Trong đó, 498 bài báo ISI và 23 bài báo Scopus; đạt tốc độ tăng trưởng 42,3% so với năm 2017. Ngoài các bài báo ISI/Scopus, các nhà nghiên cứu cũng gửi đăng 33 bài báo trên các tạp chí quốc tế khác; viết 22 chương trong các sách chuyên ngành (book chapter); và làm biên tập viên (book editor) cho 7 cuốn sách chuyên ngành được ấn hành bởi các nhà xuất bản khoa học nổi tiếng trên thế giới như Elsevier, Springer, Wiley, Chapman & Hall, IOSPress, và IGI-Global.
Chất lượng và tính đa dạng lĩnh vực tiếp tục được nâng cao
Đánh giá trực tiếp chất lượng của bài báo là một công việc rất khó nếu người đánh giá không phải là người cùng lĩnh vực với bài báo. Do đó, để có thể lượng hóa được chất lượng bài báo thông thường là gián tiếp qua việc đánh giá chất lượng của tạp chí mà bài báo được đăng trên. Theo đó, hai chỉ số phổ biến thường được sử dụng là: Chỉ số phân hạng của tạp chí trong chuyên ngành, gồm 4 mức từ Q1 (chất lượng cao nhất) đến Q4 (chất lượng ít nhất) và chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor - IF).
Hiển nhiên, gửi đăng kết quả nghiên cứu trên tạp chí quốc tế là không dễ và để đăng được trên các tạp chí ISI/Scopus thuộc hạng cao, cũng như có chỉ số IF cao lại là thách thức lớn hơn, đòi hỏi kết quả nghiên cứu phải có tầm ảnh hưởng lớn, có tính đột phá, hoặc mở ra những hướng nghiên cứu mới.
Các nhà khoa học làm việc tại phòng thí nghiệm hiện đại tại ĐH Duy Tân
Trong năm 2018, số bài báo trên tạp chí hạng Q1 của ĐH Duy Tân chiếm 48,6% trong tổng số các bài báo. Cũng vậy, 36,9%, 11,5%, và 2,3% lần lượt là các tỉ lệ của số bài báo từ Q2 đến Q3 đến Q4 tương ứng. Các số liệu này cho thấy gần phân nửa các bài báo của ĐH Duy Tân được đăng ở các tạp chí hạng cao nhất là Q1, và đạt đến 85,4% ở hai mức chất lượng cao Q1 và Q2. Đây chính là những quả ngọt mà ĐH Duy Tân gặt hái được nhờ sự đầu tư lớn và liên tục trong nhiều năm liền cho đội ngũ nghiên cứu và cho các phòng thí nghiệm trọng điểm.
Xét riêng các bài báo ISI có chỉ số ảnh hưởng IF của năm nay, nhiều nhà nghiên cứu của ĐH Duy Tân đã đăng được công trình trên những tạp chí có chỉ số rất cao. Lần đầu tiên, một nhóm tác giả nghiên cứu về Y học của ĐH Duy Tân, đứng đầu là nhà khoa học Nguyễn Tất Cương, đã đăng được công trình trên tạp chí The New England Journal of Medicine (NEJM), một tạp chí được ví như "kinh thánh" của Y học thế giới, với IF lên đến 79.258. Đây là niềm vinh dự không chỉ đối với những người viết bài, đối với ĐH Duy Tân, mà còn đối với Việt Nam khi người Việt cũng có thể đóng góp những kiến thức mới ở trình độ rất cao cho y văn thế giới.
Không chỉ có công trình trên NEJM, nhóm tác giả này còn đăng những công trình của mình trên tạp chí hàng đầu về Y học, như: 11 bài trên The Lancet (IF=53.254), 1 bài Journal of the American Medical Association - JAMA (IF=47.661), 4 bài Lancet Neurology (IF=27.138), 3 bài Lancet Infectious Diseases (IF= 25.148), 2 bài JAMA Oncology (IF=20.871). Một số nhóm tác giả khác thuộc lĩnh vực Y-Sinh của ĐH Duy Tân cũng công bố nhiều bài báo khác trên các tạp chí có IF cao như Nature Communications, PLoS Medicine, Cancer Research, Clinical Infectious Diseases, PNAS,… Những nghiên cứu này đã và đang đi vào những bài giảng trên giảng đường, giúp sinh viên Y khoa tiếp cận được với những kiến thức cập nhật nhất của quốc tế.
