Trong năm học vừa qua, các giảng viên và nhà nghiên cứu của ĐH Duy Tân đã công bố tổng cộng 840 công trình quốc tế (http://bit.ly/2Ftbt6X) trong tổng số 1.264 công trình nghiên cứu các loại.
Khẳng định năng lực nghiên cứu khoa học cơ bản
Trong số 840 công bố quốc tế đó, có đến 90% là bài báo nghiên cứu đăng trên các tạp chí uy tín được Viện Thông tin Khoa học của Mỹ (ISI) và Hệ thống Thư mục Khoa học Scopus của Hà Lan chọn lọc. Quan trọng hơn, ĐH Duy Tân tiếp tục khẳng định năng lực nghiên cứu khi có đến 60% trong số đó là do các giảng viên và nhà nghiên cứu của ĐH Duy Tân đứng ở vai trò là tác giả chính, tác giả liên hệ.
Biểu đồ tỉ trọng của các loại công bố quốc tế
Các nghiên cứu của nhà trường trải khắp các nhóm lĩnh vực khác nhau: Y-Dược-Điều dưỡng học chiếm 16.8 %; Công nghệ Sinh học 3 %; Khoa học máy tính, Điện-Điện tử 16.8 %; Kỹ thuật Xây dựng 12.5 %; Khoa học Môi trường, Công nghệ Thực phẩm 6 %; Nông nghiệp 1.5 %; Khoa học Tự nhiên 37.5 % và Kinh tế, Quản trị - Du lịch - Khoa học xã hội chiếm 6 %.
Có thể nói, với một trường đại học có định hướng đa ngành trong công tác đào tạo, thì sự đa dạng về lĩnh vực nghiên cứu chắc chắn sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo ở những ngành tương ứng. Và không ai khác, chính sinh viên đang theo học sẽ là những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất, được học tập những điều mới mẻ từ các nghiên cứu đó.
Biểu đồ số lượng công bố quốc tế theo Nhóm Lĩnh vực
Khẳng định chất lượng nghiên cứu
Bên cạnh việc thúc đẩy khối lượng nghiên cứu, ĐH Duy Tân cũng chú trọng đến chất lượng của các nghiên cứu. Thông thường, chất lượng của một nghiên cứu có thể được đánh giá trung gian qua: Chỉ số ảnh hưởng (IF) và chỉ số xếp hạng (Q1-Q4) trong chuyên ngành của mỗi tạp chí mà nghiên cứu đó được đăng trên.
Năm học 2018-2019, ĐH Duy Tân có 11 công trình đăng trên tạp chí có chỉ số IF > 50; 22 công trình có IF từ 10 đến 50 và 210 công trình có IF từ 3-10.
Nổi bật nhất là những công trình đăng trên các tạp chí danh tiếng như: New England Journal of Medicine (IF 79.3), Lancet (IF 53.3), JAMA (IF 47.7), Advanced Energy Materials (IF 21.9), Reports on Progress in Physics (IF 14.3), Nature Communications (IF 12.4), PNAS (IF 9.5), Carbon (IF 7.1), Cancer Research (IF 9.1), Journal of Materials Chemistry A (IF 9.9), Annals of Tourism Research (IF 5.1), Journal of Sustainable Tourism (IF 3.3),…
Tỉ lệ bài báo đăng ở các tạp chí thuộc các nhóm xếp hạng chất lượng cao nhất: Q1 đạt tới 52.7 % và Q2 đạt 35.5 %.
Dù không nhiều, nhưng Đại học Duy Tân cũng đã bắt đầu có một số bằng sáng chế đăng ký thành công trong nước và trên thế giới. Điển hình trong năm học 2018-2019 có thể kể đến bằng sáng chế, mã số RU2661210C1, có tên gọi "Method for obtaining the composite sorbent with magnetic properties" đã được Cơ quan Liên bang về Sở hữu Trí tuệ của Nga RUPTO, cấp cho tiến sĩ Lê Văn Thuận, Trung tâm Hóa học Tiên tiến thuộc ĐH Duy Tân và các cộng sự. Đơn đề nghị được nhóm nghiên cứu của TS. Thuận nộp từ năm 2017 và bằng đã được cấp một năm sau đó. Bằng sáng chế đã mô tả một phương pháp sản xuất chất hấp phụ có từ tính hiệu suất cao dùng trong lĩnh vực xử lý nước thải, sử dụng nguyên liệu là bã cà phê dạng bột. Theo nhóm tác giả, sáng chế này một khi được thương mại hóa sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường. Việc ứng dụng sáng chế vào thực tiễn sẽ mang lại lợi ích kép là vừa xử lý được bã cà phê, một loại phế phẩm bỏ đi trong ngành thực phẩm và đồ uống vừa thu được một chất hấp phụ dùng cho xử lý nước thải công nghiệp với chi phí thấp.
Tất cả chỉ số mô tả trên cho thấy ĐH Duy Tân đang ngày càng khẳng định hơn nữa khả năng và nội lực trong công tác nghiên cứu khoa học.
Bình luận (0)