Việc tăng điểm chuẩn được dự đoán dựa trên tình hình nhiều trường đã điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển sang các phương thức khác (khi kỳ thi tốt nghiệp không ổn định về thời gian) và số thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) tăng nhiều (tăng 150.000 so với năm 2020).
Điểm chuẩn tăng ở ngành đông thí sinh đăng ký
Tuy nhiên, cũng cần phân tích chi tiết cho thấy điểm chuẩn chỉ tăng ở một số ngành và ở một số trường. Những "vùng đỏ" có rất đông thí sinh ĐKXT đã cho thấy điều đó khi thống kê số liệu nguyện vọng (NV) ĐKXT sau khi kết thúc thời hạn đăng ký dự thi. Đó là các nhóm ngành an ninh, quốc phòng (số NV1 ĐKXT/chỉ tiêu lên đến 567%), báo chí (311%), du lịch - khách sạn - nhà hàng (210%)…
Thí sinh dự thi đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại TP HCM (Ảnh: TẤN THẠNH)
Ở quy mô trường, khá nhiều trường thu hút được thí sinh ĐKXT rất đông, gấp nhiều lần so với chỉ tiêu xét tuyển, như: Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM, Trường ĐH Công nghệ TP HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Tài chính Marketing, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Trường ĐH Sư phạm TP HCM, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, Trường ĐH Mở TP HCM, Trường ĐH Kinh tế TP HCM…
Ở một số trường ĐH công lập khác - như các trường thành viên ĐHQG TP HCM, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, Trường ĐH Luật TP HCM, Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Y Dược TP HCM… - tuy số lượng NV ĐKXT không nhiều bằng nhưng do thu hút số thí sinh có điểm thi cao nên cũng có nhiều ngành tăng mạnh điểm chuẩn. Mức điểm chuẩn tăng trung bình chỉ khoảng 0,5-2, cá biệt có ngành tăng 4-5 điểm, còn tăng đến 8-9 điểm cũng có nhưng rất ít ở một số ngành của các trường ĐH phía Bắc.
Điểm cao vẫn rớt do chọn nguyện vọng
Đến thời điểm này, điểm chuẩn cao nhất được ghi nhận là ngành sư phạm ngữ văn của Trường ĐH Hồng Đức (30,5 điểm), ngành Hàn Quốc học khối C Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội (30 điểm), ngành xây dựng lực lượng (khối C, nữ) của Học viện Chính trị Công an Nhân dân (30,34 điểm).
Tất nhiên, trong thực tế, không thí sinh nào có tổng điểm thi 3 môn trên 30 điểm. Điểm chuẩn trúng tuyển được các trường ĐH công bố là điểm dành cho thí sinh ở khu vực 3 - khu vực không có ưu tiên. Như vậy, với mức điểm chuẩn này, bắt buộc thí sinh trúng tuyển phải được hưởng điều kiện ưu tiên để có điểm xét tuyển (điểm thi + điểm ưu tiên) đạt mức điểm chuẩn. Điểm chuẩn trên 30 cũng có ở những năm trước chứ không phải mới có ở năm 2021. Điều này xảy ra với những ngành ít chỉ tiêu nhưng lại có nhiều thí sinh, đặc biệt là các thí sinh có điểm thi cao, ĐKXT…
Trên nguyên tắc, khi xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, nếu thí sinh không trúng tuyển NV ở trên sẽ được tiếp tục xét ở các NV dưới; thí sinh vẫn có thể được xét trúng tuyển vào ngành có NV thấp hơn nếu đủ điểm chuẩn của ngành có NV thấp hơn. Tuy nhiên, nếu sắp xếp NV không hợp lý, các thí sinh điểm cao vẫn có nguy cơ không trúng tuyển bất kỳ NV nào. Điều này đã xảy ra từ nhiều năm nay chứ không chỉ ở năm 2021 và không hẳn là may rủi, vì thí sinh được điều chỉnh NV tối đa 3 lần sau khi biết điểm thi tốt nghiệp.
Thường thì một ngành tuyển sinh xét tuyển theo nhiều tổ hợp môn thi. Từ nhiều năm nay, để đơn giản trong kỹ thuật, nhiều trường định mức điểm chuẩn trúng tuyển bằng nhau cho tất cả các tổ hợp xét tuyển. Hệ quả là thí sinh sẽ chọn tổ hợp mình có điểm cao nhất để ĐKXT. Năm 2021, khi phổ điểm thi môn tiếng Anh vượt trội hơn các môn khác thì những thí sinh có điểm thi môn tiếng Anh cao sẽ có lợi thế hơn khi xét tuyển. Đây là một thực tế mà thí sinh phải chấp nhận, vì "luật chơi" đã được công bố trước.
Số thí sinh có điểm cao nhưng vẫn trượt tất cả các NV thì năm nào cũng có nhưng không phải là quá nhiều. Vấn đề nằm ở chỗ chiến lược chọn và sắp xếp thứ tự các NV ĐKXT, vừa theo mong muốn của thí sinh nhưng cũng phải theo mức độ điểm thi và tham khảo điểm chuẩn của các ngành liên quan ở những năm trước. Hy vọng các thí sinh này cũng đã được xét trúng tuyển bằng các phương thức khác vào ngành, vào trường mình mong muốn, để không có tình trạng thí sinh điểm cao vẫn không trúng tuyển vào trường nào.
Tổ hợp có môn tiếng Anh điểm chuẩn tăng mạnh
Điểm chuẩn các tổ hợp môn thi có môn tiếng Anh tăng mạnh vì tiếng Anh là môn có điểm trung bình tăng mạnh nhất trong 9 môn thi năm 2021 (1,3 điểm), trong khi các môn khác tăng ít, thậm chí nhiều môn giảm. Chỉ riêng số điểm 10 ở môn tiếng Anh năm 2021 đã tăng gần 20 lần năm 2020 (4345 so với 225).
Bình luận (0)