Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, trong năm học mới 2022-2023, sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới kiểm tra, đánh giá bằng nhiều hình thức để đánh giá chính xác năng lực học sinh (HS).
Giáo dục HS phẩm chất trung thực
ThS Lê Thị Hồng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8), với mục tiêu trọng tâm của năm học là "Học để làm người con hiếu thảo, trung thực, trách nhiệm, thấu hiểu công ơn và hành động để thể hiện lòng biết ơn", nhà trường đã cụ thể hóa chủ đề năm học bằng việc ứng dụng bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường, phát huy học hiệu của ngôi trường mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Theo bà Lê Thị Hồng Anh, giáo dục đạo đức học trò, trong đó có giáo dục lòng trung thực, không phải là điều gì quá to lớn. Có thể đó là những việc làm nhỏ, thiết thực, bài học, gương sáng thực mà nhân vật trong câu chuyện chính là giáo viên (GV), nhân viên, HS trong trường hoặc gia đình các em. Hoặc là một bài học ứng xử với người lớn tuổi, một tấm gương HS chăm sóc cha mẹ, ông bà; một câu chuyện về bảo vệ môi trường... Vừa qua, dự án 100 Audio Book những câu chuyện văn hóa thường thức của HS nhà trường là dự án được kể lại, ghi lại những việc làm cụ thể, văn minh, đời thường có sức lan tỏa thông qua việc thật, hành động thật, tấm gương thật của thầy trò nhà trường. Các câu chuyện sẽ được thể hiện bằng clip, bằng hình ảnh, lời kể và được số hóa để có thể lan tỏa đến nhiều người. "Dự án lan tỏa giúp mọi người hiểu và cảm nhận việc dạy học luôn là hạnh phúc đối với người thầy, còn với các em HS - người thụ hưởng kiến thức - ngày càng trân quý và gắng sức tiếp thu" - bà Hồng Anh cho biết.
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2022-2023 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã đặt vấn đề về xây dựng nền giáo dục thực chất, trong đó giáo dục HS phẩm chất trung thực. Để thực hiện điều này, Sở GD-ĐT thành phố đã chỉ đạo xậy dựng kế hoạch nhà trường với những mục tiêu, định hướng phấn đấu phù hợp với thực tiễn của nhà trường, hướng đến các chỉ số thực chất. Tích cực xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực, xây dựng văn hóa học đường, không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nâng cao hơn nữa hiệu quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện phong trào mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo. "Các nhà trường cũng có nhiệm vụ triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình hiện hành hướng tới hình thành 5 phẩm chất và 10 năng lực trong đó có phẩm chất trung thực" - ông Quốc nhấn mạnh.
Nhiều trường tại TP HCM thực hiện đổi mới kiểm tra để đánh giá đúng năng lực học sinh. Ảnh: TẤN THẠNH
Tiếp tục đổi mới kiểm tra, đánh giá
Hướng đến nền giáo dục thực chất, theo các chuyên gia và nhà giáo, việc kiểm tra, đánh giá là một trong những thước đo quan trọng. Ông Nguyễn Bảo Quốc cho rằng Sở GD-ĐT thành phố sẽ đẩy mạnh đổi mới kiểm tra, đánh giá bằng nhiều hình thức để đánh giá chính xác năng lực HS, giúp HS phát huy tốt nhất năng lực hiện tại; tăng cường giáo dục kỹ năng, giáo dục pháp luật, tổ chức nhiều hoạt động tập thể, kỹ năng sống để nâng cao khả năng chấp hành nội quy, quy định pháp luật, nâng cao tư duy phản biện; thường xuyên tổ chức tuyên dương, khen thưởng các cá nhân tập thể tiêu biểu, gương người tốt việc tốt…
Ông Nguyễn Viết Đăng Du, GV Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), cho rằng kiểm tra, đánh giá hiện nay hướng đến nhiều kỹ năng của HS thay vì cách đánh giá trước đây chỉ hướng đến năng lực ghi nhớ của các em. Kiểm tra, đánh giá dù chỉ là một phần nhỏ trong việc hướng đến giáo dục thực chất nhưng rất quan trọng. Muốn vậy, theo ông Du, GV cũng phải đổi mới, đó là khi chuyển sang đánh giá năng lực, phẩm chất của HS thì GV phải xác định đang muốn đánh giá năng lực gì của các em. "Đơn cử, các bài kiểm tra trước đây chỉ hướng đến đánh giá năng lực ghi nhớ của HS nên thường bắt các em học thuộc lòng. Những em không có khả năng thuộc lòng buộc phải gian lận để đạt kết quả. Và khi gian lận thành công sẽ tạo ra tư tưởng tiếp tục gian lận trong các kỳ kiểm tra khác nên hiện nay, cách đánh giá sẽ đổi mới, hướng đến nhiều kỹ năng và chú trọng đến việc HS dùng những kiến thức đã học và chuyển hóa nó như thế nào. HS không cần học thuộc lòng vẫn có thể tìm kiến thức trên mạng, từ đó tạo ra các sản phẩm và GV sẽ dựa vào đó để đánh giá" - ông Du nói.
Cần hỗ trợ của công nghệ
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, trong xu thế chuyển đổi số thì chuyển đổi số trong giáo dục là tất yếu. Do vậy, việc tổ chức dạy học trực tiếp có sự hỗ trợ của công nghệ, của các nền tảng số sẽ giúp thầy cô có thể chủ động hỗ trợ HS chuẩn bị trước khi bắt đầu học tập; hỗ trợ giao nội dung, thực hiện trong và sau khi học tập, tổ chức thực hiện không gian thảo luận có quản lý của GV để đánh giá, giúp quản lý và lưu trữ... Điều này thể hiện rõ trong các mục tiêu phấn đấu dạy học trực tiếp trong chuyển đổi số của ngành giáo dục toàn quốc và TP HCM.
Bình luận (0)