Ngày 3-6, kỳ thi vào lớp 10 tại TP HCM đã kết thúc với môn toán và môn chuyên. Nhiều giáo viên (GV) và học sinh (HS)nhận định đề hay, có tính thời sự, không còn nặng về hàn lâm, mô phạm. Đại diện các trường THPT cũng nhận định điểm chuẩn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay chắc chắn sẽ tăng từ 2-3 điểm.
Gợi cảm hứng văn chương, toán học
Nhận xét về môn toán sáng 3-6, thầy Đoàn Nhật Lâm, GV toán Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, cho rằng đề thi cấu trúc có khác với các năm trước. Điều này đúng với chủ trương đổi mới ngay từ đầu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, với việc đề thi môn toán sẽ tăng câu hỏi thực tiễn, vận dụng kiến thức toán học giải quyết những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.
Đề có 8 câu, trong đó có 5 câu gắn với kiến thức thực tế, những câu hỏi khá hay liên quan đến địa lý, đời sống như đi siêu thị, mua hàng giảm giá, nhiệt độ… Đề cũng có tính phân hóa HS cao, đòi hỏi các em phải biết phân tích đề, nắm bắt các dữ liệu đề cho mới có thể giải; các em phải giỏi thực sự, có năng lực về môn toán mới đạt điểm 8-9.
Thí sinh kết thúc môn thi chuyên vào chiều 3-6 tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) Ảnh: Tấn Thạnh
Giảng viên toán một trường ĐH tại TP HCM nhận xét đề thi có hơi hướng của đề thi SAT nhưng dưới dạng tự luận. Cách thức cung cấp hình vẽ minh họa, công thức, mô hình cũng giúp HS không phải nhớ mà chỉ cần khai thác, phân tích đề bài để làm. Đó là cách làm rất hay, chủ yếu tập trung khả năng xử lý vấn đề của HS chứ không phải ghi nhớ. Với cách ra đề trên sẽ giúp thay đổi cách dạy hàn lâm, nhàm chán lâu nay, GV và HS cũng sẽ yêu toán hơn.
Với đề tiếng Anh, việc đưa những tình huống từ thực tiễn như biển báo giao thông, tiết kiệm nguồn năng lượng… cũng là tín hiệu đáng mừng cho đổi mới. Nhiều GV cho rằng việc vận dụng như trên sẽ khiến HS phải trau dồi kỹ năng quan sát, tăng cường giao tiếp thay vì thiên về ngữ pháp như mọi năm.
Cô Hoàng Thị Thu Hiền, GV Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho rằng nếu khắt khe đòi hỏi phải đổi mới toàn bộ cách ra đề thì thật sự rất khó, nhất là hiện nay chương trình chưa đổi mà đòi thay đổi đề thi thì tự làm khó HS của mình. "Phải công nhận rằng đề văn của TP HCM thực sự rất hay, nhất là câu nghị luận văn học. Nếu cứ phát huy cách ra đề như vài năm trở lại đây sẽ thay đổi hẳn cách học văn cho học trò, giúp phát huy khả năng văn chương, trí tưởng tượng, tư duy, cảm nhận của từng HS" - cô Hiền nhận xét.
Theo GV này, trước đây, phần nghị luận văn học chiếm đến 7 điểm, HS phải học mệt nhoài, buộc lòng phải theo văn mẫu. "Chính vì thế, cách ra đề như trên đã loại trừ được văn mẫu, bản thân GV không bị gò bó, đánh giá được trình độ HS, khơi gợi cảm hứng dạy học cho GV" - cô Hiền nói.
Nhiều GV nhận định với đề thi như vậy, nếu đáp án kèm theo mềm dẻo và linh hoạt thì thực sự là bước đột phá toàn diện cho việc dạy và học tại TP HCM.
Ngày 10-7, công bố điểm chuẩn
Theo thầy Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1), cả 3 đề thi năm nay đều vừa sức với thí sinh, cộng thêm 2 yếu tố là số thí sinh dự thi năm nay tăng mạnh, tỉ lệ chọi cao nên điểm chuẩn chắc chắn sẽ cao hơn năm ngoái. Nhưng mức tăng bao nhiêu điểm thì tùy tốp trường.
"Ví dụ, thí sinh đa số đạt điểm 6, 7 thì trường tốp trên không thể tăng điểm chuẩn được, ngược lại sẽ tăng ở tốp giữa" - ông Minh nói.
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, dự kiến ngày 13-6 sẽ công bố điểm thi và gửi kết quả thi về phòng GD-ĐT các quận, huyện. Ngày 14-6 sẽ công bố điểm chuẩn vào các trường chuyên. Điểm chuẩn vào các trường khác công bố vào ngày 10-7.
Ông Nam lưu ý ngay sau khi có điểm thi, nếu có nhu cầu, mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi. Thí sinh nhận và nộp đơn phúc khảo tại các trường THCS, nơi đã nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đến ngày 15-6. Dự kiến ngày 19-6, hội đồng tuyển sinh công bố kết quả chấm phúc khảo.
2.500 giáo viên được huy động chấm thi
Trong kỳ thi vào lớp 10 năm học 2018-2019, 145 điểm thi có 560 thí sinh vắng không lý do. Kỳ thi đã diễn ra bảo đảm an toàn, nghiêm túc, không có thí sinh, giám thị vi phạm quy chế thi, không có bất cứ sự cố nào xảy ra.
Đánh giá về kỳ thi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM Lê Hoài Nam cho rằng đề thi năm nay đã thực sự tạo bước ngoặt về đổi mới, nhất là môn toán khi có nhiều câu hỏi từ thực tiễn cuộc sống được đưa vào đề thi. Ông Nam cũng thông tin khoảng 2.500 GV sẽ tham gia công tác chấm thi để kịp công bố kết quả thi vào ngày 13-6.
Bình luận (0)