Cụ thể, học phí ngành y khoa từ 14,3 triệu đồng lên 55 triệu đồng/năm, tăng gần 4 lần. Đây cũng là ngành thu học phí cao nhất trong các ngành đào tạo hệ đại trà. Ngành dược có học phí 51 triệu đồng/năm (tăng 36,7 triệu so với năm ngoái). Các ngành còn lại thu 27,6 triệu đồng, tăng 13,3 triệu đồng.
Năm 2023, Trường ĐH Y Dược TP HCM dự kiến mức thu học phí cao nhất tới 77 triệu đồng/năm. Trong 4 ngành đào tạo, ngành răng - hàm - mặt có mức học phí cao nhất 77 triệu đồng/năm, thứ hai là ngành y khoa 74,8 triệu đồng/năm. Mức tăng mạnh nhất của trường này là ngành y tế công cộng với 45 triệu đồng/năm, tăng 8 triệu đồng so với học phí năm ngoái. Các ngành điều dưỡng, điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức, hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, dinh dưỡng thu học phí 41,8 triệu đồng/năm, tăng 4,8 triệu đồng.
Trường ĐH Dược Hà Nội dự kiến thu học phí 18,5-49,5 triệu đồng mỗi năm. Trong đó, hai ngành học truyền thống là hóa dược và dược học dự kiến áp dụng mức học phí mới theo Nghị định 81 của chính phủ, lần lượt là 18,5 và 24,5 triệu đồng/năm. Mức này cao hơn 4,2 và 10,2 triệu đồng so với mức hiện hành. Với hệ chất lượng cao ngành dược học, trường thu 49,5 triệu đồng, cao hơn 4,5 triệu đồng.
Sinh viên đóng học phí tại Trường ĐH Kinh tế TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Trường ĐH Y Dược Cần Thơ dự kiến thu học phí bình quân 37,6 triệu đồng, tăng so với mức 24,6 triệu đồng đang áp dụng. Trong khi đó, Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến tăng học phí gấp đôi - hệ đại trà 506.900 đồng/tín chỉ (tăng hơn 224.000 đồng/tín chỉ so với năm trước). Hệ chất lượng cao cũng tăng 1,5 triệu đồng/tín chỉ, so với mức cũ 771.000 đồng/tín chỉ. Tổng cả khóa 4 năm học, sinh viên phải hoàn thành 143 tín chỉ, tương đương 72,5 triệu đồng tiền học.
Theo Nghị định 81 của Chính phủ ban hành năm 2021, từ năm học 2022-2023, các cơ sở giáo dục công lập được tăng học phí theo lộ trình. Theo đó, mức trần học phí với các trường ĐH chưa tự chủ là 14,1 - 27,6 triệu đồng năm, tùy từng khối ngành. Các trường tự chủ được thu mức tối đa bằng hai lần mức trên (28 - 55 triệu đồng năm). Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ đã đề nghị các đơn vị tạm dừng tăng học phí để hỗ trợ sinh viên. Năm nay, hoạt động kinh tế trở lại bình thường, các trường ĐH thực hiện tăng học phí. Tuy nhiên, việc tăng học phí cao gấp nhiều lần có thể khiến các sinh viên nghèo rơi vào tình cảnh khó khăn.
Để bảo đảm quyền lợi cho cả các trường và sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2021 về mức thu học phí tại các cơ sở giáo dục quốc dân, trong đó, đề xuất điều chỉnh lộ trình học phí theo hướng lùi thêm 1 năm so với lộ trình cũ tại Nghị định 81 của Chính phủ, tức sẽ áp dụng từ năm học 2023-2024.
Bình luận (0)