Thí sinh hoàn tất môn thi đầu tiên tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Khuyến, quận 10 - TPHCM. Ảnh: T.Thạnh
Tại cổng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, đến cuối giờ thi mới có bóng thí sinh bước ra khỏi cổng trường. Nhiều thí sinh tỏ ra vui và hào hứng với đề thi văn khối D. Thí sinh Lê Bảo Trân (Trường THPT Bùi Thị Xuân, Đồng Nai), dự thi ngành văn học cho biết đề thi dễ nhưng lạ.
Theo Trân, câu 1 về tác phẩm Vợ chồng A Phủ là dễ nhất, nhiều khả năng được điểm tối đa (2 điểm) vì em đã ôn rất kỹ. Còn câu 2 yêu cầu viết bài văn ngắn khoảng 600 từ trình bày suy nghĩ về ý kiến “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”, thực sự là một bất ngờ.
“Mấy hôm nay nóng lên vụ Đồi Ngô nên em hình dung đề thi năm nay sẽ đề cập đến vấn đề gian lận hay bệnh thành thích, nên đề ra như vậy đối với em là lạ. Lúc đầu đọc lên thấy dễ, nhưng đặt bút lại thấy khó viết” - thí sinh này nói. Tuy nhiên, Trân cho biết em đầu tư khá kỹ vào câu này với việc giải thích rõ khái niệm thần tượng là gì, văn hóa là gì, đồng thời nói rõ nguyên nhân và phê phán các hiện tượng hâm mộ thần tượng thái quá của giới trẻ.
Cũng hào hứng với câu thần tượng, thí sinh Vũ Thị Vân Anh (Trường THPT Trần Quang Khải, quận 11), dự thi vào ngành ngữ văn Anh, cho biết em rất thích câu này bởi trào lưu hâm mộ thần tượng thái quá của giới trẻ hiện nay đang rộ lên một cách thái quá.
Thí sinh này cho biết đối với câu này em chia làm 2 phần, phần một là việc hâm mộ thần tượng là đáng khen nếu mình học tập được những nét tốt đẹp của thần tượng, phần 2 phê phán việc hâm mộ thần tượng một cách quá đáng ảnh hưởng đến học tập, làm phiền lòng người thân…
Các thí sinh kết thúc môn văn tại HĐT Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng TPHCM. Ảnh: T.Thạnh
Thí sinh Phan Thị Thanh Tuyền (Trường THPT Phú Nhuận-TPHCM), cho biết đề thi bất ngờ, vì trong phần thi riêng, câu theo chương trình chuẩn là mẫu đề thi chưa từng thấy vì thường chỉ yêu cầu phân tích một đoạn văn hoặc một câu văn trong một truyện ngắn, nhưng câu này lại yêu cầu phân tích một hình ảnh trong truyện ngắn Chí Phèo (Nam Cao) và một hình ảnh trong truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân).
“Việc phân tích hai hình ảnh trong 2 truyện ngắn khác nhau để nêu được cảm nhận là khá khó, bởi vậy em bỏ qua câu này và chọn câu theo chương trình nâng cao, phân tích đoạn thơ trong bài Tràng Giang”. Nhiều thí sinh cho biết chọn câu phân tích thơ vì đã ôn kỹ, dù đây là bài thơ nằm trong chương trình lớp 11.
Tại Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, địa điểm thi khối M, nhiều thí sinh cũng đánh giá đề thi văn hay và vừa sức.
Sáng nay, tỉ lệ thí sinh dự thi tại các trường ở TPHCM khá cao. Tại Trường ĐH Sài Gòn, số thí sinh dự thi là 18.554/22.233 thí sinh đăng ký dự thi, đạt 83,45%. Ông Mỵ Giang Sơn, trưởng phòng Đào tạo, cho biết có 1 thí sinh bị đình chỉ do mang điện thoại di động.
Tại Trường ĐH Luật TPHCM, thí sinh dự thi vào khối C đạt 4.282 thí sinh (đạt 80,64%), khối D1: 3.089 thí sinh (đạt 83,57%), và khối D3: 95 thí sinh (đạt 82,60%). Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, tỉ lệ dự thi là 82,3%.
Ông Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng Đào tạo, cho biết có 2 trường hợp bị đình chỉ; 1 thí sinh mang điện thoại (đã tắt nguồn) vào phòng thi và 1 thí sinh ở cụm thi Cần Thơ mang tài liệu vào phòng thi.
* Tại Đà Nẵng, các thí sinh thi khối C, D năm nay đều phấn khởi vượt qua môn văn vì đề dễ và hay.
Thí sinh hồ hởi sau bài thi môn văn khối D tại HĐT Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng
Thí sinh Chúc Bá Hiếu (quê Quảng Nam) thi vào ĐH Kinh tế Đà Nẵng tại HĐT Trường CĐ Công nghệ cho biết đề thi dễ ngoài sức tưởng tượng. Câu nghị luận xã hội bàn về vấn đề ngưỡng mộ thần tượng theo Hiếu là gần gũi với đời sống và giới trẻ hiện nay. Chính vì thế, khi làm câu này, Hiếu thỏa sức viết theo những suy nghĩ của mình cộng với những ví dụ sinh động mà Hiếu đã nghe và đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thí sinh cười rất tươi với phụ huynh sau khi kết thúc môn văn
Với đề văn khối C, thí sinh Phạm Thị Ngọc Bích thi vào ngành sư phạm sử tại HĐT Trường THCS Trần Hưng Đạo cho rằng đề thi văn mới đọc lên thì thấy dễ nhưng để đạt điểm cao lại rất khó. Thí sinh Bích đánh giá đề thi này đòi hỏi sự cảm nhận tinh tế về văn học, kiến thức và hiểu biết rộng rãi mới có thể làm tốt. Ngoài ra, đề thi còn mang tính phân loại cao.
Bình luận (0)