Bí quyết để các bảo tàng trở thành điểm hẹn hấp dẫn và bổ ích đến từ quy trình nghiên cứu công phu, dày công sưu tập, trưng bày có chọn lọc và sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều phía.
Đầu tư kỹ và chuyên nghiệp
Hơn chục năm về trước, khi đến Bảo tàng Quốc gia Singapore, tôi ngạc nhiên khi bắt gặp các đoàn thiếu nhi tham quan bảo tàng và tìm hiểu lịch sử cùng giáo viên hướng dẫn. Trước đó, tôi cũng hay tham gia hỗ trợ du khách và sinh viên quốc tế đến Việt Nam nên cũng có kinh nghiệm dẫn các đoàn đi bảo tàng trong nước. Nhìn thấy sự quan tâm và am hiểu từ những người mình gặp, tôi càng ý thức hơn về tầm quan trọng của lịch sử và kiến thức xã hội.
Các bảo tàng lớn ở nhiều quốc gia thường miễn vé vào cửa hoặc trợ giá cho sinh viên
Ở các quốc gia phát triển, các nhà hoạch định chính sách rất quan tâm các khu vực công cộng, nhất là các bảo tàng, nhà triển lãm. Kinh phí duy trì các công trình này một phần đến từ thu thuế, nguồn tài trợ, quyên góp của các tổ chức và tư nhân, doanh thu bán lẻ, nhượng quyền và cấp phép. Nhiều trường khuyến khích việc tham quan bảo tàng địa phương để tích lũy tri thức cũng như thực hiện khảo sát hoặc nghiên cứu thực địa.
Bộ sưu tập của Viện Smithsonian bao gồm 156 triệu tác phẩm nghệ thuật, đồ tạo tác và mẫu vật được trưng bày ở các bảo tàng, thư viện, sở thú, trung tâm giáo dục, nghiên cứu thuộc viện. Viện Smithsonian cũng là khu phức hợp bảo tàng, trung tâm giáo dục và nghiên cứu lớn nhất thế giới được thành lập với phương châm "tăng cường và phổ biến kiến thức" tập trung chủ yếu tại Washington DC (Mỹ).
Thành công của hệ thống bảo tàng ở các quốc gia phát triển là kết quả từ sự kết hợp chặt chẽ của nhiều bên cùng nguồn kinh phí dồi dào, quy trình thẩm định khắt khe trong công cuộc bảo vệ tài sản vật thể và phi vật thể của nhân loại.
Các gian phòng được bố trí hợp lý theo từng chủ đề, dòng thời gian, cụm văn hóa riêng biệt, có sự kết hợp khéo léo về mặt nghệ thuật và khoa học. Tính thực tế và tương tác trong không gian trưng bày khá cao, người xem có thể nhận ra các hình mẫu nổi tiếng một thời, chạm và thao tác trực tiếp lên vật mẫu trong một số trường hợp.
Bảo tàng là nơi lưu trữ giá trị văn hóa, lịch sử, tinh thần của địa phương và phản ánh những bước chuyển mình quan trọng của nhân loại. Tại châu Âu, Vương quốc Anh nổi tiếng với Natural History Museum, British Museum, The National Gallery có lượng tác phẩm đa dạng về nghệ thuật, thực vật học, côn trùng học, khoáng vật học, cổ sinh vật học và động vật học. Ở châu Á, National Museum of Singapore là bảo tàng lâu đời nhất tại Singapore và là một trong những bảo tàng lớn nhất tại châu Á. Singapore là quốc gia sớm đưa hoạt động tham quan bảo tàng vào chương trình giáo dục từ bậc tiểu học.
Thỏa cơn "khát" hiểu biết
Hòa mình cùng thiên nhiên, tham quan bảo tàng và các di tích lịch sử là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với bạn trẻ nhiều nơi trên thế giới. Không chỉ thưởng lãm, những trải nghiệm này còn để tăng vốn sống và tri thức, thư giãn sau giờ học tập và làm việc, giúp kết nối giá trị, truyền cảm hứng cho người trẻ.
Nếu bạn trẻ quan tâm đến cách mạng công nghiệp đến từ tiến bộ trong sản xuất dệt may được cơ giới hóa ở Anh vào thế kỷ XIX thì không thể bỏ qua Science và Industry Museum khi đến thành phố Manchester. Nghệ thuật đỉnh cao phong cách châu Âu thì tập trung ở Pháp, Ý, Vatican với bộ sưu tập đồ sộ trải dài, xuyên suốt nền văn minh phương Tây.
Một số hoạt động lưu giữ và bảo vệ cổ vật được phát triển liên tục song song với chương trình giáo dục học đường, thậm chí mở rộng cơ hội giao lưu và trau dồi kiến thức thực tế cho cho giáo viên giảng dạy môn lịch sử trước khi công bố rộng rãi đến đông đảo công chúng.
Muốn tìm hiểu lịch sử lập quốc và các đời tổng thống Mỹ thì không thể bỏ qua các bảo tàng và tư dinh của các vị tổng thống đầu tiên. Mount Vernon - cư dinh cũ của George Washington (vị tổng thống đầu tiên của Mỹ) và Monticello - nhà Thomas Jefferson (vị tổng thống thứ ba) cũng nằm trong danh sách Di tích Lịch sử quốc gia Mỹ và Di sản thế giới của UNESCO, tọa lạc tại bang Virginia.
Bang California nổi tiếng với những bộ sưu tập về máy móc, công nghệ hiện đại mang tầm thế giới và văn hóa Á Đông. Tham quan Chinatown, thăm trụ sở các tập đoàn công nghệ hàng đầu, tiếp xúc trực quan với các bộ sưu tập quý hiếm tại San Francisco Asian Art Museum với bộ sưu tập trống đồng Á Đông, tượng Phật ngàn năm, ngọc quý Á châu sẽ là trải nghiệm tuyệt vời bất kể bạn đang theo đuổi ngành nghề hay lĩnh vực nào.
Muốn hiểu sâu nội dung các bảo tàng trình bày thì nên nắm vững kiến thức phổ thông, sớm làm quen với hoạt động ngoại khóa từ khi còn đi học, chịu khó đọc sách, nghe báo đài để liên kết kiến thức, thực hành mở rộng quan hệ xã hội để càng đào sâu và sinh động hóa các bài học được thu nhận. Khi tham quan các bảo tàng lớn ở nước ngoài thì cần thông thạo tiếng Anh hoặc ngôn ngữ liên quan (có thể là ngôn ngữ cổ), có hiểu biết nhất định về văn hóa và lịch sử khu vực thì mới dễ dàng lĩnh hội kiến thức khi quan sát trực tiếp hiện vật, trở về nguồn cội. Trải nghiệm càng phong phú, tri kiến tiếp thu càng toàn diện thì ấn tượng về bảo tàng càng ghi dấu sâu đậm.
Bình luận (0)