xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

ĐIỂM TRÚNG TUYỂN ĐẠI HỌC 2022: Y dược "hạ nhiệt", báo chí tăng cao vút!

Yến Anh - Huy Lân

Hàng loạt trường đại học đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển năm 2022. Trong khi khối ngành kinh tế, y dược "hạ nhiệt" thì các ngành báo chí - truyền thông, điểm chuẩn tăng chóng mặt

Trong số những ngành "hot" nhất của các trường đại học (ĐH) vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển ngày 15-9, nhóm ngành báo chí, truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng… có mức điểm cao kỷ lục, thí sinh đạt trên 29 điểm với khối C00 mới có thể trúng tuyển.

29,9 điểm mới có cơ hội thành nhà báo!

Theo thông báo của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, 3 ngành có điểm chuẩn cao nhất là quan hệ công chúng, Hàn Quốc học, Đông phương học - cùng lấy 29,95 điểm. Kế tiếp, ngành báo chí khối C00 với 29,9 điểm.

Theo thông báo của Học viện Ngoại thương, nhóm ngành lấy điểm cao nhất là kinh tế, kinh tế quốc tế với 28,4 điểm ở tổ hợp A00. Năm nay, điểm trúng tuyển các ngành của trường không chênh lệch nhiều, mức điểm thấp nhất là 27,5 của tổ hợp A00 (nhóm ngành luật). Tại Học viện Ngân hàng, ngành có điểm chuẩn cao nhất của trường là luật kinh tế với 28,05 điểm, cao hơn năm 2021 là 0,5 điểm. Hai ngành học lấy điểm chuẩn thấp nhất là kế toán (liên kết quốc tế) và quản trị kinh doanh (liên kết quốc tế) - cùng 24 điểm.

ĐIỂM TRÚNG TUYỂN ĐẠI HỌC 2022: Y dược hạ nhiệt, báo chí tăng cao vút! - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” năm 2022 do Báo Người Lao Động tổ chức Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, ngành lấy điểm chuẩn cao nhất của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là công nghệ thông tin: Kỹ thuật máy tính (28,29 điểm). Trong khi đó, điểm chuẩn vào ngành cao nhất Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là 28,5.

Tại Trường ĐH Kinh tế TP HCM, các ngành đào tạo về kinh doanh, hướng đến các lĩnh vực của thị trường như: kinh doanh quốc tế, marketing, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh doanh thương mại, quản trị kinh doanh, kinh tế đầu tư, bất động sản, kế toán, tài chính - ngân hàng và tài chính quốc tế có điểm chuẩn ở tất cả các phương thức tuyển sinh đều giữ ổn định hoặc tăng nhẹ.

Đặc biệt, năm nay chương trình cử nhân tài năng tiếp tục thu hút nhiều học sinh xuất sắc nộp hồ sơ, khiến cho điểm chuẩn THPT của chương trình đào tạo này tăng vượt trội. Ngành kiểm toán năm nay cũng tạo ra độ "hot" đặc biệt với điểm chuẩn là 27,8, khiến ngành này có điểm trúng tuyển cao nhất của Trường ĐH Kinh tế TP HCM trong năm 2022. Đặc biệt, ngành kinh doanh nông nghiệp có điểm chuẩn tăng vọt - từ 22 điểm năm 2021 lên 25,8 điểm năm nay.

Khối ngành công nghệ neo mức cao

Tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM, điểm chuẩn các ngành đều biến động nhiều so với năm 2021. Cụ thể, ở các nhóm ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học sự sống gần mức điểm sàn; nhóm ngành toán, máy tính, công nghệ thông tin biến thiên khoảng 0-0,5 điểm; nhóm ngành công nghệ và kỹ thuật công nghệ biến động nhiều hơn, khoảng 0-1 điểm. Đặc biệt, năm nay chương trình tiên tiến khoa học máy tính đã có mức điểm chuẩn kỷ lục là 28,2 - tương tự với điểm chuẩn theo phương thức kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM.

ThS Trần Vũ, Trưởng Phòng Thông tin và Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, cho biết khối ngành thuộc lĩnh vực nhóm toán, máy tính và công nghệ thông tin là những ngành có sự thu hút các học sinh giỏi từ mọi miền với tổ hợp phổ biến là A00 (toán - lý - hóa), do phổ điểm này không khác nhiều so với năm ngoái nên điểm chuẩn cũng tăng nhẹ 0,2 - 0,5 điểm, lý do tăng chính vẫn là vì số lượng thí sinh cạnh tranh cao và kết quả của nhóm học sinh giỏi có phần nhỉnh hơn đôi chút so với năm 2021. Với các ngành lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật công nghệ có khoảng biến thiên nhiều nhất so với năm 2021. Lý do vì sự xuất hiện của một số ngành công nghệ mới như công nghệ vật lý điện tử và tin học thu hút sự quan tâm của thí sinh nhưng đồng thời có nhiều ngành sử dụng môn tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển nên khoảng điểm năm nay dao động (cộng trừ) 1-1,5 điểm.

