Anh là người thầy truyền cảm hứng học tập, tinh thần lạc quan cho bất cứ học trò nào. Đó chính là thầy giáo Hoàng Anh Phú - giáo viên dạy bộ môn tin học tại Trường Tiểu học và THCS xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Biến cố dồn dập
Hơn 20 năm công tác tại những ngôi trường vùng cao của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cùng ngọn lửa yêu nghề luôn rực cháy, thầy giáo Hoàng Anh Phú luôn cố gắng hết mình trong việc trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để hằng ngày lên lớp truyền thụ tình yêu con chữ, kiến thức cho biết bao thế hệ học trò nơi đây. Vậy mà, bất ngờ một biến cố lớn đã ập đến với người trụ cột của gia đình, chồng và cha của hai con nhỏ. Hơn 10 năm trước thầy Phú gặp tai nạn về điện, hậu quả vụ việc khiến thầy Phú liệt nửa người cùng việc mất đi cánh tay trái. "Đang là một người bình thường, bỗng chốc như một giấc mơ tỉnh dậy trở thành gánh nặng cho gia đình, nhất là vợ. Mình buồn và hụt hẫng lắm" - thầy Phú bộc bạch. Nhưng với quyết tâm và lửa nghề thôi thúc, thầy Phú vẫn mong muốn được đến trường, được cống hiến và quan trọng hơn anh mong mình vẫn là người "có ích".
Và thế là, hơn 10 năm qua, thầy vẫn cần mẫn bám trường, bám bản lên lớp cùng những trang giáo án, giảng dạy kiến thức cho nhiều thế hệ học trò vùng cao. Cũng hơn 10 năm ấy, đồng nghiệp, bạn bè, học trò hằng ngày vẫn nhìn thấy những hình ảnh quen thuộc về một thầy giáo "tàn nhưng không phế", tận tụy với nghề cùng ánh mắt chứa chan niềm tin, sự hy vọng...
Thầy giáo Hoàng Anh Phú - dù gặp hoàn cảnh nghiệt ngã, ngồi trên xe lăn vẫn bám trường, bám lớp
Những tưởng, mất đi cánh tay và khả năng đi lại của đôi chân đã là biến cố lớn nhất của cuộc đời người thầy giáo vùng cao ấy và các cụ ta thường dạy: "Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai". Vậy mà, cuối tháng 12-2022, thầy giáo Phú lại chịu một mất mát lớn không gì đong đếm được đó chính là mất đi người vợ hiền, người bạn và là chỗ dựa tinh thần vô cùng lớn của thầy cùng hai con. Chị Đặng Thị Thu Phong vừa là vợ vừa là đồng nghiệp công tác cùng trường thầy Phú ra đi đột ngột sau vụ tai nạn giao thông trên đường đi dạy về. Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Từ đó mọi gánh nặng gia đình đổ dồn lên vai thầy khi con gái đầu của thầy đang học năm thứ nhất Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Để các con không mất phương hướng cũng như cùng các con vượt qua nỗi đau lớn, thầy Phú phải cố gắng gấp hai, gấp ba người khác trong việc vừa hoàn thành công việc một thầy giáo tận tụy trên lớp vừa là cha, là mẹ để các cháu bớt tủi thân và có chỗ dựa.
Tình yêu nghề không cho phép thầy gục ngã
"Tôi may mắn khi nhận được sự quan tâm của gia đình, bè bạn cùng đồng nghiệp. Chính vì lẽ đó để không phụ sự quan tâm của mọi người. Tôi chỉ biết mình cần phải cố gắng, cho dù sự cố gắng của tôi phải gấp cả trăm lần người bình thường khác" - thầy Phú tâm niệm. Và thế là, 10 năm qua, làm bạn cùng người thầy giáo vùng cao ấy chính là chiếc xe lăn cùng nạng gỗ. Được sự trợ giúp, tạo điều kiện của ban giám hiệu nhà trường, thầy Phú luôn hết mình trong công tác giảng dạy. Trước học trò, thầy luôn là một người thầy lạc quan cùng những tiết học vừa mang tính chất "xóa mù" công nghệ cũng như mong muốn phổ cập những kỹ năng cơ bản nhất để các em được làm quen với những tiện ích của công nghệ thông tin vào học tập, cuộc sống...Với đồng nghiệp, thầy áp dụng, chia sẻ những kinh nghiệm hay trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, sinh hoạt.