Ở lĩnh vực kỹ thuật công nghệ và khoa học tự nhiên, các nhà nghiên cứu ĐH Duy Tân cũng đóng góp không nhỏ vào thành tựu chung với 61 công trình có chỉ số IF lớn hơn 4. Nổi bật nhất trong số đó là công trình "Large‐Scale Conductive Yarns Based on Twistable Korean Traditional Paper (Hanji) for Supercapacitor Applications: Toward High‐Performance Paper Supercapacitors" đăng trên tạp chí Advanced Energy Materials (IF=21.875) do nhà khoa học Lê Hoàng Sinh làm chủ nhiệm và cũng là tác giả liên hệ của bài báo.
Ở lĩnh vực kinh tế, quản trị, dịch vụ, và khoa học xã hội, năm 2018 cũng là năm đánh dấu sự xuất hiện của 13 công trình nghiên cứu do chính các nhà khoa học tại ĐH Duy Tân thực hiện trên các tạp chí ISI/Scopus thuộc nhóm lĩnh vực này. Tiêu biểu là công trình đăng trên 1 trong 3 tạp chí hàng đầu trong tổng số 101 các tạp chí về du lịch, Annals of Tourism Research (IF= 5.086), của tác giả Ranjan Bandyopadhyay, cán bộ Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội; tạp chí International Journal of Hospitality Management (IF= 3.445) của tác giả Lê Ngọc Tuấn; hay tạp chí Sustainability (IF=2.075) của tác giả Dương Nguyễn Khánh Linh. Mặc dù chiếm tỉ trọng nhỏ so với các lĩnh vực khác, nhưng trong khi số lượng công bố quốc tế của nhóm lĩnh vực này ở Việt Nam còn khiêm tốn, thì những công trình của ĐH Duy Tân đã góp một phần giúp ghi danh Việt Nam lên bản đồ nghiên cứu khoa học xã hội nói chung trên thế giới.
Tiếp tục nằm trong bảng xếp hạng của Nature Index
Năm 2018 cũng là năm thứ 3 liên tiếp ĐH Duy Tân được tổ chức xếp hạng Nature Index gọi tên là một trong số 10 đơn vị đào tạo, nghiên cứu tại Việt Nam có những công bố quốc tế tốt nhất về các khoa học cơ bản và tự nhiên.
Xếp hạng cho năm 2018. Nguồn: Nature Index
Xếp thứ 8 trong bảng xếp hạng của Việt Nam, đến năm nay chỉ còn lại ĐH Duy Tân là đại học thuộc miền Trung Việt Nam, và cũng là đại học ngoài công lập duy nhất được xếp hạng. Nếu chỉ tính riêng các đơn vị được xếp hạng là đại học/trường đại học và loại trừ các viện nghiên cứu thì trong top 10 chỉ còn 5 đơn vị, gồm: ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh, ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Duy Tân.
Sánh vai với những đại học lâu đời có bề dày về thành tích nghiên cứu, cùng với việc liên tục có mặt trong bảng xếp hạng của Nature Index, là một vinh dự rất đỗi tự hào của tất cả cán bộ, giảng viên, nhân viên ĐH Duy Tân. Kết quả đó cũng là một minh chứng khách quan khẳng định ĐH Duy Tân là một trong 5 đại học có năng lực nghiên cứu tốt nhất tại Việt Nam, ở thời điểm hiện nay.
Danh mục bài báo của ĐH Duy Tân năm 2018:https://bit.ly/2HB3WGI
Các bạn có thể xem thêm thông tin về nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế của ĐH Duy Tân tại đây: Nghiên cứu Khoa học tại ĐH Duy Tân
Bình luận (0)