Ít khả năng thay đổi
Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Ngoại thương, nói dự kiến điểm vào trường này tương đương năm 2011 hoặc cao hơn một chút. Năm 2011, điểm sàn vào trường này của khối D là 22, khối A là 24. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng dự kiến điểm trúng tuyển tương đương năm 2011, dao động trong khoảng từ 17 đến 22,5 tùy theo ngành.
Tương tự, lãnh đạo Trường ĐH Xây dựng cũng cho biết do điểm thi năm nay của trường tương đương năm 2011 nên dự kiến điểm chuẩn khả năng không thay đổi (khối A: 18; khối V: 24,5 (nhân hệ số); khối A1 ở ngành công nghệ thông tin: 17; ở ngành quy hoạch vùng và đô thị: 16,5). Đối với thí sinh dự thi khối A, trường sẽ phân ngành từ năm nhất dựa trên nguyện vọng và kết quả thi tuyển. Thí sinh nào không đậu vào ngành đăng ký thì được chuyển xuống ngành còn chỉ tiêu.
Trường ĐH Tài chính - Ngân hàng cũng dự kiến lấy điểm bằng sàn và xét tuyển khoảng 300 chỉ tiêu còn thiếu từ thí sinh dự thi vào các trường khác.
Lo thí sinh “ảo”
Một trong những điểm mới quan trọng trong kỳ tuyển sinh năm nay là Bộ GD-ĐT không giới hạn về số đợt xét tuyển như các năm trước. Bên cạnh việc sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi, thí sinh có thể dùng cả bản sao có công chứng để tham gia đăng ký xét tuyển. Quy định này giúp thí sinh có thêm nhiều cơ hội trúng tuyển nhưng sẽ khiến các trường rơi vào tình trạng bị động vì phải kéo dài thời gian xét tuyển lại phải nhận một lượng thí sinh “ảo” dự kiến là khổng lồ.
Để gỡ khó, nhiều trường như ĐH Công nghiệp Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Mỏ Địa chất… đã công bố không nhận bản sao có công chứng phiếu báo điểm. Ông Trần Đức Quý, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, nhận định việc thí sinh được nộp bản sao giấy báo điểm sẽ tăng cơ hội trúng tuyển vào ĐH. Tuy nhiên, nếu có xét tuyển NV 2, trường sẽ chỉ nhận giấy báo điểm bản chính để hạn chế số lượng hồ sơ ảo.
Trước quy định mỗi nơi một kiểu của các trường, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD-ĐT không quy định “cứng” về việc này. Các trường có quyền chỉ nhận giấy báo điểm có dấu đỏ nhưng nếu thấy lượng thí sinh thiếu nhiều quá thì có thể nhận cả bản sao có công chứng để có một nguồn tuyển dồi dào. |
Chưa biết khi nào kết thúc xét tuyển Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng việc để thí sinh nộp bản photocopy có công chứng cũng là cơ hội tốt cho các trường khó tuyển mở rộng được nguồn tuyển nhưng cũng có thể gây nên tình trạng thí sinh ảo, khó khăn cho các trường. Ông Hóa cho biết trường vẫn nhận bản photocopy có công chứng nhưng trước khi gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh, trường sẽ kiểm tra trên mạng internet để bảo đảm “đúng người, đúng điểm”. Với khoảng 2.000 chỉ tiêu còn thiếu, Trường ĐH Dân lập Hải Phòng sẽ xét tuyển một lượng thí sinh rất lớn. GS Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng nhà trường, lo lắng rằng không biết lúc nào sẽ kết thúc xét tuyển bởi với quy định mới, một thí sinh có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ở 3, 4 nơi và trường cứ chờ, kể cả trường nhận được phiếu báo điểm bản chính cũng không chắc chắn được là thí sinh có vào trường mình hay không. Thậm chí, có khi thí sinh đến trường làm thủ tục rồi nhưng vẫn “chạy” sang trường khác nếu thấy có cơ hội học tập tốt hơn. |
Bình luận (0)