ĐH Quốc gia Hà Nội ngay lập tức có những phản ứng gay gắt trước bản kết luận này. Ông Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, trao đổi với báo chí rằng kết luận có nhiều điểm không chuẩn xác, mang tính quy kết. Theo lý giải của ông Giang, nói chương trình không được xác nhận tư cách pháp nhân nhằm ám chỉ chưa được Bộ GD-ĐT xác nhận. Nhưng thực tế, giám đốc ĐH Quốc gia được Chính phủ cho phép chịu trách nhiệm trong hợp tác quốc tế, nghĩa là có quyền thẩm định tư cách pháp nhân của đối tác, không phải thông qua Bộ GD-ĐT. Thêm vào đó, nhà trường cũng cho rằng các chương trình liên kết đều do ĐH nước ngoài cấp bằng nên không thể quy định thực hiện theo quy chế đào tạo trong nước.
Rõ ràng, độ vênh trong việc hiểu và vận dụng luật ở đây không phải nhỏ. Thanh tra có lý của thanh tra: việc ĐH Quốc gia Hà Nội cho phép học viên cao học (học viên chương trình định hướng thực hành) chỉ làm tiểu luận là không phù hợp với quy định của Luật Giáo dục và quy định của Bộ GD-ĐT. Việc lãnh đạo nhà trường cho phép một trung tâm được tổ chức phối hợp đào tạo trình độ ĐH, sau ĐH và việc bổ nhiệm giám đốc, phó giám đốc ETC cũng sai quy định. Trong khi đó, ĐH Quốc gia Hà Nội lại hiểu luật theo cách riêng của mình, quyết liệt phản đối kết luận thanh tra. Trên thực tế, việc liên kết đào tạo với nước ngoài mang lại nguồn thu không nhỏ cho các trường và vì món lợi ấy, các trường đua nhau liên kết, đến mức dư luận phải lên tiếng là “loạn”.
Thiệt thòi cuối cùng chính là các học viên, những người bỏ thời gian và khoản tiền lớn để theo học chương trình liên kết lại đứng trước nguy cơ bằng cấp của mình không được công nhận. Cho dù Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu Bộ GD-ĐT xử lý phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho các học viên đối với số văn bằng cử nhân, thạc sĩ do đối tác nước ngoài liên kết đào tạo với ETC đã cấp cho học viên cũng như số bằng thạc sĩ của Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cấp chưa phù hợp quy định thì đây vẫn là bài học lớn cho các trường cũng như các học viên trong cuộc đua liên kết đào tạo với nước ngoài.
Bình luận (0)