Thí sinh của Trường CĐ Mẫu giáo Trung ương 3 phấn khởi vì đề thi vừa sức. Ảnh: Tấn Thạnh
Trễ, nhầm vì chủ quan
Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân - điểm thi khối A của Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại TPHCM - ngay sau giờ thi môn lý, nhiều TS cho biết do chủ quan không nắm rõ lịch thi đợt 3, cứ tưởng sáng 15-7 thi môn toán như lịch thi khối A của đợt 1 nên đã không chuẩn bị tốt.
Một TS ở Lâm Đồng cho biết: “Do nhớ nhầm lịch thi và cứ nghĩ là thi môn toán nên em mang cả máy tính đến phòng thi, may giám thị nhắc nhở kịp nên bỏ bên ngoài”. Còn tại điểm thi Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, điểm thi của Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, một số TS cũng sát giờ mở đề mới có mặt. Một TS cho biết lý do đến trễ là nhầm địa điểm thi vì ngày làm thủ tục không có mặt.
Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - điểm thi của Trường CĐ Công Thương - trong buổi chiều 15-7, một TS đến trễ 15 phút do bị tai nạn giao thông, phải khâu vá vết thương. TS này có giấy chứng nhận của bệnh viện nên hội đồng thi giải quyết cho được vào phòng thi.
Tại Trường CĐ Bách Việt, một TS dự thi khối D ở điểm thi số 6 khi làm bài được khoảng 2/3 thời gian thì bị đau bụng, tụt huyết áp, được nhân viên y tế chăm sóc, nghỉ ngơi chừng 15 phút rồi quay lại phòng thi tiếp tục làm bài.
Tại Trường THPT Ngô Tất Tố - điểm thi của Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại - lúc 8 giờ 5 phút, một cán bộ coi thi đã bị đình chỉ do ngủ gật. Điểm thi này đã bố trí cán bộ coi thi dự phòng để trám chỗ cho giám thị bị đình chỉ.
Đề văn, lý dễ có điểm
Trong buổi sáng, TS khối C và D thi chung đề văn. Theo nhận định của nhiều TS ở TPHCM, đề khá phù hợp, nằm trong chương trình lớp 11 và 12. Ở câu nghị luận xã hội, đề yêu cầu trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến: “Nghề nghiệp không làm nên sự cao quý cho con người mà chính con người mới làm nên sự cao quý cho nghề nghiệp”, được đánh giá là phù hợp với thi CĐ.
Tại Trường THCS Colette - điểm thi khối D của Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại - TS Vũ Vân Anh (Đồng Nai) cho biết đề thi hay và không trừu tượng như đề thi khối D ĐH. TS này tập trung phân tích sự đối lập trong nhận định trên, đồng thời liên hệ thực tế bản thân vì sao lại chọn thi CĐ và ngành quản trị kinh doanh.
TS Đỗ Bích Thùy (Lâm Đồng) nói đề lý có 40 câu, trong đó phần bài tập chiếm một nửa, chủ yếu trong chương trình lớp 12 và không có câu hỏi đánh đố nên làm khá nhẹ nhàng và chắc chắn đúng khoảng 70%. Trong khi đó, TS Trần Hoàng Dũng (Đồng Nai) nhận xét đề thi không đòi hỏi tính toán nhiều, nhất là phần hạt nhân, tuy nhiên, phần điện khá khó, cần phải tư duy nên không thể làm hết bài trong thời gian 90 phút. Dũng hy vọng gỡ điểm ở phần lý thuyết.
Tại Hà Nội, nhiều TS có chung nhận định đề thi nhìn chung vừa sức. Riêng câu nghị luận trong đề văn được TS Nguyễn Thị Lan (dự thi vào Trường CĐ Sư phạm Hà Nội) nhận xét là hơi trừu tượng. TS Phạm Thị Hải Hà (dự thi vào Trường CĐ Sư phạm Trung ương) cũng có chung nhận xét này khi nói việc phân tích ý con người làm nên sự cao quý của nghề nghiệp không phải là dễ dàng.
Điều chỉnh đáp án môn sử, khối C
Chiều 15-7, Bộ GD-ĐT đã có thông báo điều chỉnh đáp án môn sử khối C, đề thi ĐH năm 2012 theo hướng có lợi cho TS.
