Ngày 30-7, các trường tốp trên như: ĐHQG TP HCM, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM, Trường ĐH Thương mại… công bố điểm sàn xét tuyển vào trường.
Không ngại lấy điểm cao
Theo đó, điểm để nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP HCM là từ 18 trở lên. Điểm nộp hồ sơ nêu trên là điểm tổng cộng kết quả 3 môn thi theo tổ hợp của khối A (toán, lý, hóa), khối A1 (toán, lý, tiếng Anh) và khối D1 (toán, ngữ văn, tiếng Anh); không tính hệ số; áp dụng cho thí sinh tốt nghiệp THPT thuộc khu vực 3 và đối tượng không ưu tiên. Trường cũng đã ra thông báo cách thức xét tuyển, tiêu chí phụ xét tuyển. Điểm chuẩn trúng tuyển vào trường là điểm chung theo tổ hợp môn xét tuyển cho tất cả các ngành. Trong trường hợp nhiều thí sinh có cùng điểm xét tuyển và vượt chỉ tiêu tuyển sinh của trường thì sẽ ưu tiên xét tuyển thí sinh có điểm môn toán cao hơn cho đến đủ chỉ tiêu; nếu số này vẫn còn thừa so với chỉ tiêu, trường tiếp tục ưu tiên xét tuyển các thí sinh có điểm môn tiếng Anh từ điểm cao xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhận hồ sơ thí sinh đối với các ngành đào tạo bậc ĐH là 17 và 21 điểm. Cụ thể, có 5 ngành xét từ điểm sàn 17, gồm: Y tế công cộng, điều dưỡng (có 20 chỉ tiêu chuyên ngành gây mê hồi sức), xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, khúc xạ nhãn khoa; 2 ngành xét thí sinh có điểm sàn từ 21: Y đa khoa và răng hàm mặt. Trường chỉ xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu tại TP HCM. Đối với ngành khúc xạ nhãn khoa, điểm kỳ thi THPT quốc gia môn Anh văn đạt từ điểm 7 trở lên mới đủ điều kiện xét tuyển chính thức.
Cùng ngày, ĐHQG TP HCM đã thống nhất ngưỡng điểm tối thiểu áp dụng chung cho toàn bộ ĐH này năm 2015. Theo đó, thí sinh dự thi THPT quốc gia tại các cụm thi do trường ĐH chủ trì, không có môn nào trong tổ hợp xét tuyển bị điểm từ 1 trở xuống; có tổng điểm 3 môn theo tổ hợp (chưa nhân hệ số) đạt từ 15 điểm trở lên được xét tuyển vào bậc ĐH và 12 điểm xét vào CĐ. Thí sinh còn phải có hạnh kiểm từ loại khá trở lên (xét học kỳ 1 lớp 12) và điểm trung bình tổng cộng 5 học kỳ đầu THPT từ 6,5 điểm trở lên (bậc ĐH) và 6 điểm trở lên (bậc CĐ).
Một trường tốp trên của phía Bắc là ĐH Thương mại cũng thông báo nhận thí sinh có điểm thi từ 17 trở lên và không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1 điểm trở xuống. Thí sinh trúng tuyển là những thí sinh đạt mức điểm sàn theo quy định của trường theo từng tổ hợp môn xét tuyển và theo từng ngành/chuyên ngành đào tạo. Thí sinh đạt điểm sàn của trường nhưng không trúng tuyển vào ngành/chuyên ngành đào tạo đã đăng ký được đăng ký chuyển sang ngành/chuyên ngành đào tạo khác có cùng tổ hợp môn xét tuyển và còn chỉ tiêu tuyển sinh.
Nhiều trường vẫn giữ mức “an toàn”
Trong khi các trường tốp trên tự tin lấy điểm “chót vót”, nhiều trường vẫn giữ điểm ở mức bằng sàn theo quy định của bộ để thu hút thí sinh. Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM đưa ra mức điểm xét tuyển ĐH và CĐ từ mức sàn trở lên; trường sẽ xét tuyển từ cao xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu. Tương tự, các trường: ĐH Kiến trúc TP HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Sư phạm TP HCM, ĐH Thủ Dầu Một thông báo sàn xét tuyển các ngành là 15.
Phía Bắc, Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định thông báo sẽ nhận hồ sơ xét tuyển với thí sinh có tổng điểm 3 môn của tổ hợp xét tuyển từ 15 điểm trở lên và không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1 điểm trở xuống. Trường cũng cho biết trong 600 chỉ tiêu ĐH điều dưỡng chính quy, dự kiến sẽ xét tuyển 80% chỉ tiêu từ tổ hợp truyền thống toán - hóa - sinh. Còn lại, 10% chỉ tiêu sẽ xét tuyển với tổ hợp toán - ngữ văn - hóa và 10% chỉ tiêu xét tuyển đối với tổ hợp toán - ngữ văn - sinh.
Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, Trường ĐH Lâm nghiệp xét tuyển những thí sinh có điểm từ 15 trở lên và không có môn thi nào trong số 3 môn thi xét tuyển từ 1 điểm trở xuống. Cùng mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển đối với ĐH là 15, Trường ĐH Nông Lâm Bắc Giang thông báo thêm mức điểm xét tuyển đối với bậc CĐ là 12.
Học viện An ninh Nhân dân cho hay sẽ xét tuyển nguyện vọng 1 vào bậc ĐH với những thí sinh từ 15 điểm trở lên. Trường sẽ xét tuyển theo phương thức lấy điểm thi từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu. Nếu không trúng tuyển, thí sinh sẽ được chuyển hồ sơ xuống hệ CĐ và trung cấp an ninh. Đối với hệ công an, các thí sinh phải qua sơ tuyển tại địa phương trước đó và đã đăng ký nguyện vọng vào học viện từ khi sơ tuyển.
Học viện Cảnh sát Nhân dân cũng tuyển sinh hệ dân sự từ 15 điểm trở lên. Hệ công an cũng sẽ xét tuyển các thí sinh đã qua sơ tuyển, đăng ký vào trường từ trước với mức 15 điểm trở lên và lấy từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Trường này đã nhận được 26.000 hồ sơ sơ tuyển vào trường.
Trường ĐH Phòng cháy Chữa cháy, hệ dân sự, lấy ngưỡng xét tuyển là từ 15 điểm, tuyển sinh từ cao xuống thấp. Hệ ĐH nhận hồ sơ của thí sinh đã qua sơ tuyển từ hệ thống công an các tỉnh. Trong khi đó, Học viện Biên phòng nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh từ 17 điểm trở lên. Trường chỉ tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của các thí sinh đã qua sơ tuyển và nộp hồ sơ sơ tuyển về Học viện Biên phòng.
Còn Trường ĐH Điện lực sẽ nhận hồ sơ xét tuyển đối với thí sinh có kết quả thi THPT quốc gia do các trường ĐH tổ chức có mức điểm từ 16 trở lên đối với hệ ĐH và 12 đối với hệ CĐ. Ngoài ra, trường cũng sẽ lên phương án xét tuyển đồng thời kết quả học tập lớp 12 THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT (với 100 chỉ tiêu hệ ĐH và 50 chỉ tiêu hệ CĐ). Những thí sinh dự xét tuyển này phải bảo đảm 2 điểm trung bình chung lớp 12 có nhân hệ số các môn quy định đối với từng ngành học của thí sinh đạt 6 điểm trở lên đối với trình độ ĐH và đạt 5,5 đối với trình độ CĐ.
Thí sinh “như lửa đốt” do giấy báo điểm về muộn
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ ngày 1 đến 20-8, thí sinh cầm giấy báo điểm đi xét tuyển nguyện vọng 1 tại các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, việc gửi giấy báo điểm về muộn khiến nhiều thí sinh lo lắng.
Chiều 30-7, chúng tôi liên lạc với Sở GD-ĐT TP HCM để hỏi việc có bao nhiêu trường THPT chưa nhận được giấy báo điểm, một đại diện của Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết học sinh của 14 trường THPT chưa nhận được phiếu báo điểm. Đây là những thí sinh thi ở cụm thi do ĐHQG TP HCM chủ trì. Theo lịch hẹn, 16 giờ cùng ngày, ĐHQG sẽ giao toàn bộ giấy báo điểm cho thí sinh của 14 trường THPT này. Các cụm thi khác đã chuyển giấy báo điểm từ vài ba ngày nay.
Theo đại diện trên, năm nay, ĐHQG tổ chức cho 24.000 thí sinh. Ngoài việc in, còn phải đóng dấu giấy báo điểm cho thí sinh, mà con dấu lại chỉ có 1 nên việc chuyển giấy báo điểm trễ cũng cần được thông cảm. Hơn nữa, cũng nên coi thí sinh ở TP HCM là “người nhà”, phải ưu tiên gửi giấy báo điểm cho thí sinh của tỉnh bạn trước.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết đơn vị này tổ chức kiểm dò từng phiếu điểm nên hơi muộn so với các đơn vị khác nhưng vẫn kịp thời gian.
Đại diện một cụm thi khác tại TP HCM cho rằng các cụm thi được Bộ GD-ĐT giao tổ chức thi, chấm điểm rồi gửi dữ liệu về Bộ GD-ĐT nhưng bộ lại kiểm soát thời gian in phiếu báo điểm. Theo kế hoạch, bộ mở chức năng in phiếu điểm vào ngày 22 nhưng sau đó lại thay đổi mẫu. Đến ngày 24-7, các cụm thi mới bắt đầu in nhưng lại gặp trục trặc nghẽn mạng nên có nơi phải thức đêm để in phiếu và đóng dấu, lẽ ra bộ không nên quản mà để các cụm in phiếu điểm càng sớm càng tốt.
Bình luận (0)