Tại hội thảo, các tham luận đề cập đào tạo nguồn nhân lực thúc đẩy công nghệ cao; thực trạng hoạt động nghiên cứu khoa học và nguồn nhân lực trình độ cao tại các trường ĐH; triển khai các nghiên cứu xuất sắc và nhóm nghiên cứu mạnh tại các trường ĐH; các chương trình tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu của quỹ phát triển khoa học - công nghệ quốc gia.
Trong tham luận đào tạo nguồn nhân lực thúc đẩy công nghệ cao, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, đề xuất rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định tài trợ nghiên cứu cho các trường ĐH (giảng viên, sinh viên) tham gia đào tạo, nghiên cứu các ngành phục vụ phát triển công nghệ cao (sau ĐH); rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định tài trợ nghiên cứu cho trường ĐH hợp tác với các cơ sở giáo dục ĐH, tổ chức nước ngoài; có chính sách sử dụng quỹ nghiên cứu của doanh nghiệp đào tạo và nghiên cứu các ngành phục vụ phát triển công nghệ cao tại cơ sở giáo dục ĐH. Ngoài ra, cần có chính sách miễn thuế cho các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây phòng thí nghiệm trong cơ sở giáo dục ĐH để nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao…
Các đại biểu tham dự hội thảo
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng đề cập mức kinh phí cấp cho dự án không còn phù hợp, dẫn đến các nhà khoa học thiếu mặn mà... TS Phạm Đình Nguyên, Giám đốc cơ quan điều hành Quỹ Nafosted, cho biết trong giai đoạn đầu, quỹ chủ yếu tài trợ hoạt động nghiên cứu cơ bản với tỉ lệ gần 90%. Theo điều lệ mới, trong giai đoạn tiếp theo, quỹ sẽ hướng đến tài trợ các nghiên cứu xuất sắc, tăng tỉ lệ tài trợ theo hướng nghiên cứu ứng dụng khoảng 25% với mục tiêu thúc đẩy số lượng sáng chế, sở hữu trí tuệ. Hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực sẽ tăng lên, hướng đến hoạt động nghiên cứu sau tiến sĩ, dưới dạng tài trợ cho các nhà khoa học trẻ trong giai đoạn đầu hoạt động khoa học.
TS Phạm Đình Nguyên cũng cho biết đang phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất thay đổi những quy định liên quan ngân sách để các nguồn kinh phí tài trợ từ quỹ thay đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm bảo đảm thuận lợi cho nhà khoa học.
Bình luận (0)