Dù Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga từng khẳng định sẽ không có "mưa" điểm 10 như những năm trước do cách lập ma trận đề thi với những câu hỏi rất khó mà chỉ thí sinh (TS) thật giỏi mới có thể làm được nhưng thực tế diễn ra ngược lại sau khi các địa phương công bố điểm thi THPT quốc gia 2017 vào ngày 6-7.
Hơn 4.000 điểm 10
Năm 2016, trong kỳ thi THPT quốc gia cả nước chỉ có 68 điểm 10 (trong đó toán có 8, vật lý 12, hóa 15, lịch sử 5, địa lý 9, ngoại ngữ 15 và sinh học 5) thì đến kỳ thi năm 2017, chỉ tính riêng tại TP HCM đã có tới 453 điểm 10. Đến cuối ngày 6-7, khi nhiều địa phương cùng công bố dữ liệu điểm, số điểm 10 đã lên tới con số hơn 4.000.
Thí sinh mừng vui sau khi hoàn thành một môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2017
Ảnh: Hoàng Triều
Theo dữ liệu điểm các môn thi mà Sở GD-ĐT TP HCM công bố, TP HCM có nhiều môn đạt phổ điểm cao ngất. TP HCM có gần 71.500 TS dự thi. Trong số này, tỉ lệ TS đạt trên điểm trung bình môn toán là 70%, môn văn: 85%, hóa học: 58%, sinh học: 44,5%, giáo dục công dân: 99,5%, địa lý: 88%, vật lý: 64%, lịch sử: 51%, ngoại ngữ: 66,3%.
Trong số 453 điểm 10, môn hóa học có tới 139 bài thi đạt điểm 10, tiếp theo là ngoại ngữ 214 bài, toán 19 bài, văn không có điểm 10, vật lý 4 bài, sinh học 56 bài, lịch sử 1 bài, địa lý 5 bài, giáo dục công dân 14 bài.
Số điểm 10 ở một số tỉnh thành kỳ thi THPT quốc gia 2017
Riêng số TS bị điểm liệt, cụ thể như sau: môn toán: 599, ngữ văn: 14, ngoại ngữ: 362, vật lý: 292, hóa học: 320, sinh học: 219, lịch sử: 230, địa lý: 204, giáo dục công dân: 58.
Phổ điểm thấp nhất lại rơi vào môn lịch sử, đây là môn thành phần trong bài thi tổ hợp khoa học xã hội và là bài thi tự chọn của các TS. Toàn TP có hơn 27.000 TS dự thi môn này (tính cả trong bài thi khoa học xã hội) nhưng lại có hơn 13.000 TS có điểm dưới trung bình, chiếm hơn 50% tổng số TS dự thi. Ngoài ra, số TS bỏ thi và bị điểm liệt cũng lên đến 230 TS, chỉ có hơn 64 TS đạt trên 8 điểm. Duy nhất có một điểm 10 môn sử.
Trong khi đó, lần đầu tiên trở thành môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia nhưng môn giáo dục công dân lại có phổ điểm cao nhất khi số TS đạt từ 8 điểm trở lên là 10.622 TS, đạt đến hơn 56% tổng số TS dự thi môn này, chỉ hơn 150 TS bị điểm dưới trung bình.
Tại các địa phương khác, nhiều bài thi cũng đạt điểm tuyệt đối. Theo Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, ở môn văn có 51,1% TS đạt điểm từ trung bình trở lên; điểm cao nhất 8,75. Toàn tỉnh có 46 bài thi đạt điểm 10, gồm: toán 1, hóa 14, sinh 3, sử 1, địa 3, giáo dục công dân 3, tiếng Anh 21. Đợt thi vừa qua, Khánh Hòa có 28 điểm thi với 552 phòng thi, gần 13.000 TS.
Theo kết quả sơ bộ, toàn tỉnh Lâm Đồng có 36 bài thi đạt điểm 10. Cụ thể, môn hóa có 10 bài, kế tiếp là môn tiếng Anh 9 bài, môn địa lý 7, giáo dục công dân 5, toán và sinh học mỗi môn có 2 bài và vật lý có 1 bài thi điểm 10.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, ở môn văn có 2 bài thi đạt 9,75 điểm. Riêng điểm 10 môn toán có 7 bài, tiếng Anh có 21 bài và vật lý 2 bài. Môn toán có 40% bài thi điểm dưới 5, môn văn có 39% điểm dưới 5 và tiếng Anh là 57% điểm dưới 5. Đặc biệt, trong số 5.500 TS thi môn sử thì chỉ có 100 TS có điểm 8 trở lên và 75% TS thi môn này có điểm dưới 5. Ngoài ra, 3 môn thi chính là toán, văn, tiếng Anh đều có TS bị điểm liệt.
Đề thi có điều chỉnh tốt?
Phó hiệu trưởng một trường THPT tại TP HCM cho rằng nếu căn cứ theo thống kê sơ bộ về điểm như trên thì rõ ràng có điều gì không ổn. Ngay từ khi kỳ thi vừa kết thúc, nhiều giáo viên đã nhận xét đề thi quá an toàn và không có tính đột phá, rất khó để phân loại TS vì số câu hỏi khó không nhiều. "Rõ ràng đề thi mà bộ hứa hẹn có nhiều đổi mới đột phá đến lúc này chỉ nhằm bảo đảm yêu cầu tốt nghiệp của TS" - vị này cho biết.
