Sáng 27-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về tờ trình đề án Đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông.
Đấu giá bản quyền SGK
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận cho biết đề án lần này sẽ đổi mới nhiều vấn đề của chương trình - SGK phổ thông. Bộ thực hiện chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK, trong đó chỉ có chương trình là mang tính pháp lý (hiện nay cả chương trình và SGK đều mang tính pháp lý), còn SGK là tài liệu quan trọng cùng với các tài liệu khác để học sinh học tập. Theo Bộ GD-ĐT, điều này sẽ huy động được trí tuệ, sự sáng tạo của các tổ chức, cá nhân trong biên soạn SGK; đáp ứng nhu cầu đa dạng của giáo viên và học sinh trong sử dụng SGK và các tài liệu; triệt bỏ độc quyền trong SGK; phù hợp với trình độ học sinh từng vùng miền.
Bộ GD-ĐT cũng cho hay sẽ tham gia biên soạn một bộ SGK cùng các tổ chức, cá nhân khác. Phương án này có thể làm các tổ chức, cá nhân e ngại không biên soạn SGK nữa vì không muốn “đụng” vào SGK của bộ. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng Bộ GD-ĐT không chủ trương có một bộ SGK duy nhất mà hướng tới có nhiều bộ SGK. Các trường sẽ thảo luận để lựa chọn bộ SGK cho từng môn học trên cơ sở ý kiến của giáo viên, hội đồng chuyên môn, phụ huynh. Việc biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới sẽ do bộ ban hành nhưng khuyến khích các địa phương có hướng dẫn phù hợp với đặc điểm của địa phương. Bộ sẽ tổ chức bán đấu giá bản quyền cho các nhà xuất bản để phát hành bộ sách của mình.
Về khái toán kinh phí thực hiện chương trình SGK mới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay cần khoảng 462 tỉ đồng để tập huấn cho đội ngũ biên soạn SGK, kể cả lực lượng của các tổ chức, cá nhân viết SGK; thẩm định SGK. Bộ dự kiến trong thời gian đầu có 4 bộ SGK, của cả bộ và các tổ chức, cá nhân biên soạn. Sau khi Bộ GD-ĐT biên soạn bộ SGK, sẽ tiến hành bán đấu giá bản quyền để các nhà xuất bản thực hiện, kinh phí thu được từ bán bản quyền sẽ nộp ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, sẽ cần thêm 316,8 tỉ đồng để biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương; cung cấp kinh phí tập huấn cho địa phương, ghi hình bài giảng phát trên mạng; hỗ trợ tập huấn cho giáo viên ở vùng khó khăn. Như vậy, tổng cộng kinh phí để triển khai đề án chương trình - SGK mới là 778,8 tỉ đồng. Trong đó, 504,4 tỉ đồng là ngân sách trung ương, 274,4 tỉ đồng từ ngân sách địa phương. Tuy nhiên, có thể còn phát sinh thêm.
Phải quy định chặt chẽ biên soạn, thẩm định
Thảo luận về tờ trình đề án Đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt câu hỏi liệu Bộ
GD-ĐT vừa tham gia biên soạn bộ SGK vừa thẩm định thì có khách quan hay không?”. Để có một bộ SGK chuẩn, huy động được trí tuệ, sáng tạo của các tổ chức, cá nhân, ông Phúc đề nghị Bộ GD-ĐT không biên soạn mà chỉ thẩm định và chọn ra một bộ chuẩn để dạy và học, còn lại các bộ khác chỉ là sách tham khảo. Theo ông Phúc, làm như vậy thì sẽ có 1 bộ SGK chuẩn, khách quan, đồng thời giảm được chi phí.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lại ủng hộ việc Bộ GD-ĐT và các tổ chức, cá nhân cùng tham gia biên soạn SGK. Theo ông, Bộ GD-ĐT cũng là một chủ thể tham gia quá trình biên soạn SGK, lại có nhiều kinh nghiệm. “Các bộ SGK sẽ do Hội đồng Thẩm định quốc gia thẩm định độc lập, vì thế không sợ thiếu khách quan. Bộ GD-ĐT tham gia biên soạn để bảo đảm tính chủ động, mặt khác, cũng không làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trong biên soạn SGK” - ông Lưu nói.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đặt câu hỏi nếu Bộ GD-ĐT cũng viết SGK mà các trường không chọn SGK của bộ thì sao? Lúc đó bao nhiêu tiền đổ cho Bộ GD-ĐT biên soạn thì tính thế nào?
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chính phủ ban đầu chủ trương 2 phương án biên soạn SGK, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu Bộ GD-ĐT không làm SGK thì tính chủ động không có. Nếu đến thời điểm mà không có bộ SGK nào đạt chuẩn thì sao? Do đó, đa số ý kiến đề xuất chỉ nên trình ra Quốc hội phương án là Bộ GD-ĐT cùng tham gia biên soạn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng ý với phương án một chương trình nhiều SGK nhưng phải quy định chặt chẽ về cách biên soạn, thẩm định để bảo đảm sau này khi nghị quyết ban hành là thực hiện được. Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, dự thảo nghị quyết vẫn chỉ như lời bình, còn quá đơn giản, vì thế cần soạn lại, trong đó tập trung vào chương trình - SGK. “Chốt gần 800 tỉ, sau này thành vài ngàn tỉ đồng thì tính sao? Từ 34.000 tỉ đồng còn gần 800 tỉ đồng, tôi sợ quá! Vì thế, có cần chốt con số không hay đưa ra hạng mục và hằng năm Chính phủ duyệt để làm?” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn.
Cân nhắc triển khai đại trà
GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho hay ủy ban nhất trí với chủ trương sử dụng nhiều SGK cho mỗi môn học; xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản SGK phổ thông một cách hợp lý và có điều kiện. Ủy ban đồng ý Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK bảo đảm sự chủ động về thời gian công việc và kiểm soát được chất lượng nội dung cần thiết.
Về lộ trình triển khai thực hiện đổi mới chương trình - SGK, GS Thi cho rằng việc triển khai đại trà chương trình - SGK mới cần cân nhắc hợp lý. Đối với cấp tiểu học có thể thực hiện đồng thời ở tất cả các lớp nhưng đối với cấp THCS, THPT thì cần theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học.
Sử dụng SGK mới từ năm 2018
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, lộ trình thực hiện chương trình - SGK mới sẽ chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (tháng 1-2015 đến tháng 6-2017) sẽ chuẩn bị các điều kiện để xây dựng; giai đoạn 2 (tháng 7-2017 đến tháng 6-2018) sẽ xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan và bán đấu giá bản quyền bộ SGK do bộ thực hiện; giai đoạn 3 (tháng 7-2018 đến tháng 12-2021) sẽ triển khai áp dụng chương trình mới, bắt đầu từ năm học 2018-2019.
Bình luận (0)