Theo đó, câu số 4a “Khái quát chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kỳ chiến tranh lạnh”, đáp án được điều chỉnh cụ thể là phần từ năm 1952 đến năm 1973: Nhật Bản tiếp tục liên minh chặt chẽ với Mỹ. Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật được kéo dài vĩnh viễn (0,5 điểm). Năm 1956, Nhật Bản đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Liên Xô và tham gia Liên Hiệp Quốc (0,5 điểm). Theo đáp án cũ, cả hai phần này chỉ 0,5 điểm; TS nào nêu được nội dung: “Tuy vậy, phong trào nhân dân Nhật Bản chống Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật lên cao, phong trào chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và các cuộc đấu tranh theo mùa… luôn diễn ra mạnh mẽ” mới có thêm 0,5 điểm nữa.
Phần từ năm 1973 đến năm 1989 được điều chỉnh: “Với tiềm lực kinh tế tài chính ngày càng lớn mạnh, Nhật Bản bắt đầu đưa ra chính sách đối ngoại mới, thể hiện qua học thuyết Phucưđa (1977)” (0,5 điểm). Theo đáp án, ngoài học thuyết Phucưđa, TS phải nêu được cả học thuyết Kaiphu, cụ thể là: “Với tiềm lực kinh tế tài chính ngày càng lớn mạnh, Nhật Bản bắt đầu đưa ra chính sách đối ngoại mới, thể hiện qua các học thuyết Phucưđa và Kaiphu”.
Y.Anh |
Cô Nguyễn Thị Kim Quy, giáo viên Trường THPT Trưng Vương – TPHCM:
Đề môn sinh: Không mớinhưng khá hay
Đề thi môn sinh khối B tuy không mới nhưng khá hay. Ở phần giáo khoa, phần lớn là các câu hỏi tái hiện nhưng TS có thể chọn nhầm đáp án, nếu không nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa và ứng dụng. Phần bài tập có tăng thêm số câu và khó hơn so với năm trước nên không chỉ phải nắm vững kiến thức mà còn phải có kỹ năng giải quyết bài tập thì mới hoàn thành tốt. Đặc biệt, những câu tính xác suất nếu không đọc kỹ sẽ rất dễ chọn nhầm đáp án (câu 4, 5, 9).
Trong phần chung, một số câu có nội dung trong sách nâng cao (câu 6, 37) nhưng sách chuẩn không đề cập hoặc chỉ đề cập chung chung.
Thầy Hồ Kỳ Thuận, giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn - TPHCM:
Đề môn văn: Không đánh đố
Đề môn văn bám sát kiến thức cơ bản, TS có thể vận dụng từ những bài học trên lớp để trả lời trọn vẹn. Câu 1 là dạng vận dụng kiến thức để trả lời câu hỏi, không khó vì chỉ là kiến thức cơ bản. Câu 2 phù hợp với trình độ tư duy của TS vì nói đến việc rất gần gũi với các em là cách lựa chọn ngành nghề, đồng thời hay ở chỗ nói về vai trò quan trọng của con người trong công việc, ngành nghề.
Câu 3 yêu cầu phân tích đoạn thơ, phải khắc họa chiều sâu tư tưởng nên nếu nhìn về mặt này thì không khó nhưng khó ở chỗ TS sẽ bối rối trong việc đi sâu vào lịch sử của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ đất nước qua những công việc giản dị. Câu này không khó nhưng rất dễ làm sai vì TS dễ rơi vào phân tích nhân vật thay vì phân tích nhân vật gắn liền với nhận định về tác giả.
Thầy Đặng Văn Trung, giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn – TPHCM:
Đề môn lý: Phân loại tốt
Ở đề môn lý khối A và A1, phần kiến thức cơ bản chiếm tỉ lệ cao, phân bổ đều ở hầu hết các chương. TS học kỹ có thể đạt được điểm khá; học sinh khá, giỏi có thể đạt từ 8 điểm trở lên. Phần chung chỉ có 2 câu khó (câu 20, 28), TS phải chú ý kỹ mới giải đúng; phần riêng rất sát với kiến thức sách giáo khoa.
Nhìn chung, đề phân loại tốt TS, phù hợp với trình độ CĐ. |
BÊN LỀ Đi thi từ 2 giờ Ông Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho biết tại điểm thi số 1 (Trường ĐH Mở TPHCM), lúc 2 giờ ngày 15-7, khi hội đồng thi đang chuẩn bị đi nhận đề thi thì thấy có 1 TS nữ cùng phụ huynh ngồi trước cổng trường. TS này đến từ Long Khánh - Đồng Nai cho biết tối 14-7 mới có xe vào TPHCM và tìm đường đến trường ngay trong đêm. Điểm thi này đã mở cửa cho 2 mẹ con TS vào phòng y tế nghỉ ngơi chờ trời sáng. Th.Vinh |
Bình luận (0)