xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Điểm thi cao, nghi có lỗ hổng

Yến Anh

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã yêu cầu Hà Giang xác minh, báo cáo kết quả thi bị báo chí phản ánh bất thường

Sáng 14-7, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã lên Hà Giang để tìm hiểu nhằm làm rõ vụ điểm thi cao bất thường của tỉnh này.

Khó có thể ngờ 

Nghi vấn điểm cao bất thường không chỉ có ở Hà Giang mà còn rất nhiều địa phương trên cả nước.

Trong danh sách thí sinh (TS)đạt điểm toán từ 9 trở lên tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hưng Yên… có rất nhiều TS học lực chỉ khá hoặc là TS tự do đã tốt nghiệp từ cả chục năm trước, sớm cũng vài năm. Không chỉ đạt điểm cao môn toán, các môn khác trong tổ hợp xét tuyển như lý, hóa, sinh, tiếng Anh… của những TS này cũng ở mức từ 9 điểm trở lên.

Hàng loạt TS tự do của Sơn La đồng loạt được 9 điểm toán, 8 điểm văn và 9,75 điểm sử cũng khiến nhiều người nghi vấn về trình độ của các TS vùng cao này.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay cũng đánh dấu kết quả xuất sắc khó có thể ngờ của các TS tự do. Ví dụ, TS tự do số báo danh 05003353 của Hà Giang có điểm thi toán 9,6; lý 9; tiếng Anh 9,4. TS tự do số báo danh 05000165 của Hải Dương, tốt nghiệp năm 2014, có điểm thi toán 9,2; lý 9,5 và hóa 9,25; ngoại ngữ 9. Hai TS tự do của Tuyên Quang có số báo danh 05000744 và 05000093 (cùng tốt nghiệp năm 2013) đều có điểm toán là 9,2; lý 9,75-9,5 và hóa cùng 9,5...

Điểm thi cao, nghi có lỗ hổng - Ảnh 1.

Thí sinh TP HCM trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tâm lý dễ dãi ở địa phương

Ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, thẳng thắn cho rằng việc không trung thực trong thi cử rất khó ngăn chặn, nhất là khi kết quả, thành tích giáo dục gắn với thành tích lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương. Tình hình phức tạp hơn khi sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT và học lực để xét tuyển ĐH. Người trong cuộc ở địa phương có tâm lý cục bộ dễ dãi. Việc cử giảng viên ĐH về coi thi, giám sát thì tạm yên trí ở khâu coi thi nhưng còn ở các khâu khác chỉ lơ là một chút là có thể phát sinh tiêu cực.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý việc phúc tra với bài thi trắc nghiệm khó tìm được cái gì vì kẻ gian lận chỉ cần dùng bút chì khoanh vào ô theo đáp án, hoàn toàn không để lại bút tích như sửa bài thi theo tự luận... "Kể cả kho niêm phong khóa bằng 2 khóa, mỗi người giữ một chìa và khi mở khóa phải có 2 người nhưng khi họ thông đồng với nhau thì rất khó để nói điều gì sẽ xảy ra" - ông Vinh cho hay.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết đã yêu cầu Hà Giang xác minh, báo cáo kết quả thi bị báo chí phản ánh bất thường. Ông Độ khẳng định nếu phát hiện sai phạm sẽ nghiêm túc xử lý. Theo ông Độ, quy chế thi cũng nêu rõ nếu phát hiện bất thường, Bộ GD-ĐT có thể chấm thẩm định toàn bộ hoặc một phần số bài thi ở địa phương.

Nên rộng sân hơn

Nghi vấn điểm thi cao bất thường ở một số địa phương cũng khiến các chuyên gia đặt câu hỏi liệu kỳ thi THPT quốc gia có bảo đảm 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển sinh ĐH với kết quả thi đầy bất thường như năm nay hay không? Liệu có nên xem xét bỏ kỳ thi THPT quốc gia, giao cho các địa phương tổ chức để kỳ thi nhẹ nhàng hơn? Trên thực tế, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trung bình những năm gần đây đều vượt trên 90% (năm 2018 là 97,5%), thậm chí nhiều địa phương xấp xỉ 100%.

Ông Hoàng Ngọc Vinh cho rằng ghép 2 mục tiêu trong một bài thi với khoảng thời gian rất hạn chế sẽ khó khăn cho TS thể hiện được kiến thức kỹ năng phổ thông do còn phần không nhỏ thời gian nội dung phân loại nâng cao cho mục tiêu xét tuyển ĐH choán chỗ. Thêm vào đó, giáo dục ĐH vốn đa ngành và đòi hỏi năng lực, phẩm chất rất đa dạng đối với người được tuyển chọn, trong khi tổ hợp các môn thi hạn chế khó đáp ứng được phần lớn các yêu cầu này. Như vậy, sẽ bất hợp lý về sư phạm trên bình diện chọn đối tượng phù hợp.

Cũng theo ông Vinh, quyền tự chủ ĐH phải tuân theo Luật Giáo dục ĐH, nên để các trường rộng sân hơn với cách tuyển chọn. 

Mọi thứ rất chặt chẽ!

Ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, quả quyết: "Chúng tôi đã chọn nơi chấm thi yên tĩnh, cơ sở vật chất mới và rất tốt, cách biệt với dân cư. Chúng tôi cũng có nhiều biện pháp nâng cao tính bảo mật, bảo đảm an toàn khách quan như lắp hệ thống camera giám sát. Cửa chúng tôi khóa bằng 2 khóa, trưởng ban chấm thi giữ một chìa, trưởng ban thư ký giữ một chìa".

