Bộ GD-ĐT đã tổ chức biên soạn đề thi dùng chung trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vào đầu tháng 7. Việc biên soạn đề thi được tổ chức tại một địa điểm biệt lập, được bảo vệ nghiêm ngặt.
Năm 2010, có gần 1,9 triệu lượt hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ. Ảnh: CHÍ TOÀN
Nhiều câu để bao quát chương trình
Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT, đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ gồm hai phần: phần chung cho tất cả thí sinh được ra theo phần giao thoa giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao và phần riêng được ra theo từng chương trình: Chương trình chuẩn và chương trình nâng cao (riêng đề thi các môn ngoại ngữ chỉ có phần chung). Thí sinh chỉ được làm một phần riêng thích hợp. Thí sinh nào làm cả hai phần riêng (dù làm hết hay không hết, dù làm đúng hay không đúng), bài làm coi như phạm quy, chỉ được chấm điểm phần chung và không được chấm điểm phần riêng.
Lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục khẳng định, đề thi bảo đảm kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học. Đề thi có nhiều câu để kiểm tra bao quát chương trình trung học, chủ yếu là chương trình lớp 12, bảo đảm cân đối giữa các phần trong chương trình. Trước kỳ thi, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu ban ra đề thi không được phép có sai sót về nội dung đề thi.
Đề thi phải bảo đảm không ra những phần đã được giảm tải, cắt bỏ hoặc đã chuyển sang phần đọc thêm (phần chữ nhỏ, các phần đã ghi trong văn bản quy định về điều chỉnh chương trình). Không ra đề thi vào những phần, những ý còn đang tranh luận về mặt khoa học hoặc có nhiều cách giải. Không ra đề thi quá khó, quá phức tạp.
Phản biện độc lập với 3 người
Theo quy trình, trưởng môn thi chỉ đạo các cán bộ bộ môn độc lập biên soạn đề thi, đáp án chi tiết và thang điểm. Đối với một số môn khoa học xã hội, sẽ phải bốc thăm chọn chủ đề một cách ngẫu nhiên, sau đó các cán bộ ra đề thi theo các chủ đề đã chọn. Trưởng môn thi làm việc với từng cán bộ biên soạn đề thi để hoàn chỉnh đề thi, đáp án và thang điểm.
Việc phản biện được tổ chức với 3 người làm bài độc lập. Đề thi, đáp án, thang điểm kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ khi chưa công bố (kể cả đề thi được sử dụng và đang trong giờ thi) thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ “Tối mật”. Vì vậy, quá trình biên soạn đề thi, chuyển giao đề thi cho Ban Chỉ đạo tuyển sinh của bộ tới các cơ sở được giao nhiệm vụ in, sao đề thi, quá trình in, sao, đóng gói đề thi, chuyển giao tới các điểm thi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định.
Đề nghị các ban, ngành hỗ trợ kỳ thi
Ngày 23-6, bộ trưởng Bộ GD-ĐT có công điện gửi bộ trưởng Bộ Công an, GTVT, Y tế, Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, TP, Tập đoàn Điện lực Việt Nam... chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT, các ĐH, học viện, các trường ĐH, CĐ để làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi ĐH, CĐ năm 2010.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2010 được tổ chức trong 3 đợt: ngày 4, 5-7 thi ĐH khối A, khối V; ngày 9, 10-7 thi ĐH các khối B, C, D và các khối năng khiếu; ngày 15, 16-7 thi CĐ với gần 1,9 triệu lượt hồ sơ đăng ký dự thi.
- UBND TPHCM vừa có công văn gửi các sở, ngành của TP về bảo đảm các điều kiện cho kỳ thi. Theo đó, UBND TP yêu cầu sở GD-ĐT, UBND các quận, huyện chỉ đạo các trường học trực thuộc tạo điều kiện cho các trường ĐH, CĐ mượn địa điểm tổ chức coi thi; Công an TPHCM chỉ đạo lực lượng công an phối hợp các hội đồng thi bảo đảm an ninh, trật tự tại điểm thi; Công ty Điện lực TP ưu tiên bảo đảm cung cấp điện trong các ngày thi...
Th.Thanh |
Bình luận (0)