Không đổi mới là giẫm chân tại chỗ, đồng nghĩa với loại khỏi quy luật đổi thay đến chóng mặt của đời sống. Đổi mới đề thi văn không nằm ngoài quy luật đó. Nhưng việc đổi mới có thực sự sáng tạo hay không? Đó là vấn đề cần trao đổi.
Tôi thuộc thế hệ giáo viên hưởng thụ quá trình đổi mới giáo dục gần 40 năm qua, điểm lại hành trình đó với việc đổi mới đề thi môn văn sau 4 thập kỷ. Suốt một chặng dài, đề thi môn văn được mặc định với thời lượng làm bài 180 phút chỉ có một đề thang điểm 10.
Để làm dạng đề này, học sinh phải phân tích đề, lập dàn ý, huy động kiến thức văn học của quá trình học tập. Học sinh phải thực học và tích lũy kiến thức mới có thể hoàn thành bài thi. Chủ nhân của những bài đạt điểm giỏi luôn là những người yêu thích văn chương và ta có thể nghe tên họ trong hành trình văn chương tiếp theo.
Đổi mới đề thi bắt đầu vào những năm giữa thập niên 90 thế kỷ trước. Đề thi có 2 phần gồm câu hỏi giáo khoa 2 điểm và bài văn 8 điểm. Câu hỏi giáo khoa dành cho 6 tác giả văn học nước ngoài ở chương trình lớp 12. Bài văn thay đề tổng hợp bằng các dạng đề phân tích một đoạn thơ, văn hay một nhân vật, một giá trị nội dung tác phẩm…
Các dạng đề này học sinh không cần tư duy, chỉ học thuộc các dạng câu hỏi giáo khoa và nhiều bài văn có sẵn của thầy cô chờ trúng tủ là có điểm tốt. Cách ra đề như vậy, hình thành cách dạy và học mới của môn văn là làm sao để áp sát với đề thi hằng năm của bộ. Tất cả các trường THPT tại TP HCM một thời gian dài luôn sáng đèn hằng đêm dành cho việc dò bài. Đủ cách dò! Chúng tôi vẫn nói với nhau, không cần dạy giỏi chỉ dò bài giỏi là đủ để có thành tích tốt trong mỗi kỳ thi…
Thí sinh dự thi THPT quốc gia
Những năm gần đây, giáo dục nước nhà tiếp tục hành trình đổi mới nhưng đề thi văn cũng chỉ dừng lại với việc thay từ câu hỏi giáo khoa sang phần đọc hiểu (3 điểm). Cách hỏi ở văn bản đọc hiểu vụn vặt không mấy cần tư duy (văn bản thuộc thể thơ gì? nội dung gì? phép tu từ gì? bài học gì?)....Thay bài văn 8 điểm bằng việc có thêm bài văn nghị luận xã hội (3 điểm) và 2 năm nay là đoạn văn nghị luận (2 điểm) bài nghị luận văn học 4 điểm, 5 điểm…
Tất cả dạng đề văn trong hành trình đổi mới không đánh thức tư duy hay khơi gợi cảm nhận văn chương mà chỉ cần những thủ thuật của việc học thuộc bài học có sẵn từ giáo viên. Hệ lụy của việc đó là học sinh rồng rắn đi học thêm ở các lò luyện trước mỗi kỳ thi. Học sinh nhàm chán môn văn! Ngay cả cô giáo cũng không mấy hào hứng với việc dạy học gò bó ép vào các dạng đề thi. Dạy, học văn chỉ dừng lại làm sao trò có điểm qua các kỳ thi.
Với cách học và cách thi như vậy thì học để biết, để làm, để chung sống và khẳng định mình hoàn toàn không có trong hành trình học tập. Sự học thật lãng phí!
Cơn lốc của cách mạng số làm thay đổi tất cả. Trì hoãn, không thay đổi đồng nghĩa với loại ra ngoài cuộc chơi. Tại sao cỗ máy giáo dục cứ mãi loay hoay? Những người làm giáo dục sẽ phải trả lời cho học sinh câu hỏi: "Chúng ta học những kiến thức đó để làm gì? Có giúp ích gì cho hành trình vào đời của con trẻ!?"…
Cần phải đổi mới mạnh mẽ khâu ra đề để khẩu lệnh "lấy đổi mới thi cử làm khâu đột phá" đi vào thực tế...
Bình luận (0)