Nói về "mưa" điểm 10, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho rằng đây là kết quả chính xác bởi đề thi đã được chuẩn hóa nhưng các em vẫn đạt được kết quả cao. Ông Hồng nói thêm, nhìn vào số liệu phân tích thống kê tại 59 tỉnh, thành phố, số lượng điểm 10 nhiều nhưng số lượng điểm 0 cũng rất lớn, ví dụ môn toán có 278 điểm 10 nhưng có 761 điểm 0. Ở môn toán, có 1.577 em bị điểm từ 1 trở xuống, số TS đạt điểm toán dưới 5 chiếm gần 49,2%.
Ông Hồng cũng nhận định việc dư luận đánh giá đề thi dễ dẫn đến điểm thi cao là do chưa được cung cấp đủ thông tin. "Các sở chỉ báo cáo số điểm cao nhưng lại chưa phân tích phổ điểm của từng môn để thấy rõ tỉ lệ chênh lệch về điểm số" - ông Hồng nói. Chuyên gia này nhận định đề thi bước đầu đã phân hóa được TS, tuy nhiên cũng cần phải rút kinh nghiệm và lắng nghe ý kiến phản hồi để có đề thi tốt hơn.
Nói thêm về kết quả thi năm nay, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng phổ điểm năm nay không có gì bất thường, phân bố đều đặn. Điều này thuận lợi cho các trường tuyển chọn TS. "Nếu phổ điểm quá dốc, các trường sẽ rất khó khăn trong việc tuyển sinh, vì chỉ cần giảm hay tăng nửa điểm, số lượng TS thay đổi, các trường phải sử dụng tiêu chí phụ. Còn bây giờ phổ điểm đều thì giảm hay tăng nửa điểm số lượng TS không quá thay đổi, điều này tạo thuận lợi" - ông Ga nói.
Thứ trưởng Ga cũng nhận xét thêm, các năm thi ba chung, đề thi khó nên phổ điểm thường lệch về phía tay trái còn hiện tại phổ điểm đúng vào chính giữa phản ánh chất lượng đề thi có điều chỉnh tốt. "Số lượng TS điểm cao và số lượng điểm thấp không quá nhiều hay quá ít như mọi năm. Phổ điểm các môn đều, trung bình nằm trong 4-6.
"Mọi năm ra đề thi tự luận, câu khó chỉ rơi vào một số chương nào đó nên học sinh học tủ mới làm được, còn hiện tại câu khó rơi vào tất cả. TS học đều, học sâu đều có thể làm được và điều này cũng cho thấy nhiều em có điểm cao hơn là như vậy" - ông Ga lý giải.
Điểm sàn nằm trong khoảng 14-15
Liên quan đến điểm sàn, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết ngày 12-7, hội đồng điểm sàn sẽ họp để xác định điểm sàn 2017. Tuy nhiên dự kiến điểm sàn không dao động nhiều, nằm trong khoảng từ 14-15 điểm, tức mỗi môn 5 điểm.
Ông Ga nhấn mạnh, TS cần bình tĩnh trong việc phân tích kết quả của mình và kết quả chung để quyết định có điều chỉnh nguyện vọng hay không. Nếu kết quả thi không thay đổi nhiều so với điểm dự kiến, ví dụ trước đây dự kiến tổng 20 điểm thì trước đăng ký vài nguyện vọng trên, xấp xỉ và dưới 20 rồi thì không cần điều chỉnh vì theo quy chế năm nay các TS sẽ xét tuyển theo kết quả thi chứ không phải theo nguyện vọng.
Điểm chuẩn vào ĐH sẽ tăng mạnh?
Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết thống kê sơ bộ tại Hà Nội có khoảng 500 điểm 10, TP HCM gần 500 bài điểm 10 đó là chưa tính các tỉnh/TP khác. Nếu tính bình quân thì mỗi tỉnh/TP có từ 70-80 điểm 10, đó là chưa tính điểm 9 trở lên đến cận 10. Khối trường quân đội, công an chỉ tiêu không nhiều, 4 trường, phân hiệu luôn có điểm chuẩn cao chót vót là Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, phân hiệu ĐH Ngoại thương tại TP HCM, ĐH Y Hà Nội, ĐH Y dược TP HCM chỉ tiêu cũng chừng vài ngàn. Do vậy, điểm chuẩn năm nay của các trường này khoảng chừng gần 30 điểm, thậm chí cao hơn. Ở nhiều trường ĐH khác, điểm chuẩn cũng sẽ tăng từ 3 đến 5 điểm, tùy ngành.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM, nhận định lượng điểm 9-10 từng môn năm nay tăng so với năm ngoái, phổ điểm nhìn chung cũng sẽ tăng điều này dẫn đến điểm chuẩn vào các trường ĐH năm nay sẽ tăng, tùy nhóm trường. Cụ thể, đối với những trường tốp 1, điểm chuẩn sẽ tăng chừng nửa điểm, nhóm trường có điểm chuẩn những năm qua từ 20 đến 24 sẽ tăng khoảng 1 điểm, nhóm trường từ 16 đến 18 sẽ tăng chừng 1,5 điểm.
Bình luận (0)