Nhất là thời điểm cách đây 7 - 8 năm, việc sử dụng phần mềm PowerPoint còn xa lạ với các thầy cô giáo. Nhưng với chuyên môn vững vàng của mình, thầy đã được nhà trường tin tưởng giao trọng trách tập huấn cho các thầy cô ứng dụng phần mềm này vào giảng dạy. Cho đến nay, sau nhiều năm thực hiện, 100% giáo viên của trường đã sử dụng thành thạo PowerPoint. Các giờ học của các thầy cô bớt nhàm chán, thu hút được sự thích thú của các em học sinh.
Bên cạnh đó, thời điểm hai năm dịch bệnh bùng phát, nhiều giáo viên vùng cao còn khá bỡ ngỡ với cách dạy học trực tuyến trên phần mềm như Zoom. Thầy giáo Phú đã nhiệt tình chỉ dẫn để các thầy cô thích ứng nhanh với công nghệ. Ngoài việc giúp đỡ đồng nghiệp ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, thầy Phú còn hỗ trợ, hướng dẫn cán bộ thư viện của nhà trường sử dụng thành thạo cách quản lý hồ sơ, sổ sách thư viện bằng phần mềm, hướng dẫn giáo viên nhà trường trong việc cập nhật đưa giáo án lên trang web của Phòng Giáo dục. Và gần đây nhất, là việc hướng dẫn giáo viên cách thức bổ sung thông tin cá nhân lên trang cơ sở dữ liệu của tỉnh nhà...
Hơn 10 năm qua, bao biến cố ập đến nhưng trước học trò, đồng nghiệp người thầy ấy vẫn luôn nở nụ cười lạc quan và truyền năng lượng tích cực tới mọi người. Để những tiết học của bộ môn tin học mình phụ trách không trở lên khô cứng, nhàm chán và mong muốn thu hút được học trò, thầy Phú không ngừng trau dồi chuyên môn. Đặc biệt, trong các giờ học của mình thầy luôn có những câu hỏi tạo sự gần gũi, tổ chức những trò chơi cho học sinh thoải mái nhất và tôi đã hỏi anh:
"Có mẹo gì trong việc giảng bài hiệu quả với thâm niên hơn 20 năm công tác của mình?" Thầy cười, nụ cười còn phảng phất nhiều nỗi buồn, sự mất mát và trả lời: "Mình nghĩ mình chẳng có mẹo gì cả. Chỉ biết là phải nỗ lực giảng dạy và truyền thụ một cách dễ hiểu và đơn giản nhất cho học sinh thôi!". Chính sự miệt mài và không ngừng vươn lên trước khó khăn, nghịch cảnh của thầy đã chạm tới trái tim học trò; cần phải cố gắng nhiều hơn trong học tập, không phụ sự mong mỏi cũng như trái tim đầy nhiệt huyết của người thầy đáng quý ấy.
Lan tỏa niềm tin
Tôi rất tâm đắc với câu nói: "Đừng thở dài, hãy vươn vai mà sống/ Bùn dưới chân nhưng nắng ở trên đầu". Tôi viết về người đồng nghiệp, người thầy giáo vùng cao ấy bằng cả sự trân trọng, khâm phục đầy ngưỡng mộ của mình. Thầy Hoàng Anh Phú chính là một tấm gương lan tỏa lối sống đẹp cho chúng tôi - những người cũng đang công tác trong ngành giáo dục miền núi.
Chính nhờ nghị lực, không khuất phục trước khó khăn của thầy đã gieo vào trài tim nhiều thầy cô giáo vùng cao chúng tôi động lực giữ vững "lửa nghề", không nản chí, bỏ cuộc trước những khó khăn thách thức để bám trường, bám bản nơi vùng II, vùng III, vùng đặc biệt khó khăn...
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)