hội: 49,98%.
- Khoa học sự sống: 54,43%.
- Môi trường và bảo vệ môi trường: 65,28%.
Bình luận (0)