Theo các chuyên gia, với mức điểm này, điểm chuẩn đại học các khối có sử dụng tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển khối A1 (toán, vật lý, tiếng Anh) và D1 (toán, ngữ văn, tiếng Anh) sẽ có nhiều biến động, đặc biệt ở phân khúc 24-26 điểm. Trong khi đó, phân khúc điểm trên 27,5 sẽ ít ảnh hưởng và tăng không đáng kể.
Ông Vũ Khắc Ngọc, Trung tâm HOCMAI, nhận định với khối A1 và D, vùng điểm chuẩn năm ngoái lấy 26 điểm trở lên thì năm nay dự kiến tăng từ 1-1,5 điểm. Còn vùng điểm chuẩn năm ngoái là 22-24 thì năm nay có thể tăng tới 3-4 điểm. Trong khi đó, ở khối A, các ngành năm ngoái lấy khoảng 26 điểm trở lên thì năm nay có thể sẽ giảm nhẹ 0,5 điểm.
PGS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay dự kiến các ngành tốp đầu của trường như khoa học máy tính, khoa học dữ liệu sẽ bớt căng thẳng hơn trong xét tuyển. Năm nay, trường quan tâm đến số TS đạt từ 26 điểm trở lên.
PGS-TS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, nhận định điểm chuẩn vào trường có thể tăng cục bộ ở một số mã ngành "hot" như marketing, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh doanh quốc tế... Theo PGS-TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, với phổ điểm của năm nay, khả năng điểm chuẩn sẽ tăng nhẹ đối với các trường ở tốp trên. Các ngành khối B năm ngoái lấy 21-23 điểm có thể sẽ tăng nhẹ khoảng 0,5-1 điểm.
Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021, TS có nguyện vọng phúc khảo bài thi nộp đơn xin phúc khảo tại nơi đã đăng ký dự thi từ ngày 26-7 đến 5-8. TS có quyền thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm thi. Năm nay, mỗi TS được 3 lần điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ.
PGS Nguyễn Phong Điền nhấn mạnh để điều chỉnh đúng và trúng, nên chọn nguyện vọng mình thích lên cao nhất và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, không sắp xếp thứ tự nguyện vọng theo khả năng trúng tuyển (căn cứ vào điểm chuẩn các năm ngoái). Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp, các trường ĐH sẽ dự báo khung điểm trúng tuyển, do đó TS cần cập nhật thông tin hằng ngày.
GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội, lưu ý TS nghiên cứu kỹ phổ điểm, so sánh với những năm trước đồng thời tham khảo điểm chuẩn của những ngành, trường mà mình đã đăng ký trong 2-3 năm gần nhất. Tìm hiểu kỹ về chỉ tiêu tuyển sinh xem có điều chỉnh không để ước lượng cơ hội trúng tuyển. PGS Bùi Đức Triệu nhắc nhở để tránh rủi ro nếu trượt nguyện vọng 1 do điểm chuẩn quá cao, TS nên chọn nhiều nguyện vọng dự phòng.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết bộ đã yêu cầu các trường công khai điều kiện trúng tuyển bằng các phương thức không sử dụng kết quả thi để các TS nhập học ngay khi được công nhận tốt nghiệp. Với TS xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, sau kỳ thi tốt nghiệp đợt 2 (ngày 6 và 7-8), bộ sẽ điều chỉnh lịch xét tuyển ĐH, CĐ để các trường tổ chức xét tuyển chung từ kết quả của TS dự thi ở cả 2 đợt.
Bình luận (0)