Sáng 22-5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã ký quyết định thu hồi đề án Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020" với kinh phí đến 750 tỉ đồng, ngay sau khi báo chí thông tin về đề án này.
Không đủ khả năng phản biện, "chữa cháy"
Bộ GD-ĐT cho hay sau khi có thông tin từ các báo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo kiểm tra lại nội dung đề án. Bộ xét thấy nội dung về tài chính được tính toán tích hợp từ nhiều nguồn liên quan, có sự trùng lắp; một số nội dung thiếu khả thi; một số khoản mục là chi phí gián tiếp chứ không trực tiếp cho hoạt động tổ chức thi.
Do vậy, Bộ trưởng GD-ĐT đã chỉ đạo thu hồi đề án để tiếp tục hoàn thiện. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu bộ phận soạn thảo nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xây dựng các đề án, dự án, đặc biệt là khi tính toán các nội dung về tài chính.
Việc Bộ GD-ĐT vội vã thu hồi đề án làm dấy lên nhiều nghi ngờ về cách đổi mới giáo dục của bộ này. "Thực sự không hề yên tâm với cách đổi mới giáo dục mà Bộ GD-ĐT đang làm" - TS Minh Quang, giảng viên một trường ĐH ở Hà Nội, nhận xét. Theo TS Quang, việc Bộ GD-ĐT cho rằng "bộ phận soạn thảo đã đưa vào khái toán nhiều khoản kinh phí không trực tiếp cho hoạt động tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ đã dẫn đến sự không thống nhất trong cách hiểu" là không trung thực với xã hội và người dân.
Một chuyên gia nguyên là vụ trưởng của Bộ GD-ĐT cho rằng bản thân đề án và thông báo thu hồi đề án cho thấy việc xây dựng đề án xác định không trúng vấn đề của kỳ thi THPT, thiếu cơ sở khoa học, thiếu mạch lạc, dẫn đến sự trùng lắp các hoạt động. Thông báo thu hồi quyết định phê duyệt đề án có nói kỳ thi vừa qua tốt, xã hội hài lòng..., vậy thì có cần đề án hay không, nên đặt ra để tránh lãng phí ngân sách.
Theo vụ trưởng này, việc ban hành đề án và rút lại cho thấy tầm nhìn của người thiết kế rất hạn chế, chuẩn bị cẩu thả, làm việc không chuyên nghiệp. Vì thế, khi dư luận phản ứng thì không đủ khả năng phản biện, bảo vệ chính kiến. Xem ra, Bộ GD-ĐT chưa rút ra được bài học kinh nghiệm khi thiết kế dự án - cần lựa chọn chuyên viên để xây dựng đề án và nên đưa lên website để mọi người góp ý rộng rãi thì sẽ bảo đảm tính khả thi. Nếu có ý giấu kín thì rất dễ xảy ra những rủi ro không mong muốn và ngân sách nhà nước dễ thất thoát một khi đề án được thực hiện.
"Sự thiếu mạch lạc trong khái toán kinh phí khiến dư luận đặt nghi vấn về cái tâm của người xây dựng đề án, để lại những kẽ hở sau này. Qua đây cũng thấy tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về tiết kiệm chi ngân sách công chưa được thấm nhuần ở Bộ GD-ĐT, họ bỏ ngoài tai những cảnh báo và chỉ khi báo chí vào cuộc thì mới đi chữa cháy là không ổn" - chuyên gia này phân tích.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
"Vẽ" nhiều khoản chi
Theo đề án đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ ký ban hành ngày 17-4, trong 3 năm 2018-2020, số tiền chi cho việc đổi mới thi là khổng lồ.
Cụ thể, năm 2018, dự toán kinh phí cho riêng việc tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH là 151 tỉ đồng. Trong đó, riêng việc tổ chức thi là 34 tỉ đồng, ra đề thi 31 tỉ đồng; chi phí thuê địa điểm làm việc, ăn ở cho ban đề thi là 6,6 tỉ đồng; chi mua, thuê máy móc vật tư phục vụ ra đề thi là 19 tỉ đồng. Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, chi phí thuê hạ tầng, vận hành, nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý thi là 18 tỉ đồng.
Liên quan đến việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ đề thi kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ GD-ĐT cho hay chi phí là 84,7 tỉ đồng.
Về công tác tuyển sinh, Bộ GD-ĐT cho biết phần mềm tuyển sinh (điều chỉnh) được tính chi phí 8 tỉ đồng, chi phí các khâu tổ chức từ tháng 2 đến tháng 12 của năm là 6 tỉ đồng. Công tác thanh tra, kiểm tra thi và tuyển sinh chiếm 3,99 tỉ đồng.
Về dự toán kinh phí cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ tuyển sinh, Bộ GD-ĐT dự kiến phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, phần mềm quản lý phục vụ xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa kết hợp với chấm thi và phần mềm cho thí sinh ôn luyện trực tuyến là 11,5 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, việc đầu tư trang thiết bị phần cứng và phần mềm cho thi và tuyển sinh tốn 70 tỉ đồng, thiết bị công nghệ thông tin và thiết bị bảo mật phòng máy chủ: 70 tỉ đồng, các phần mềm phục vụ phòng máy chủ: 15 tỉ đồng, hệ thống phần cứng và phần mềm giám sát thi tại Test center: 20 tỉ đồng, thiết bị hỗ trợ và giám sát hệ thống thi: 15 tỉ đồng, hệ thống máy tính mở rộng phục vụ xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa: 15 tỉ đồng, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm tổ chức thi vệ tinh quốc gia: 40 tỉ đồng.
Bộ GD-ĐT cũng cho hay năm 2019, cơ bản các nội dung được xây dựng như năm 2018.
Cần nghiên cứu thận trọng
Một chuyên gia về quản lý giáo dục cho rằng việc "vẽ" ra số tiền rất lớn như vậy là thiếu cơ sở tính toán hợp lý. Chẳng hạn, định mức chi phí cho mỗi câu hỏi trắc nghiệm là bao nhiêu? Tại sao việc xây dựng ngân hàng đề thi nhà nước phải ôm mà không đấu thầu để các tổ chức tư nhân tham gia? Sản xuất ra đề thi hoàn toàn thu được lãi từ thu phí người dự thi? Không phải một lúc thi hết cả ngân hàng đề, như vậy sẽ xảy ra trường hợp bị lặp chi phí, dễ sinh ra tham nhũng.
"Tính trung bình, nếu mỗi năm khoảng 800.000 thí sinh thi thì chi phí các loại cho 1 em sẽ gần 1 triệu đồng (chưa kể các chi phí khác của các sở GD-ĐT, trường ĐH). Ở Mỹ, chi phí cho 1 học sinh trong chuyện thi cử chỉ dao động 15-25 USD, trong khi chi phí và mức sống của họ cao hơn Việt Nam nhiều lần" - chuyên gia này so sánh.
TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam - nhận định thi cử là một phần quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông, nhất là hiện nay, khi chúng ta mới đưa vào thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Thi cử cũng là để đánh giá quá trình đào tạo giáo dục phổ thông. Do vậy, cần nghiên cứu thận trọng, làm sao cho vừa bảo đảm tính khoa học của thi cử, kiểm tra, đánh giá vừa bảo đảm tính thực tế của kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Cho nên, việc đổi mới thi cử như thế nào trong thời gian sắp tới cần phải phù hợp, hài hòa với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đáp ứng được những yêu cầu tiến bộ mà kỳ thi THPT quốc gia những năm đạt được, vừa để xét tuyển vào ĐH, CĐ.
TS Nghĩa cho rằng thực tế hiện nay, một số trường phải tổ chức thêm các kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào trường mình. Điều này chứng tỏ kết quả kỳ thi THPT kỳ thi THPT quốc gia chưa phù hợp với một số trường. Chính vì thế, việc đổi mới sắp tới phải bảo đảm kết quả đánh giá kỳ thi, đạt được độ tin cậy vừa bảo đảm về mặt chuyên môn, giúp cho các trường không phải tổ chức thêm kỳ thi nào nữa. Về vấn đề kinh phí, nếu đã là kinh phí về đổi mới thi cử thì phải tập trung cho đánh giá và tổ chức thi cử.
"Đề án mà Bộ GD-ĐT công bố vừa rồi tập trung cho đề thi rất nhiều. Do đó, cần phải cân đối, phân bổ các khâu, từ tổ chức thi đến đề thi, sao cho thực hiện kỳ thi THPT quốc gia mới sau năm 2020 bảo đảm tính ổn định, chứ không phải thay đổi mỗi năm như vậy" - TS Nghĩa đề nghị.
750 tỉ đồng mà không thấy đổi mới!
Tuy bỏ ra số tiền lớn như vậy nhưng kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH trong đề án đổi mới lại... không có gì thay đổi. Thí sinh vẫn phải thi 5 bài thi gồm: toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học), khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Năm 2018, đề thi ra vào chương trình lớp 11, 12 - chủ yếu là lớp 12. Năm 2019 và 2020, đề thi ra vào chương trình THPT - chủ yếu là lớp 12. Việc xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp về cơ bản cũng không có gì thay đổi so với năm 2017.
Bình luận (0)