Thống kê bước đầu cho thấy, kết quả điểm thi ĐH năm 2005 khối A, B cao hơn rất nhiều so với khối C, D và có nhiều khả năng khoảng cách điểm sàn giữa 2 khối A, B và C, D sẽ không dừng ở mức 1 điểm như năm ngoái. Đề thi khối A quá dễ, khối C quá khó dẫn đến nhiều tình huống chưa từng xảy ra trong lịch sử tuyển sinh ĐH ở Việt Nam.
Theo nguồn tin riêng của Báo Người Lao Động, điểm chuẩn dự kiến vào ngành cơ điện tử của Trường ĐH Bách khoa TPHCM vừa được công bố đúng ra phải là 28 điểm, nhưng cuối cùng hội đồng tuyển sinh trường phải cân nhắc để lấy ở mức 27 điểm. Lý do hết sức nhân bản: Nếu lấy 28 điểm thì nhiều thí sinh đạt 9 điểm ở mỗi môn toán, lý, hóa sẽ rớt. Như vậy quá bi kịch với các thí sinh.
Đề chưa đạt yêu cầu tuyển chọn
Bộ sẽ yêu cầu các trường hạ điểm chuẩn?
Để mùa tuyển sinh năm nay không xảy ra bi kịch thí sinh đạt 26 - 27 điểm vẫn trượt ĐH cũng như bảo đảm đủ nguồn tuyển cho các trường dân lập, theo một nguồn tin riêng của Báo Người Lao Động, Bộ GD-ĐT vừa có một cuộc họp riêng bàn về vấn đề này. Theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ phải can thiệp vào việc “duyệt” điểm chuẩn của các trường. Đối với các trường có điểm tuyển quá cao, khoảng từ 26 điểm trở lên, bộ dự kiến sẽ chỉ đạo hạ điểm tuyển từ 0,5 - 1 điểm. Đối với những trường “tốp giữa”, điểm xét tuyển dự kiến 16 - 17, bộ sẽ yêu cầu nâng điểm chuẩn lên khoảng 18 - 19 chứ không cho các trường lấy toàn bộ nguyện vọng 1.
H.L.A |
Tuy chỉ mới là điểm chuẩn dự kiến nhưng nhiều phụ huynh và học sinh đã bị sốc vì quá cao: ĐH Dược Hà Nội dự kiến điểm chuẩn 27,5 -28 điểm; ĐH Răng Hàm Mặt dự kiến 25,5; ĐH Ngoại thương Hà Nội dự kiến 24 - 27 điểm...
Điểm thi cao có thể do trình độ học sinh cao hoặc đề thi dễ. Nhưng không thể trong ngày một ngày hai mà cải thiện được chất lượng học sinh ngay, vậy chỉ có thể chỉ ra do đề thi ĐH năm nay quá dễ. Thạc sĩ Ngô Thiện, Trưởng Khoa Cơ bản ĐH Nông Lâm TPHCM, cho rằng đề thi toán ở cả 3 khối A, B, D có 9/10 câu sử dụng kiến thức căn bản và ở mức độ dễ. Còn giảng viên Nguyễn Văn Tú, Khoa Vật lý Trường ĐH Sư phạm TPHCM, từng phát biểu trên Báo Người Lao Động: So với các năm trước, năm nay môn vật lý sẽ có nhiều điểm 9, điểm 10 hơn. “Đối với đề thi ĐH như thế này là chưa đạt yêu cầu tuyển chọn”, ông nói.
Lúc quá dễ, lúc quá khó
Khi dư luận đặt vấn đề về đề thi khối A dễ thì các quan chức Bộ GD-ĐT giải thích rằng mục đích để đề thi ĐH gần với đề thi tốt nghiệp THPT. Vậy thì các cơ quan này lý giải thế nào về các đề thi môn sử và môn tiếng Anh khối C?
Theo thống kê của ĐH Sư phạm TPHCM, môn sử chỉ có 5 thí sinh đạt điểm 8 và có đến 29% trên tổng số bài thi môn sử là điểm 0. Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCMâ, có tất cả 5.578 thí sinh thi môn lịch sử thì có đến 3.584 thí sinh đạt từ 2,5 điểm trở xuống. Nếu trường tuyển 100% chỉ tiêu nguyện vọng 1 thì điểm chuẩn ngành thấp nhất thuộc khối C là 13 điểm (thấp hơn cả điểm sàn năm ngoái). Tại ĐH Luật TPHCM ở khối C chỉ có 12 thí sinh đạt từ 19 điểm trở lên. Thủ khoa khối C chỉ đạt 20,5 điểm, thấp kỷ lục từ trước đến nay đối với khối C của trường.
Đối với môn Anh văn, điểm 9 cực kỳ hiếm hoi. Tại ĐH Nông Lâm TPHCM không có bài thi nào đạt điểm 9, rất ít điểm 8. Một giảng viên tiếng Anh của trường nhận xét: Do đề thi khó hơn năm ngoái.
Kết quả điểm thi ĐH khối A cao, khối C thấp trong kỳ thi năm nay khiến nhiều người lo lắng về sự cảm tính, chưa khoa học của đề thi.
GS-TSKH Lâm Quang Thiệp (ĐH Quốc gia Hà Nội): Đưa khoa học đo lường vào đề thi Theo lý thuyết cơ bản về đo lường trong giáo dục, để có thể tuyển chọn thí sinh chính xác, đặc biệt là chọn theo các mức trình độ khác nhau tùy theo từng loại trường ĐH, đề thi phải có độ phân biệt cao, tức là tạo ra một dải điểm phân bố rộng. Việc đề thi vừa qua không đạt yêu cầu chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì rằng đề thi ra theo kiểu tự luận, không được xây dựng và thử nghiệm theo một quy trình mang đủ tính khoa học. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh: Có một khoa học thật sự về đo lường trong giáo dục cần phải áp dụng để thiết kế một kỳ thi nhằm tăng độ chính xác của kết quả thi, chứ không phải chỉ có những kinh nghiệm thông thường về thi cử mà dường như ai cũng biết. Đối với một kỳ thi đại trà như tuyển sinh ĐH, với yêu cầu rất cao về tính công bằng và độ chính xác trong tuyển chọn thí sinh, theo tôi nên sử dụng phương pháp trắc nghiệm khách quan để làm đề thi tuyển sinh ĐH. Đề thi trắc nghiệm khách quan có ưu thế hơn nhiều so với tự luận vì bao phủ được toàn bộ chương trình học, bảo đảm đánh giá được toàn diện trình độ của học sinh phổ thông. T.N.T lược ghi |
Bình luận (0)