Chiều 21-7, thêm trường ĐH Thủy lợi công bố kết quả thi. Thủ khoa của trường là Đặng Huy Hoàng (tỉnh Thái Bình) với tổng điểm 3 môn là 25,5 điểm.
Thí sinh thi tuyển vào Trường Đại học Sài Gòn đầu tháng 7-2010. Ảnh: TẤN THẠNH
Điểm thi thấp hơn trước
Ông Trịnh Minh Thụ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi, cho biết điểm thi năm nay tương đương năm 2009. Số thí sinh có tổng điểm 3 môn thi đạt từ 15 điểm trở lên chiếm khoảng 1/4 tổng số thí sinh.
Ngoài thủ khoa là Đặng Huy Hoàng, trường có hai á khoa cùng 24,5 điểm là Ngô Xuân Hảo (tỉnh Thái Bình) và Nguyễn Duy Phong (tỉnh Hưng Yên).
Ông Thụ cũng khẳng định điểm trúng tuyển dự kiến của trường năm nay tương đương năm trước, ngành thấp nhất là 15 điểm, ngành cao nhất là 18 điểm.
Tuy đã công bố kết quả thi nhưng Trường ĐH Giao thông Vận tải cũng chưa đưa ra mức điểm chuẩn. Theo Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Long, điểm thi của thí sinh thấp hơn một chút so với năm 2009.
Năm nay thủ khoa của trường là Bùi Lê Khánh với 28 điểm. Còn hai á khoa Phạm Sĩ Lịch (tỉnh Thái Bình) và Nguyễn Thế Anh (tỉnh Hà Tĩnh) cùng 27 điểm.
Đến thời điểm này, nhiều trường ĐH tuyển sinh khối A đã gần hoàn tất quá trình chấm thi và cho biết điểm thi năm nay không cao. Thông tin từ Học viện Ngân hàng, điểm thi cả 3 môn đều thấp hơn năm trước một chút, có thể do đề khó hơn.
Lãnh đạo Trường ĐH Mỏ - Địa chất cho biết trường đã chấm được 30% trong tổng số 11.000 bài thi môn toán nhưng chỉ có khoảng 21% bài thi đạt điểm 5 trở lên, mức điểm 8 trở lên không nhiều. Tuy nhiên, điểm thi khối C lại khá khả quan.
Theo thầy Đỗ Thanh Bình, Trưởng môn Lịch sử của Hội đồng Chấm thi Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trường đã chấm gần hết 13.000 bài thi của thí sinh. Nhiều em đạt từ 7 đến 9 điểm. Có khoảng 10 bài thi đạt 9,5 điểm, có một bài của thí sinh thi vào Trường ĐH Sư phạm đạt điểm cao nhất: 9,75 điểm.
Hai trường phía Nam công bố điểm
Chiều 20-7, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM công bố điểm thi tuyển sinh năm 2010. Thủ khoa của trường là Đào Hồng Kiên (số báo danh SPK4218) đạt 25,5 điểm, cộng điểm ưu tiên là 27 điểm, dự thi vào ngành điện tử viễn thông (khối A).
Theo ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu phó Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, dự kiến điểm chuẩn của trường bằng năm ngoái, trong đó ngành xây dựng sẽ có điểm chuẩn cao nhất: 18 điểm. Riêng ngành cơ khí động lực dự kiến điểm chuẩn thấp hơn 1 điểm so với năm ngoái: 15,5 điểm.
Cùng ngày, Trường ĐH Tiền Giang công bố điểm thi. Ba thủ khoa của trường đều đạt 21,5. Đó là Đinh Thị Kim Thơm (SBD 436), dự thi khối C; Đặng Thanh Duy (SBD 460) và Truyện Thiện Tấn Trí Tài n(SBD 2726), cùng dự thi khối A.
Thắt chặt hậu kiểm
Với kết quả thi không cao như năm trước, dự kiến điểm trúng tuyển năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái một chút. Khi mặt bằng điểm thi kém năm ngoái, Học viện Ngân hàng dự kiến điểm chuẩn khó cao hơn năm 2009, cuối tuần này trường sẽ công bố điểm.
Ông Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, cũng cho biết điểm thi vào trường không cao, dự kiến điểm chuẩn có thể thấp hơn năm trước nửa điểm. Trường ĐH Mỏ - Địa chất cũng dự kiến mức điểm chuẩn có thể tương đương hoặc kém năm 2009.
Ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho biết để bảo đảm kỳ thi tuyển sinh được tổ chức công bằng, khách quan, sau kỳ thi tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ phải tiến hành kiểm tra kết quả thi của tất cả số thí sinh đã trúng tuyển vào trường mình. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm quy chế hoặc các trường hợp nghi vấn, hiệu trưởng phải có biện pháp xác minh, xử lý.
Khi sinh viên trúng tuyển đến trường nhập học, trường sẽ đối chiếu kiểm tra bản chính học bạ, văn bằng tốt nghiệp, giấy khai sinh và các giấy tờ xác nhận khu vực, đối tượng ưu tiên của thí sinh.
Trong quá trình thu nhận hồ sơ hoặc trong thời gian sinh viên đang theo học tại trường, nếu phát hiện hồ sơ giả mạo, hiệu trưởng xử lý theo quy định của quy chế.
Y.Anh |
Bình luận (0)