Theo thống kê phân bố điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), số thí sinh (TS) có tổng điểm thi 3 môn theo các tổ hợp môn truyền thống dùng để xét tuyển đạt được mức điểm ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào năm 2016 (là 15 điểm) có số lượng hơn 400.000 (có tính cả ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực), giảm khoảng 120.000 so với năm 2015 trong khi tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia về cơ bản không thay đổi, chỉ khoảng 320.000.
Điểm chuẩn các ngành, trường tốp cao sẽ giảm
Năm 2015, một số ngành, một số trường có điểm chuẩn cao ngất ngưỡng. Nhiều ngành của các trường thuộc khối công an có điểm chuẩn từ 27 trở lên, thậm chí đối với TS nữ, điểm chuẩn trúng tuyển của một số ngành là 29 điểm. Điểm chuẩn của các trường ĐH tốp đầu thuộc khối ngành y dược, ngoại thương... đều ở mức 25-28 điểm. Trong kỳ thi 2016, đề thi các môn đạt được độ phân hóa cao. So với năm 2015, tuy mức điểm trung bình của từng môn thi cao hơn nhưng tỉ lệ TS đạt điểm thi cao ở từng môn giảm khá nhiều.
Quan trọng hơn nữa, do số lượng TS năm 2016 giảm khá mạnh so với năm 2015 (giảm 12%, với 120.000 TS) nên số lượt TS đạt tổng điểm thi 3 môn theo các khối thi truyền thống (là những tổ hợp môn xét tuyển phổ biến nhất, chiếm phần lớn chỉ tiêu xét tuyển ở các trường ĐH) giảm chỉ còn khoảng phân nửa, từ hơn 22.000 lượt chỉ còn chưa đến 11.000 lượt. Năm 2015, có tổng cộng 404 điểm 10 thì năm 2016, chỉ còn 109 điểm 10 ở các môn thi.
Việc số lượng TS ở phân khúc điểm cao giảm mạnh trong bối cảnh số lượng TS tham gia xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia cũng giảm mạnh nhưng chỉ tiêu tuyển sinh không thay đổi nhiều dẫn đến dự báo điểm chuẩn xét trúng tuyển của những ngành, những trường ở mức cao của năm 2015 có thể sẽ giảm từ 0,5-2 điểm trong năm 2016.
Phân khúc điểm chuẩn 15-18 sẽ ổn định
Dự báo giảm điểm chuẩn các ngành, các trường có điểm chuẩn rất cao ở năm 2015 chắc chắn có tác động dây chuyền đến điểm chuẩn trúng tuyển của những trường tốp dưới, đặc biệt là những trường, những ngành có mức điểm chuẩn trước đây trong khoảng 20-25 điểm. Chẳng những tỉ lệ % TS ở phân khúc điểm này giảm mà đáng lưu ý hơn là số lượng TS đạt điểm trong phân khúc cũng giảm rất nhiều, đến hơn 120.000 lượt, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh không giảm.
Khó dự báo chính xác điểm chuẩn của nhóm này sẽ giảm bao nhiêu vì còn phụ thuộc vào số lượng TS đăng ký xét tuyển cũng như liệu có sự tập trung đăng ký xét tuyển vào ngành nào, trường nào hay không nhưng tôi ước đoán điểm chuẩn trúng tuyển dự kiến của nhóm này cũng sẽ giảm trung bình trong khoảng 0,5-2 điểm, thậm chí có thể đến 3 điểm bởi đây chính là mức điểm chuẩn trúng tuyển của nhiều trường ĐH công lập trong năm 2015.
Trong khi đó, các ngành, trường có mức điểm chuẩn 15-18 điểm ở năm trước có thể không bị tác động vì số lượt TS có tổng điểm xét tuyển ở phân khúc này tuy cũng giảm (do tổng TS năm 2016 giảm mạnh so với 2015) nhưng vẫn còn khá lớn so với chỉ tiêu trong phân khúc. Có gần 440.000 lượt TS có mức tổng điểm 3 môn thi nằm trong phân khúc này. Hơn nữa, hầu hết các trường có điểm chuẩn trúng tuyển năm 2015 nằm trong phân khúc 15-18 điểm này đều có thêm nguồn tuyển từ học bạ THPT, vì vậy, dự báo điểm chuẩn trúng tuyển của các ngành, các trường ở mức này năm 2015 cũng sẽ ổn định trong năm 2016. n
Tăng quyền chủ động
Kỳ thi THPT quốc gia có một ưu điểm lớn là đã tách khâu thi và khâu xét tuyển hoàn toàn riêng biệt. Khi đã biết điểm thi, TS mới quyết định chọn ngành, chọn trường để đăng ký xét tuyển sao cho phù hợp với mức điểm thi của mình. Đây là một thuận lợi rất lớn, đã tăng quyền chủ động của TS lên rất cao. Vì vậy, TS cần căn cứ trên điểm thi đang có của mình và tham khảo điểm chuẩn trúng tuyển ở những năm trước của ngành, trường mà mình dự định đăng ký xét tuyển cũng như các thông tin khác như chỉ tiêu, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển... để cơ hội trúng tuyển đạt được cao nhất.
Bình luận (0)