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết so với năm 2021, những ngành điểm chuẩn tăng nhiều như tự động hóa (từ 17 điểm lên 21 điểm), công nghệ sinh học (từ 16,5 lên 21), an toàn thông tin (từ 16 lên 22,5)... thì năm nay nhiều ngành điểm chuẩn giảm như công nghệ thực phẩm giảm 1,5 điểm, quản trị kinh doanh giảm 0,75 điểm; việc giảm là do chỉ tiêu tăng hơn năm 2021. Các ngành giữ nguyên điểm số của năm 2021 như công nghệ môi trường, công nghệ chế biến thủy sản... với điểm trúng tuyển là 16.

Theo lý giải của ThS Phạm Thái Sơn, việc tăng hay giảm này hoàn toàn bình thường như các trường khác. Nhiều ngành điểm chuẩn giảm là do thí sinh biết năm ngoái điểm chuẩn cao nên sợ không trúng tuyển vì vậy không đăng ký; bên cạnh đó, có những ngành tương tự nhưng điểm chuẩn thấp hơn, thu hút nhiều thí sinh đăng ký nên điểm chuẩn cao hơn năm ngoái, ví dụ ngành đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, quản trị kinh doanh thực phẩm (điểm chuẩn năm ngoái là 18 và 20 nhưng năm nay là 20,5 và 21,75). Những ngành thuộc nhóm công nghệ thông tin đang "hot" là do nhu cầu của các doanh nghiệp rất lớn trong khi nguồn cung thiếu.

Điểm chuẩn giảm do điểm tiếng Anh thấp

Theo ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing, điểm chuẩn đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 ở trường có một số ngành giảm từ 0,1 đến 2,5 điểm, như kế toán giảm 0,1 điểm, kinh tế 0,2 điểm, tài chính - ngân hàng 0,6 điểm, marketing 0,4 điểm, kinh doanh quốc tế 0,7 điểm, ngôn ngữ Anh 2,5 điểm…

Tuy nhiên, vẫn có ngành điểm chuẩn tăng, như luật kinh tế tăng 0,4 điểm, toán kinh tế tăng 3,5 điểm ở chương trình chuẩn. Đối với chương trình chất lượng cao tiếng Anh toàn phần thì ngành marketing tăng 0,8 điểm, kinh doanh quốc tế tăng 0,7 điểm. Với mức điểm tăng và giảm ở các chương trình, các ngành vì điểm thi môn tiếng Anh năm nay tương đối thấp so với các năm trong khi các tổ hợp xét tuyển của trường có nhiều tổ hợp có môn tiếng Anh như A01, D01 và D96.

Các chuyên gia nhận định trong phổ điểm thi THPT, nếu so với 2 năm 2021 và 2020 có thể nhận thấy năm nay đa số môn thi đều có khoảng điểm khá giống 2 năm vừa qua, chỉ vài trường hợp năm nay thay đổi khá nhiều, ví dụ môn sinh, môn tiếng Anh và môn sử. Do đó, điểm chuẩn năm nay của các trường cũng ảnh hưởng bởi các tổ hợp có môn tiếng Anh và môn sinh. Điều này thể hiện ở việc các khối ngành lĩnh vực khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, bảo vệ môi trường như sinh học, môi trường... thấp hơn năm vừa rồi khoảng 1 điểm. 

Không ngoài dự đoán

Như dự đoán của các chuyên gia, điểm chuẩn khối y dược năm nay không cao như năm ngoái. Điểm trúng tuyển Trường ĐH Dược Hà Nội năm nay cao nhất là 26 với ngành dược học, thấp nhất là ngành hóa học với 22,95 điểm. Điểm chuẩn của ngành y khoa, Trường ĐH Y Dược - ĐHQG Hà Nội là 27,3 điểm, giảm 0,85 điểm so với năm ngoái. Ngành lấy điểm cao thứ hai là răng - hàm - mặt với 26,4 điểm, giảm 1,1 điểm so với năm 2021. Ngành điều dưỡng của trường có điểm chuẩn đầu vào thấp nhất với 24,25 điểm. Điểm chuẩn ngành y khoa Trường ĐH Y Dược Thái Bình là 26,3 điểm, giảm 0,6 điểm so với năm ngoái; ngành y học dự phòng có điểm chuẩn thấp nhất với 19 điểm.

Tư vấn trực tuyến: Cơ hội cho thí sinh chưa trúng tuyển

Vào lúc 14 giờ ngày 16-9, trong khuôn khổ chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2022, Báo Người Lao Động tổ chức buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề "Xác nhận trúng tuyển và cơ hội xét tuyển bổ sung", với sự tham gia của đại diện nhiều trường ĐH.

Chương trình được tổ chức ngay trong giai đoạn các trường ĐH công bố điểm chuẩn nhằm đánh giá lại mức điểm chuẩn của các phương thức xét tuyển; các tổ hợp, khối ngành của từng trường; kịp thời tư vấn cho thí sinh cách thức xác nhận nhập học khi đạt điểm trúng tuyển; thông tin về cơ hội xét tuyển bổ sung nếu thí sinh chưa đậu đợt xét tuyển này...

Tham gia chương trình tư vấn có: TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM; TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM; ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM; ThS Dương Trần Minh Đoàn, Trưởng Phòng Hướng nghiệp và Tuyển sinh - Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TP HCM; thầy Võ Ngọc Nhơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh - Trường ĐH Công nghệ (HUTECH).

Chương trình được tường thuật trực tuyến trên nld.com.vn. Mời bạn đọc đón theo dõi.

H.Lân

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo