Từ năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã hướng dẫn một số nội dung thực hiện giáo dục STEM và tổ chức, quản lý hoạt động này trong trường trung học. Theo đó, tùy vào đặc thù từng môn học và điều kiện cơ sở vật chất, các trường có thể áp dụng linh hoạt các hình thức tổ chức giáo dục STEM.
Tạo hứng thú, khơi gợi sự tìm tòi
Theo Bộ GD-ĐT, tùy vào đặc thù từng môn học và điều kiện cơ sở vật chất, các trường có thể áp dụng linh hoạt hình thức tổ chức giáo dục STEM như bài học STEM, hoạt động trải nghiệm STEM hay làm quen với nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.
Một giờ học STEM của học sinh TP HCM
Giáo viên nhà trường chủ động thiết kế các bài học STEM để triển khai trong quá trình dạy các môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận tích hợp nội môn hoặc tích hợp liên môn. Các trường cũng tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM thông qua hình thức câu lạc bộ hoặc các hoạt động trải nghiệm thực tế; được tổ chức thực hiện theo sở thích, năng khiếu và lựa chọn của học sinh một cách tự nguyện.
Nhà trường có thể tổ chức các không gian trải nghiệm STEM trong trường; giới thiệu thư viện học liệu số, thí nghiệm ảo, mô phỏng, phần mềm học tập để học sinh tìm hiểu, khám phá các thí nghiệm, ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong thực tiễn đời sống. Tăng cường sự hợp tác giữa nhà trường với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các thành phần kinh tế - xã hội khác và gia đình để tổ chức hiệu quả các hoạt động trải nghiệm STEM phù hợp với các quy định hiện hành.
Tại TP HCM, việc linh hoạt áp dụng các hình thức giáo dục STEM được nhiều trường triển khai từ khá lâu, tùy theo điều kiện từng địa phương. Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, cho biết phòng tổ chức ngày hội STEM, xem đây là một hoạt động thường niên mà đơn vị duy trì, đẩy mạnh.
Theo ông Nguyên, thông qua các hoạt động trong ngày hội, học sinh được tiếp cận gần hơn với các dự án STEM, trải nghiệm các hoạt động khoa học, kỹ thuật, từ đó nuôi dưỡng tinh thần đổi mới sáng tạo và phát triển bản thân. Ở góc độ quản lý, theo ông Nguyên, đây cũng là sân chơi để các trường học trên địa bàn có cơ hội học tập, chia sẻ kinh nghiệm triển khai giáo dục STEM một cách hiệu quả.
Ông Nguyên cho rằng STEM không phải là những gì quá cao siêu, lớn lao hay phải cần cơ sở vật chất hoành tráng, đồ sộ. STEM là kết hợp các môn để giải quyết vấn đề, đúng với tinh thần dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh như mục tiêu đổi mới giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Mô hình học tập gắn với thực tế
Theo các chuyên gia giáo dục, nếu triển khai STEM đúng với bản chất thì đây là phương thức giáo dục phù hợp với định hướng đổi mới của Chương trình GDPT 2018.
GS-TSKH Đỗ Đức Thái - thành viên Ban Phát triển Chương trình GDPT tổng thể, Chủ biên Chương trình môn toán - nhấn mạnh STEM là phương thức giáo dục tích hợp theo cách tiếp cận liên môn (interdisciplinary) và thông qua thực hành, ứng dụng. Thay vì dạy 4 môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Trong mỗi bài học theo chủ đề STEM, học sinh được đặt trước một tình huống có vấn đề thực tiễn cần giải quyết liên quan các kiến thức khoa học. Học sinh phải tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức thuộc các môn học liên quan, sử dụng chúng để giải quyết vấn đề đặt ra với tinh thần sáng tạo.
Giáo dục STEM khơi gợi hứng thú, sự tìm tòi sáng tạo của người học
PGS-TS Lê Huy Hoàng - nguyên Trưởng Khoa Sư phạm Kỹ thuật Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, chủ biên môn công nghệ trong Chương trình GDPT 2018 - nhận định STEM là tổng thể các chính sách, hoạt động thúc đẩy GD-ĐT về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học ở các cấp độ giáo dục. Từ đó, thu hút sự quan tâm, nâng cao hứng thú và chất lượng học tập của học sinh trong các lĩnh vực, hướng tới mục tiêu định hướng nghề nghiệp, phân luồng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học - Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về việc thực hiện hoạt động giáo dục STEM đối với cấp tiểu học, việc thực hiện bài học STEM được tích hợp vào các môn chính khóa là nhiệm vụ của giáo viên và nhà trường.
Ví dụ, giờ học môn toán thì thầy cô có nhiệm vụ thực hiện tích hợp liên môn theo hướng bài học STEM để dạy cho học sinh dễ hiểu, dễ vận dụng và hào hứng hơn theo đúng tinh thần Chương trình GDPT 2018. Đây là hoạt động chính khóa, là nhiệm vụ của nhà trường, của giáo viên và đã được Bộ GD-ĐT hướng dẫn, tập huấn.
Sắp xếp thời khóa biểu khoa học
Bà Lâm Hồng Lãm Thúy cho biết hoạt động trải nghiệm STEM được triển khai theo hình thức câu lạc bộ và theo nhu cầu người học. Thời khóa biểu cho các hoạt động này cần được sắp xếp một cách khoa học, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng học sinh, hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi tiểu học, không được gây quá tải cho học sinh.
Bình luận (0)