Theo quy chế thi THPT quốc gia 2015 (điều 4 và điều 15), nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 và bảo đảm phân loại được trình độ của thí sinh, đáp ứng yêu cầu cơ bản (để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh ĐH, CĐ).
Đề mẫu gần với đề thật
Có thể nói đề thi chính là một thành công lớn của kỳ thi THPT quốc gia 2015 khi cả hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ đều đạt hiệu quả cao.
Tỉ lệ tốt nghiệp bình quân chung của cả nước năm 2015 đạt 91,58%, các nhà quản lý giáo dục thở phào nhẹ nhõm vì trước kỳ thi, dư luận xã hội lo lắng rằng quyết tâm đổi mới thi cử sẽ làm tỉ lệ tốt nghiệp giảm mạnh. Tỉ lệ này xem ra hợp lý hơn chứ không quá cao như năm 2014 (99,09%)nhưng cũng không ở mức quá thấp để gây “sốc” như lo lắng ban đầu.
Có lẽ cách tính điểm xét tốt nghiệp theo đó điểm kết quả năm học lớp 12 cùng các điểm khuyến khích, điểm ưu tiên có trọng số lớn hơn điểm của kỳ thi THPT quốc gia đã bảo đảm được tỉ lệ tốt nghiệp THPT không quá thấp. Số thí sinh trượt tốt nghiệp THPT chủ yếu là do “vướng” điểm liệt của ít nhất một môn thi (từ 1 điểm trở xuống).
Kết quả của kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã được gần 450 trường ĐH, CĐ trên cả nước dùng làm cơ sở xét tuyển, trong đó có khoảng 200 trường, phần lớn là các trường ĐH công lập lớn, chỉ dùng kết quả của kỳ thi này làm cơ sở chính để xét tuyển (hơn 200 trường còn lại có kết hợp xét tuyển dựa trên học bạ THPT).
Trước kỳ thi THPT quốc gia 2015, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã công bố bộ đề thi mẫu để học sinh tham khảo. Trong bối cảnh không có đề cương ôn thi cho từng môn, bộ đề thi mẫu này giúp học sinh hình dung khá rõ nét đề thi “thật” và trên thực tế, đề thi năm 2015 đã tuân thủ đúng quy định về đề thi trong quy chế thi THPT quốc gia 2015.
Khảo sát đề thi môn hóa học 2015 (hình thức trắc nghiệm, 50 câu), phần nội dung của chương trình lớp 10 và lớp 11 chiếm hơn 10 câu, như vậy nội dung chương trình lớp 12 là chủ yếu. Kết quả môn hóa khá đẹp với tỉ lệ học sinh đạt trung bình (5 điểm) trở lên chiếm 75%. Ngoại trừ môn tiếng Anh có tỉ lệ học sinh đạt trung bình trở lên thấp (chỉ 23%), các môn thi khác cũng đạt yêu cầu đặt ra là tỉ lệ đạt trung bình cao nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu phân cách.
Đề thi năm 2016: Không quá khó!
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố các chủ trương của kỳ thi THPT quốc gia 2016, theo đó các môn thi được giữ ổn định như năm 2015: tổ chức thi 8 môn, gồm toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học và ngoại ngữ. Các môn toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài thi mỗi môn 180 phút; các môn vật lý, hóa học, sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài thi mỗi môn 90 phút; môn ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm, thời gian làm bài thi 90 phút.
Liên quan đến đề thi, bộ tiếp tục chủ trương ra đề thi về cơ bản như năm 2015 theo hướng đánh giá năng lực học sinh, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12; tăng cường câu hỏi mở, câu hỏi gắn với thực tiễn và câu hỏi vận dụng, bảo đảm độ phân hóa, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ.
Như vậy, học sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2016 hoàn toàn có thể yên tâm là đề thi sẽ không quá khó, trong đó tỉ lệ điểm dành cho mức độ cơ bản chiếm khoảng 60% tổng số điểm và cho mức độ nâng cao chiếm khoảng 40% tổng số điểm để bảo đảm phân loại được trình độ của thí sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết sắp tới sẽ công bố đề thi minh họa để giúp thí sinh yên tâm ôn tập.
Bình luận (0)