"Có ý kiến cho rằng có kẽ hở trong bảo quản bài thi, trước khi rọc phách người làm có thể gian lận. Đó là những tình huống mọi người có thể đặt ra nhưng thực tế mọi thứ rất chặt chẽ" - ông phân trần.

. Tiến sĩ HOÀNG NGỌC VINH, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT:

Không "vơ bèo vạt tép"!

Nên để cho sở GD-ĐT tự tổ chức thi tốt nghiệp THPT và đề thi chuẩn sẽ do cơ quan dịch vụ khảo thí cung cấp. Các địa phương có thể thi trong khung thời gian khác nhau với các đề chuẩn. Các trường ĐH có thể lấy toàn bộ hay kết quả từng phần của TS để xét tuyển và thêm tiêu chí phụ tùy theo đặc trưng ngành đào tạo hoặc cũng có thể mua đề thi chuẩn do cơ quan dịch vụ khảo thí cung cấp theo đặt hàng...

Tuy nhiên, thi cử là một chuyện cần đồng bộ với các giải pháp tài chính giáo dục ĐH để bảo đảm không "vơ bèo vạt tép" và tăng cường thanh tra chất lượng bởi các nhóm chuyên gia ngành do bộ tổ chức, mà không phải là thanh tra hành chính bởi những người không có chuyên môn ngành học.

. Tiến sĩ LÊ ĐỨC VĨNH, nguyên Trưởng Bộ môn Toán Học viện Nông nghiệp Việt Nam:

Nên điều tra điểm số dị thường

Thực tế cho thấy thi trắc nghiệm là do máy chấm nhưng tất cả các khâu giám sát đều do con người nên những tình huống như hội đồng chấm thi có sự thông đồng để sửa bài thi trước khi đưa vào máy quét cũng là giả thiết có thể đặt ra.

Bộ GD-ĐT nên điều tra những điểm số dị thường trong kỳ thi năm nay ở một số hội đồng thi có kết quả bất thường, chẳng hạn như : Hà Giang, Sơn La, Phú Thọ, Bạc Liêu và một số tỉnh khác. Dù rằng việc tìm ra sự gian dối trong chấm thi trắc nghiệm là cực kỳ khó khăn.

. Phó giáo sư - tiến sĩ ĐỖ VĂN DŨNG, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM:

Khó bảo đảm công bằng

Kỳ thi THPT quốc gia có ưu điểm là TS được thi tại chỗ, không phải đi xa, điều này tiết kiệm được chi phí cho gia đình các em. Được tổ chức từ năm 2015 nhưng trong 2 năm đầu tiên, kỳ thi do trường ĐH chủ trì, 2 năm nay giao về cho sở GD-ĐT địa phương chủ trì. Mức độ tin cậy về điểm thi của TS trong 2 năm nay cũng giảm dần dù trường ĐH vẫn tham gia ở khâu coi thi.

Với cách làm như của 2 năm 2017, 2018, dù công tác coi thi có nghiêm túc cũng khó bảo đảm công bằng, khách quan vì sở GD-ĐT là đơn vị tổ chức chấm thi, tiêu cực hoàn toàn có thể xảy ra. Chống tiêu cực trong thi cử cần phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó trước tiên là nên tiếp tục để trường ĐH chủ trì trong khâu tổ chức thi và chấm thi như 2 năm đầu.

Nếu vẫn duy trì kỳ thi THPT quốc gia do sở GD-ĐT địa phương chủ trì thì kết quả thi chắc chắn không trung thực, không tin cậy. Ngoài ra, cần có các biện pháp về kỹ thuật như bài tự luận, phần nào TS để giấy trắng cần quy định để giám thị gạch chéo, bài thi trắc nghiệm cần loại việc đánh đáp án bằng bút chì vì việc đánh đáp án bằng bút chì hoàn toàn có thể thay đổi một cách cố ý có chủ đích.

. Thạc sĩ HỨA MINH TUẤN, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing:

Từng bước giao địa phương

Mức độ tham gia của các trường ĐH trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong 4 năm qua đã giảm dần, từ việc giao cho các trường ĐH chủ trì đã chuyển sang các sở GD-ĐT. Nếu đã tin tưởng giao các sở GD-ĐT thì nên tin cho trọn vẹn và Bộ GD-ĐT cần làm tốt khâu quy trình và giám sát để từng bước đơn giản hóa kỳ thi.

Đối với tuyển sinh ĐH, nhiều trường bên cạnh việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia còn tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển theo các phương thức khác nhau. Như Trường ĐH Tài chính - Marketing, năm 2018 cũng có thêm phương thức tuyển thẳng học sinh từ kết quả học bạ. Nếu phương thức xét tuyển bằng học bạ được đánh giá là tốt thì sang năm 2019 tăng tỉ lệ xét tuyển và thậm chí tìm thêm phương thức xét tuyển khác để không phụ thuộc vào kỳ thi THPT quốc gia. Theo hướng này, kỳ thi THPT nên từng bước giao hẳn về cho sở GD-ĐT địa phương để trở nên nhẹ nhàng.

H.THANH - L.ANH - H.LÂN ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo