Bộ GD-ĐT chiều 21-7 công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học năm 2023. Theo đó, điểm sàn ngành y khoa, răng hàm mặt: 22,5.
Điếm sàn đối với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ ĐH từ 19 đến 22,5
Các ngành còn lại là hộ sinh, kỹ thuật phục hình rằng, y học cổ truyền, dược học, điều dưỡng, y học dự phòng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng đều có mức điểm sàn là 19.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ ngày 10-7 đến 17 giờ ngày 30-7, thí sinh đăng ký và điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển ĐH không giới hạn số lần theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, lưu ý thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng, là nguyện vọng mà các em đặt lên cao nhất nên thí sinh cần cân nhắc kỹ. Khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1, kể cả không nhập học cũng không được xét tuyển tiếp các nguyện vọng 2, 3... Trên thực tế có những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm vào một trường và được tư vấn nên đặt ở nguyện vọng 1, tuy nhiên, nếu đó không phải là nguyện vọng thí sinh mong muốn hay yêu thích nhất, các em có thể dựa trên mức điểm của mình để tính toán kỹ.
"Trường hợp thí sinh trúng tuyển 3 nguyện vọng theo các phương thức xét tuyển sớm, nhưng nếu thí sinh không để đó là nguyện vọng 1 mà để là phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và đỗ cả phương thức này thì hệ thống sẽ xác định thí sinh đỗ nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ở đây, hệ thống sẽ xét từ trên xuống theo thứ tự ưu tiên và nếu đỗ ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó và không xét tiếp" – bà Nguyễn Thu Thủy phân tích.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, thí sinh không bắt buộc phải đặt ưu tiên nguyện vọng 1 với nguyện vọng xét tuyển sớm. Sắp xếp nguyện vọng như thế nào là tùy theo kết quả và mức độ ưu tiên của chính các em.
Bình luận (0)